Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Tri nghiệm Sấm Ký Trạng Trình- Lý học Càn Khôn- Chiêm thời...“知驗讖記狀程-理學乾坤-占時“...

***
HƯ THỰC MUÔN ĐỜI
(Hay chuyện kể về Sấm Trạng Trình)
*
Truyện 2.
----------------------------------------------------------------------------------------------KTS.PHẠM VŨ HỘI




“...Cơ tạo hóa phép màu khôn tỏ


Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao


Thấy Sấm từ nay chép vào


Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa


Thần Kinh Thái Ấ suy ra


để dành con cháu gần xa nghiệm bàn!...”


(Sấm Trạng Trình)
---------------------------------------------------------------------------------(*PVH)



...Chúng ta đang ngồi trong vùng trời mọng đầy hơi nước... khi đó ánh mặt trời trở nên bàng bạc nhạt nhòa, không thể biết rằng ta đang ngồi trong quãng sáng của bảy sắc cầu vồng..!
-Hãy chạy tới chân trời tít tắp xa kia... ngoái đầu nhìn lại... thì trời ơi! bảy sắc màu sặc sỡ mới thực sự hiện ra... “Hư thực muôn đời- 2” muốn tiếp tục cái nhìn như vậy...



*


Thập kỷ 60...
Nắng hầm hập như đổ lửa... tiếng trống HTX từ Miếu Làng Tư đổ hồi... Mấy lão nông trên mình khoác chiếc áo nâu đụp đẫm mồ hôi, khuôn mặt sạm đen, mắt cứ nheo xoắn lại dưới nắng trưa hè, tất cả rời tay cuốc ải vội về làng, họ đổ vào nhà Cụ Lý ở ngay đầu làng nghỉ tạm... chia nhau từng điếu thuốc, bát nước, chuyện nở như pháo ran, thỉnh thoảng bắt gặp một cơn gió mát...
* Thằng Cóc đưa cái “đóm(1)” cho cụ Lý, rồi chui vào lòng cụ lúc nào không biết nữa... Lúc cụ hút thuốc cứ phải gập người xuống mà hút, nó còn cầm nối cái “đóm” để tay cụ châm mồi lửa tới đâu, tay nó cũng rê tới đấy tỏ vẻ thích chí. Bình thường thì cụ bảo nó “xê ra cho ông hút!” nhưng hôm nay có mấy lão làng ngồi quanh, nên cụ cũng thây kệ. Cụ Lý chụm môi chẹp chẹp năm bảy cái cho điếu thuốc cháy đượm xong rít một hơi rõ dài tụt cả điếu thuốc vào trong nõ, rồi nghểnh mặt nhả khói, đoạn lấy tay đẩy cái điếu bát cho ông Nguyên. Đến lượt ông Nguyên lấy cái soi điếu sọc sọc... Khói thuốc cuồn cuộn bay thong thả quấn quít cả mặt thằng Cóc. Nhả khói xong cụ ầm ừ ngâm nga trong cổ họng theo “điệu trống quân(2)”:



“Hoành sơn(ư...) là lối(chứ...) ra... (ưừ...) vào!


Cuốc kêu(mà...) vọng đế(ýchứ...) Cáo gào (mà...) Hà (hừư...) vương


Cung trăng(mà...) đã sẵn (ý chứ...) lời chương


Gió mưa(mà...) lại mở(chứ ý...) một trường(mà...) Xuân(ý...) Thu...


Tên treo(mà...) ba mũi(chứ...) phục(hư ừ...) thù...!


Khen thay(mà...) khắc dụng(chứ...) bày trò... (mà) chóó... con...


Ngọn cờ(mà...) nhấp nhô(chứ...) đầu(hừư...) non


Thạch thành mèo lại (chứứ...) bon bon (hưư...) chạy (ưhừ) về


đầy đường(mà...) lai láng(chứ) máu (ứ ừ...) dê


con quay(mà...) ngã trắng(chứ...) ba que (ư) cuộc (ưhừ...) tàn...!


