Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Sấm Trạng tri nghiệm- Lý học Càn Khôn

2.
kể từ tuổi nhỏ qua đi
gặp thời loạn lạc khốn nguy bời bời
chiến tranh rần rật khắp nơi
Hiền Giang một lẻo cắt đôi sơn hà(5)
phân chia bên địch bên ta
thắt lưng buộc bụng mà ra chiến trường
mẹ gia một nắng hai sương
tuổi xuân hăng hái lên đường lập công
thân trai nhẹ tựa lông hồng(6)
bom rơi đạn nổ tứ tung ngũ hành
rõ là phải "thửa hung hoang...(7)"
rõ là binh hỏa chiến trường khốn thay
rõ là "cá phải ẩn cây..."
rõ là "còn mấy chim bay một làng?(8)"
khăng khăng sắc đỏ sắc vàng
nhà máy thôn làng khẩu súng khoác vai(9)
đúng là thiên hạ xẻ hai
đúng là "kẻ sở- người đoài(10)" choảng nhau
"muông dân chịu những âu sầu
kể dư đôi ngũ...(11)" quả hầu mới yên..!
*
thương cho hai chữ Thánh hiền
bảy nổi ba chìm mới được hồi sinh
những năm Giáp Ất Bính Đinh
Sấm Ký Trạng Trình đều phải đốt đi(12)
sự lòng dân nhớ dân ghi
năm trăm năm ấy người đi lại về
thủy sinh... cành lá xum xuê
càn khôn thái vận bốn bề cảo thơm...(13)
đẽo vuông rồi lại đẽo tròn
công cha nghĩa mẹ nhớ ơn muôn đời...!
*
Hai tay nâng quyển Sấm trời
ấm áp mọi lời Trạng đã dạy cho
huyền thông là truyện thiên cơ
nói ra không thể tóc tơ tỏ tường
thực hư để lại nhân gian
đúng sai để lại nghiệm bàn hậu sinh..!(14)
nay xem thời nghiệm lộ trình
"phục nguyên chu ngũ...(15)" tài tình xiết bao
nhớ câu Trạng viết thuở nào
"một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa"
những điều báo chí đăng qua
ứng vào thời thế thật là thần minh
có câu "long vĩ chiến tranh...
can qua thân dậu thái bình niên lai(16)"
ấy là đại chiến thứ hai
thời gian sự thế chẳng sai tí nào...
đồ thư một quyển Trạng trao
năm trăm năm ấy trải bao nhiêu đời
có câu "Tiên Lãng chia đôi...
sông Hàn nối lại thì tôi lại về...(17)"
*
Lần theo mạch đất đồng quê
vẫn còn đền Trạng bốn bề cỏ hoang
vẫn còn dải đất Trung Am(18)
bến đò Tăng Thịnh sông Hàn nước xuôi
bao năm cát lở đất bồi
bờ đê Nam Tử chân người gió theo(19)
quê cha quê mẹ còn nghèo
chỉ mong có được cầu kiều bắc sang
cánh buồm nhẹ lướt hàn giang
bể Đông mây trắng từng làn trắng mây
chuông chùa Thạch Khánh khô gầy
Thiên Hương nẻo khuất thuyền đầy khách thăm
Tràng Xuân Kiều(20)... lặng bâng khuâng
Thái Bình choi chói một vùng Trấn Dương(21)
ngao du Đông Hải- Đồ Sơn
lại về Kính Chủ động tiên(22) sớm chiều
sự già vui bạn theo theo...
văn chương tri ngộ điều điều tự tâm
mặc ai xua đuổi hươu Tần
trăng lên Lầu Hán ngồi thăm mệnh trời
dở hay bởi tự lòng người
bút hoa soi chép những lời thần tiên
chữ đề Sấm Ký bí truyền
chữ tâm thực sáng chữ thiền thực cao
chữ tài chữ tuệ siêu sao
"Trung thiên như nhật" thắm vào ngàn năm...
*
mát trong theo mạch nước ngầm
mát vào hoa cỏ tưới nhuần khắp nơi...
rằng đầu thế kỷ hai mươi
"phân phân tòng bắc khởi..." ngòn chiến tranh
ấy là Đức, Pháp, Ý, Anh
Áo, Hung, Nga, Nhật, Mỹ tranh giành đất đai
ấy là tám nước cường tài
làm "tám cúng quỷ" tính bài hại nhân...
nổi cơn binh lửa ầm ầm
"hùm già lạc dấu" khôn lầm lối ra
Véc-sail quyền lợi bất hòa
thắng thua thù hận cho là cách tân
đoài phương ong khởi lần lần...
"muông sinh ba góc" cầm quân dấy loàn...