Trời Nam(mà...) trở lại(mà... hục!... hục ục!)....!”



Mọi người nghe cụ Lý ư..ử như cụ hát, đến đấy thì cụ ho ùng ục... Thằng Cóc lấy tay vuốt lên ngực cụ Lý mà cười... “Ông tớ cứ hút là ho...” nó mách với bọn bạn. Nó và tôi chơi với nhau cùng mấy đứa nữa, rất hay hóng chuyện các cụ. Bấy giờ Cóc chỉ độ bảy tám tuổi được cụ Lý rất chiều, tôi nhỉnh hơn nó, đều rất thích nghe cụ Lý kể về Sấm Trạng. Tôi đế vào:
-Cụ ơi Sấm Trạng ấy hả cụ?
-Thì Sấm Trạng chứ còn gì! rồi cụ thở dài, chà chiến tranh, cứ là tranh cướp nhau cả đấy, ai mà biết là nó muốn cướp nước mình, nó siểm nịnh, mình bùi tai thì hóa ra mất nước, rồi nhớ nước mà hóa thành con chim Cuốc!... Xuân Thu cũng là một duộc, Sấm Ngài cũng cứ lấy tích xưa mà dạy, mà dẫn chuyện đời nay ấy... đúng chứ hử?. Cụ lại hát thay cho nói:



“mấy ai(mà...) bá đạo (ýchứ...) đồ (ư) vương


mà không(ừhừ...) mưu sự(ýchứ...) chiến trường(ừhừ..) can (ư) qua...”



Xuân với chả Thu, thật thâm hiểm bất nhẫn vô lương, hử? Sấm Trạng cả đấy! Chả thể vất đi đâu!?... Trước kia Sấm dạy “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong- 黎 存 鄭 在 黎 敗 鄭 亡”(3), thì là nghiệm rõ vào các năm (1784-1789) khi Tây Sơn nổi lên đem quân đánh ra Bắc, nhà Lê mất nhà Chúa cũng mất theo! Sử sách nước nhà ghi chép cả!... Lại có câu “kể từ tự xưng Lê nay, tam phân rồi chẳng được gì cả ba... (4),” thì đấy thực rành rẽ rõ ràng như ban ngày... từ lúc kéo cờ phù Lê, 1777 thụ phong Quảng Nam trấn thủ tuyên uý đại sứ quốc công(5), khuynh đảo, đuổi Chúa Nguyễn chạy dài... rồi bất ngờ đánh ra Bắc, khiến Trịnh không kịp trở tay... đến khi diệt Trịnh xong, thì ba anh em Tây Sơn chia nước làm ba mỗi người một khúc, mỗi kẻ một nhà, đều xưng đế xưng vương... cuối cùng cũng chẳng nên cơ ngũ gì, Ngài dạy quá đúng nhá!. Sau nhà Nguyễn lại lấy lại được, bấy giờ nhà nước ta mới thống nhất một mối, Gia Long lên ngôi 1802 mà đặt tên nước là Việt Nam(6)... Rồi tới khi Pháp đến có câu “để loài bạch quỷ lăng xâm, làm cho thiên hạ khổ trầm lưu ly...” thì lại có câu “Phụ nguyên trì thống, đế phế vi đinh -阝 元 馳 統- 帝廢 為 丁” ở đây chữ “phụ-阝” với chữ “nguyên- 元” ghép lại thành chữ “nguyễn- 阮”, tức là Nhà Nguyễn để mất nước vào tay Pháp, nhưng vẫn được duy trì quyền chính... gọi là “trì thống” mãi tới ông vua cuối cùng Bảo Đại tự mình phế bỏ mà thành bạch đinh tức “vi đinh”- ấy là “đế phế” chứ nào phải “phế đế”- là vậy..! hử? Trạng tiên tri thực tài tình, thời nào cũng có, ấy cho nên “cuốc kêu vọng đế cáo gào hà vương, cung trăng đã sẵn lời chương...” cứ nhớ lấy mà gẫm, hử?...
Ông Tịnh có người con lớn đi quân ngũ, nhìn cụ Lý bảo:
-Làng ta bao nhiêu người hay chữ chỉ còn Cụ... Cụ biết chữ Nho(7) chữ nhe chữ Tây chữ Tàu, cụ hiểu, thì cụ bảo thế chứ Hoành Sơn chỗ nào, Cuốc là gì? Cáo là gì, hay là sự dối trá? tôi chả được học hành, một chữ bẻ đôi cũng chả biết, xin chịu. Anh lớn nhà tôi cùng với bố cậu Cóc đi quân ngũ từ bấy dễ dăm năm rồi... bây giờ cứ bặt tăm tằm tằm...? “Hòa bình” rồi mà chả thấy về... Theo cụ thì cơ chừng thế nào nào... ruột tôi cứ như lửa... ơi dào..!
-Còn thế nào?.. cũng may cái ngày ấy tôi bảo tôi chả biết cái chữ mẹ nào, chứ anh phán Kỳ mà tôi hay học mót chữ của anh ấy thì đã bỏ xác đâu đó có trời mà biết! Thuở bé tôi toàn học lỏm, viết lên đất, ngồi nhìn trộm sách người mà học chứ trường lớp gì... đến khi thấy người ta mách hễ cứ biết chữ thì bị liệt vào “trí thức” là phải “đào tận gốc...” (8) tôi “sợ vãi...” cả ra.!.. Biết chữ biết nghĩa mà thành tội thì cứ bảo tôi chả biết gì sất hử!... Mà tôi là cái anh thợ, hết làm ruộng ở nhà... ngày ba tháng tám lại lên rừng làm thuê chặt củi, kéo cưa lừa xẻ... đen trùi trũi, quần áo chằng đụp lấy đâu ra “trí với chả thức”... Ngoảnh đi ngoảnh lại cái lứa tôi người giỏi, có học... chẳng còn thì cũng phiêu bạt... mới bảo loạn lạc sống chết chả biết đâu mà lần, hừm... Rồi cụ Lý lại hắng giọng ngâm nga:



“Bao giờ (mà...) đá nổi (chứ...) lông (ư hừ...) chìm


Đồng khô (mà...) hồ cạn (ý...) con tìm (mà...) thấy (ýứ) cha


Mười phần (mà...) mất bảy (chứ...) còn (hừ...) ba


Mất hai còn một (chứ...) mới ra (hư...) thái (ư hừ...) bình...”



-Thế bao giờ thì như thế để cháu được gặp bố cháu, thằng Cóc hỏi.
-Đến lượt lũ các anh đi lính thì có khi ở ngoài trận mạc bố con mới gặp nhau ấy chứ! Cụ Lý phỏng chừng... cũng khối người như thế! Tôi nhớ Sấm Ngài còn dạy “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh-田 無 人 耕, 路 無 人 行, 市 無 人 至, 天 下 共 為 兵” là đồng ruộng không có người canh tác, đường xá không ai đi lại, chợ búa không người đến, tất cả bàn dân đều làm lính cả... đấy để rồi các cụ gẫm... chắc chỉ mươi năm nữa là biết thôi hử?...
-Ui chết... chiến tranh dài đến thế cơ á..!? Cậu Cóc ngần này mà lớn vẫn phải đi trận đi mạc, thì hàng chục năm nữa vẫn chiến tranh ư? chậc!... Chết mất thôi, mấy người thốt lên cùng lúc!
-Suỵt..! khẽ cái mồm, là theo Sấm Trạng mà phỏng thế, để rồi xem...
Ông Nguyên từ nãy tới giờ vẫn ngồi nghe, gõ cạch cái xe điếu một cái, hai tay chụm lấy cái đóm định hút, nhưng rồi lại chống nó vào cằm, cái đóm vẫn cháy trong tay, nghiêng sang cụ Lý nói:
-Thế như nghe cụ đọc Sấm Ngài dạy đấy thì tôi cho là ngược đời cả, mà chết mẹ... nó cả bàn dân thiên hạ chứ còn đâu là dân tình nữa? Thì “đá nổi lông chìm” chả ngược đời là gì? có khác nào “Chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước”. Còn “đồng khô hồ cạn” thì họa có chăng... giờ đã nhỡn tiền... hử?
-Phải đấy các cụ nhỉ!?...ông Tịnh nói chen vào..
-Cụ ơi cánh đồng Chằm bên Tía sâu thế, mọi năm cháu chống thuyền lội đến tận cổ mà bây giờ cạn tiệt ấy thôi? “ếch kêu uôm uôm ao chuôm đầy nước!” mà cái chuôm làng mình cũng khô khốc... tôi hét lên cho cụ Lý nghe.
-Rõ thật...! Cụ Lý nheo nheo mắt nhìn mọi người, ánh mắt cụ sáng lên mà sâu thẳm, hiểu Sấm Ngài như nhà các ông, có mà lộ sạch cơ trời hử? Rồi cụ lại ngân nga theo điệu “sa mạc” (9) giọng cứ dính bết lại:



“Cơ tạo hóa..(óa...) phép màu...(hàu) khô...(ôn) tỏ...(ỏ)!..


Cuộc (hừ ừ...) tàn rồi...(ồi) mới rõ (ứứ...) thấp (hứ) cao...!”



Đã “tàn” đâu mà biết!? hử? Lại vừa dự bị vừa sắp tổng động viên rồi kia kìa... Nam Bắc, hai phe hai miền, mỗi anh theo một bên, một anh thì công hữu, xã hội chủ nghĩa, có Liên Xô Trung Quốc viện trợ, một anh thì tư hữu, tư bản chủ nghĩa, có Hoa Kỳ đỡ đầu, phe nào ủng hộ phe ấy, súng ống đạn dược cứ đầy ra, mình là tiền đồn (10)... chả anh nào chịu anh nào hử... Lại bảo sau hai năm thì hiệp thương mà có thấy đâu? đánh nhau là cái chắc hử... Lũ trẻ ranh này cũng đi quân ngũ hết cho mà xem... Còn “đá nổi lông chìm đồng khô hồ cạn” đâu phải như các ông các bà nghĩ ra thế...
-Ây thì hôm qua tôi được mời đi nghe cán bộ cấp trên phổ biến cho các gia đình thành phần “cốt cán”. Họ bảo là “quán triệt” đường lối chủ trương... “quán triệt” là gì tôi đâu có hiểu... nhưng thằng Thịnh nhà tôi chắc là nhập ngũ kỳ này rồi, trước là Nam tiến, giờ là đi B, C gì gì ấy, tôi cũng chả nhớ nữa. Tôi bảo nó lấy vợ rồi hãy đi! Thằng anh nó bặt tăm, thì nó phải lấy vợ mới cho đi... tôi cứ nói thế, ông Tịnh lên tiếng như mếu máo.
Bà cụ Lý dọn dẹp quanh quẩn nghe các cụ ông nói chuyện, chạy ra vuốt đầu lũ trẻ chúng tôi một lượt, nói cứ như muốn khóc:
-Chết mất! các cháu tôi phổng phao thế này nay mai chưa kịp lớn lại phải ra trận mà chết ư? “Mười phần mất bảy còn ba” chả hóa chết hết à? Tôi cứ lạy Trời khấn Phật, Sấm Ngài đúng tất tật ở đâu kệ!... riêng cái câu này đừng có đúng! ôi khốn khổ khốn nạn các cháu của bà! đời bà đã phải chạy loạn ngược xuôi khổ cũng cam... Cụ sụt sịt mắt ngân ngấn... “mất bảy còn ba” thì vợi cả làng cả nước còn gì?.. Ông Nguyên ngắt lời cụ bà:
-Cụ ơi! cánh thanh niên nó có sợ ối! cứ rời cái đồng đất này, thành người của dân của nước thì nó thích bỏ sừ!... Hừm... tôi cũng cứ xưa nay nghĩ ngợi... trước có nghe ông Đồ, còn "mồ ma(11)" ông ấy hay nói về Sấm, đúng đáo để... tôi bây giờ chả nhớ mấy, Sấm Trạng mà dạy đúng như Cụ nói, chả vất đi đâu được!... Hôm nay Cụ giải lại xem nào? “hoành sơn... xuân thu” là thế nào Cụ nhỉ?. Rồi ông Nguyên sơ hoa rằng trước kia cụ Đồ đã bảo “đá nổi” ấy là Tưởng Giới Thạch, Thạch là đá, Lông là