ấy là Đức, Ý, Nhật-Hoàng
thành Trục Phát-xít tính toan phục thù
đua tranh quân lực quân nhu
gây nên đại chiến mịt mù bốn phương
địa cầu ra bãi chiến trường
thuỷ chiến bộ chiến trăm đường ghớm ghê
mùi thân Đức, Ý thua to
Mỹ, Anh, Nga, Pháp kết lò đồng minh
bấy giờ "nhiễu nhiễu... đông chinh"
khắp nơi chĩa súng vào anh Nhật Hoàng
Đồng minh đòi Nhật đầu hàng
ngẩn ngơ thì nỗi kinh hoàng sảy ra
Hoa Kỳ dùng đến bom- A
một Hy-rô-sị một Nà zaga-ki
Châu thành tan tác như ri
đúng năm Ất Dậu thôi thì thảm thương
"gà dâu gáy sớm bên tường
chẳng yêu thì cũng bất tường rằng không
quốc trung kinh dụng cao không
giữa năm mà lại hiểm hung mùa màng"
bấy giờ Nhật phải đầu hàng
đồng minh thắng trận khải hoàn khắp nơi..!
**
-------------------------------------
Ghi chú:(5)Hiền giang: sông Hiền lương ở Quảng Bình, thuộc vĩ tuyến 17, là dòng sông chia cắt đất nước Việt từ 1955 tới 1975, trong 30 năm phân tuyến Người Việt miền Bắc theo Cộng sản đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc; miên Nam theo Tư bản Tự do đứng đầu là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. phân ra địch ta và chiến tranh suốt 30 năm ấy; ở Miền Bắc thanh niên lớn lên 16 tuổi vào Đoàn TNCS và thường ra trận. (6) Khi ra trận Thanh niên thường khuyến nhau "một xanh cỏ , hai đỏ ngực" lấy câu thơ của Đoàn Thị Điểm mà tự thị "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" nghĩa là tự nhủ làm trai ra trận coi cái chết tựa như lông hồng! (7)Nguyên văn lời Sấm "...kẻ thì phải thửa hung hoang, kẻ thì binh hỏa chiến trường chết oan, kẻ thì mắc thửa hung tàn, kẻ thì bận của bỗng toan khốn mình..." -chữ ”thửa”: dùng trong Sấm Trạng theo văn nghĩa cổ ý chung chung là làm cho mình; thí dụ: thửa cái áo mà mặc; hoặc làm cái gì cho vừa vặn: thửa đôi giày, thửa cái nhẫn; hoặc kiến giải điều gì cho đạt ý: thửa nên... thửa chăng?; hoặc so sánh: công lênh phụ mẫu thửa ấy ai bằng? ở đây chữ thửa "cổ nghĩa" là làm cho mình một cái vừa vặn! thực lòng muốn có cái đó, như thửa đôi giày, cái áo đúng ý; tuy vậy câu trên "phải thửa hung hoang" tức là bị bắt ép mà tự thửa, câu dưới "mắc thửa hung tàn" thì là bận bịu với việc thửa, mà lại là thửa "bom đạn bắn giết" cho chính mình; vậy hiểu ra lời Sấm ngầm cho ta biết cuộc chiến tranh mà Dân Việt ta tiến hành là ta tự làm, tự muốn có, khổ ải về chiến tranh là ta tự muốn có, chứ không phải do ngoại bang! trước kia ta cứ tưởng do ngoại bang, giờ suy ngẫm câu Sấm đến nay ta thấy đúng vậy? tự chia ra địch ta rồi huyết chiến hứng chịu?; nhiều bực trí giả tiền nhân trước kia ngỡ là các cụ chép nhầm nên đều chữa lại thành chữ "thuở" thực sai quá! nay cuộc tàn mới thấy chữ "thửa" đầy ý nghĩa..! (8) Nguyên văn "cây bay lá lửa dội ngàn, một làng còn mấy chim đàn bay ra" (9)Những năm 1964-1975 trai làng ra trận, chiến trường BCD Nam Việt, Lào, Khơme, ở nhà chỉ còn phụ nữ, ông già lập thành dân quân tự vệ, nhà nước phát súng đạn, trong nhà máy cũng vậy, đi làm mang theo, khoác theo... (10)Nguyên văn Sấm "mà thiên hạ sao xẻ làm hai, người đoài ấy cũng thực tài, mà cho người sở toan bài lập công..."; người Đoài: chỉ người ph. Tây, kẻ Sở: chỉ người ph. Đông- cách nói theo tích Đông Chu liệt quốc, vì nước Sở nằm về phía đông Bành Thành: kinh đô nước Tần, nên Tần là đoài, Sở là đông; thực chất thiên hạ xẻ hai tức 2 phe CS và TB, sự xẻ đôi (1945- 1989) từ Chính trị kinh tế tới văn hóa ý thức hệ...! đều ở hai thái cực đối lập! Ý Sấm còn ngầm cho ta biết người Tây cũng giỏi, học và theo họ để họ lập công với dân được lắm chứ? sao lại để người ph. Đông ban ơn lập công? chỉ làm cho nước ta và muông sinh ph.đông khổ mà thôi? cần hiểu là ph. đông gồm cả Liên Xô, Trung Quốc, và Việt Nam mới đúng theo kinh dịch và đường kinh tuyến o-o greewich..! (11)Nguyên văn "kể dư đôi ngũ mới hầu khoan cho" đôi ngũ là 5x5= 25 năm, dư là hơn, 25 năm có dư, thực tế đúng tính ra chiến tranh ở Đông dương- Việt Nam bắt đầu và kết thúc tạm, là từ 1964- sự kiên Vịnh Bắc Bộ tới 1991- rút khỏi Khơmer = 27 năm!? (12)Giáp Ất Bính Đinh: là các năm 1954, 1955, 1956, 1957, Giáp Ngọ, Ất Mùi, Bính Thân, Định Dậu, chính quyền miền Bắc bắt tập trung sách dưới thời Phong kiến- Thực dân gồm chữ Tây, chữ Nho đem đốt hết, ai không nộp cất dấu thi bị bắt giam hoặc đấu tố, Sấm Ký cũng bị cho là dị đoan cũng bị đem đốt hết. (13)Sấm lưu truyền rằng thời hạn Đức trạng tiên tri là 500 năm, người viết bài này theo Sấm độn tính ra bây giờ là 2010 khoảng hơn 40 năm nữa; (14) Nguyên văn Sấm " cơ tạo hóa phép màu khôn tỏ, cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao, thấy Sấm từ nay chép vào, một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa, thần- kinh thái- ất suy ra , để dành con cháu gần xa nghiệm bàn"; (15) Nguyên văn "chu ngũ phục nguyên tiền" tức là tròn 500 năm thì nước Nam ta lại ổn định trở lại sự hanh quang;(16) Ng. văn "Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh, can qua xứ xứ khổ đao binh, mã đề dương cước anh hùng tận, thân dậu niên lai kiến thái bình" Nghiệm ra 6/8-1940 Canh Thìn (con rồng), Đức tấn công Liên Xô, tới đầu 1941 Tân Tị (con rắn) mở rộng chiến tranh toàn bộ các mặt trận Châu Âu; Phía Đông Nhật nổ súng vùng Thái Bình dương, từ đầu 1942 Nhâm Ngọ (con ngựa) tới cuối 1943 Quý Mùi (con dê) Đức thất thủ liên tiếp bỏ chạy khỏi Moscow, nhiều tướng tá binh lính Đức tử trận bị bắt làm tù binh, đến 15- 8-1945 Béc lin bị Liên Xô và Đồng minh chiếm, Đức đầu hàng vô điều kiện, kế theo Nhật và Ý đầu hàng Đồng minh, lời tiên tri đúng hoàn toàn!; (17) Ng. văn "bao giờ Tiên Lãng chia đôi, sông Hàn nối lại thì tôi lại về!" sự thực con sông đào Tiên lãng chia đôi huyện đã có từ thời Ng. Công Trứ khẩn điền, đến 1985, Hải Phòng tổ chức Hội nghị kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng và làm cầu phao Sông Hàn, thì mọi người nhớ đến câu Sấm này... và bình luận Sấm Trạng tự do hơn trước, không bị cấm đoán gắt gao nữa!(18)Trung Am là quê Đức Trạng nay thuộc xã Lý Học- Vĩnh Bảo Hải Phòng trước 1945 thuộc tổng Thượng Am, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương; Tăng Thịnh là xóm thuộc xã Liên Am. (19) Đê Nam Tử, tức Nam Tử Hạ nay thuộc xã Kiến Thiết huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cũng có tên An Tử Hạ, là quê ngoại của Đức Trạng Trình- có con đê theo dòng sông Hàn còn có tên là sông Tuyết, do vật người đời tôn Trạng Trình là Tyết Giang Phu Tử.(20) Tràng Xuân Kiều tức cầu Trường Xuân tương truyền do Trạng vận động dân và bô lão xây dựng lúc sinh thời vào đền Thạch Khánh, nay tìm được phiến đá ghi chữ Trường... làm di tích.(21) Chùa Thái Bình- Thái Bình Tự nằm về phía Đông Vĩnh Bảo nay thuộc xã Trấn Dương.
--------------------------------------------------(còn nữa)

Sấm Trạng Tri nghiệm- Lý học Càn Khôn

1-Tri Nghiệm... diễn nghĩa..!
***

Lâu nay gắng lấy sự nhàn
mở quyển sách vàng nhiệm nhặt ngồi xem
có câu Sấm ký bí truyền
tuổi thơ nghe lỏm(1), đôi phen hỏi dò
lão phu các cụ bơ phờ
luận giải hàng giờ, cũng chỉ chừng ra
"mười phần mất bảy còn ba
mất hai còn một..."(2) thực là khó thay!
*
trẻ con chạy dọc luống cày
chấp chân sai vặt cả ngày mà vui
cái thời điếu đóm ông tôi
cái thời sâu nặng tình người nghĩa cha
đồng xanh ruộng lúa bao la
lũy tre vi vút tiếng gà gáy trưa
mái tranh sông nước hững hờ
lưng trâu ngồi đọc i..tờ ê ..a..!(3)
*
Sấm Trạng Trình đã viết ra
mỗi câu mỗi chữ đều là thần tiên
gắng công học chữ thánh hiền(4)
họa may hiểu được lời truyền Trạng cho
họa may hiểu được biến cơ
tài trai thông luận cơ hồ dọc ngang
Sấm gieo muôn ngọc nghìn vàng
thỉnh xin từng chữ rõ ràng nhớ ghi...
***
-------------------------------
Ghi chú:(1)"Nghe lỏm" là nghe mà minh không phải là người chính thức trong cuộc nói chuyện; người viết bài này nhớ lại khi còn bé đã nghe các cụ bình về Sấm Trạng Trình, bản thân mình chầu rìa, đôi khi các cụ sai vặt. (2)Nguyên văn lời Sấm: "bao giờ đá nổi lông chìm, đồng khô hồ cạn con tìm thấy cha, mười phầm mất bảy còn ba, mất hai còn một mới ra thái bình" các cụ ngỡ là dân chết hai đận, đận 1 binh lửa can qua chết bảy còn ba, lần 2 tiếp tục chiến tranh chết hai còn một... thế thì dân Nam ta chết hết còn gì? các cụ lắc đầu! không biết đâu mà lần!. Có cụ vỗ đùi: "Tưởng Giới Thạch bị đánh chạy ra đảo Đài Loan thì nổi rồi! Thạch chả là đá thì là cái gì? ô! Mao là Lông, lạ thật! lông chìm, đồng khô hồ cạn cứ là lộn tùng phèo! ngược đời tất tật... không biết bao giờ mới kết thúc?(3) Đồng xanh, cánh cò, chăn trâu cắt cỏ, lũy tre làng, tiếng gà gáy trưa, mái tranh, cây đa bến nước, đồng chiêm quê tôi...- là sắc thái nhịp sống của văn hóa làng quê Viêt Nam, rất ấn tượng với một đời người dân Việt. (4)Nước Việt ta có hai loại chữ, xét ra đều là quốc ngữ cả, Chữ Nôm còn gọi là chữ Nho (chữ tượng hình, giống chữ Tàu mà Việt chế đi một ít) và chữ Quốc Ngữ (hệ chữ la tinh do các giáo sĩ Bồ- Tây Ban nha sáng tạo, mà công lao nhất là Ông Alexandrox- giáo sĩ người Bồ đã căn chỉnh rất sát chính tả ngày nay ta dùng); học chữ Thánh hiền là học chữ Nôm, chữ Nho để hiểu về lịch sử văn hóa truyền thống... Xưa các cụ thường khuyên con cháu gắng học để biết thời vận, mới hiểu được Sấm truyền. Chữ Quốc Ngữ hệ La tinh, mà ta gọi thẳng là Quốc ngữ được Phong trào Duy Tân cổ vũ, học chữ này mau biết đọc mau biết viết, tiện lợi khi tiếp thu Tây học, rất tiến bộ tân văn. Trạng Trình đã Tiên tri về chữ Quốc ngữ khi mở đầu bài Sấm Ký "vận lành mừng gặp tiết lành, thấy trong quốc ngữ tập tành nên câu", hai chữ "tập tành" rất thâm hậu, nghĩa là Đức Trạng báo rằng chữ quốc ngữ hệ la tinh sẽ phát triển thành phong hóa của ngữ ngôn Việt Nam... (cần hiểu ngạn ngữ Việt: "có phong hóa có khác, có tập tành có khác!?" Thế là ta vỡ lẽ, chữ Quốc ngữ hệ la tinh đã được "tập tành" từ cuối thế kỷ mười chín- XIX, đến đầu thế kỷ hai mươi XX đã trở thành Ngữ Văn chính thức trên trường Quốc tế của nước Việt ta... đúng lời Sấm của Trạng..!).
-------------------------------------------------------(còn nữa...)