Mao, là Mao Trạch Đông... Tưởng Giới Thạch bị đánh chạy ra Đài Loan, cái đảo to ngoài biển, thì ấy “đá nổi” rồi còn gì. Còn “lông chìm” hừ... thì chìm thế nào được... “Đông phương hồng ánh mặt trời lên, Trung hoa ta có Mao Trạch Đông...” cơ mà? ông Đồng, ông Hồ, đều là lãnh tụ đang gánh vác việc nước trọng đại... Không lẽ là các vị ấy viên tịch hết thì mới hết chiến tranh mọi người mới đoàn tụ?... “con tìm thấy cha” mà lỵ, hử?...
-Phả đấy! Cứ để gẫm xem... trước kia tôi với ông ấy cũng hay chuyện về Sấm Trạng cứ phải hàng buổi... Còn “hoành sơn” là gì? là cái ý chừng... như là rừng núi là dãy núi nằm ngang, ở đâu ấy à? Dãy núi phía tây kia... từ tấm bé tôi thấy các cụ gọi là Vu Sơn, nơi Tiên Phật ở, có người bảo ở Trung bộ tận Quảng Bình- Quảng Trị phía nam... hay Hoành Sơn là Hòa Bình- Sơn La ở phía Bắc... Hừm... có câu "nước Sơn La, ma Hòa Bình" rừng xanh nước độc... trước kia các cụ tôi có mách cả đấy! nhưng lâu ngày mải việc tôi cũng không nhớ hết... Cụ Lý bắt đầu giải thích... Thì tôi cũng đi Sơn La Hòa Bình cả rồi, bằng thằng cháu Cóc này tôi đã giúp tay cưa tay xẻ cho mấy Cụ Cả lên tận ấy mà làm ăn... núi non đi cả ngày, lên cao xuống thấp cây cối rừng sâu rậm rịt, chà... một bước đi một bước sợ... rắn rết, muỗi vắt, sợ cả ông “ba mươi”, tối phải đốt lửa. Ông “ba mươi” cứ vác một người, hai người như bỡn, có toán thợ sáng ra mới biết là mất người nhà mình, khiếp lắm... Cũng đi như thế có người về ngã nước mà chết đấy! ấy nhưng tôi thì chả khác gì cục đất thó vất đâu cũng được, hừ...
Nghe cụ Lý nói tôi chả hiểu mô tê mộc tệch gì “thế ông ba mươi là ai, sao lại bắt người ạ?”. Tôi hỏi.
-Chậc! ông “ba mươi hay ông cọp cũng thế cả” hiểu chưa hử? cụ Lý giải thích cho cánh trẻ.
-Ô lạ nhỉ? ông cọp lại là ông ba mươi, cứ như người ấy, thảo nào các cụ cứ hay bảo “khoẻ như ông ba mươi” thằng Cóc đập vào người tôi khoái chí.
-Còn Xuân Thu là thời các nhà nước phong kiến ở bên Tàu hình thành, cát cứ... Sử sách ai học thì mới biết, như nước Tần, nước Tấn, nước Sở, nước Ngô nước Tề... nhiều lắm!.. Tôi thì tôi cũng đọc sách của các cụ mà biết ấy thôi, xa lắc, xa lơ!... trước cả cái “năm Tây lịch, kỷ nguyên Cơ Đốc giáo” vài trăm năm kia, lâu lắm... Thời Xuân Thu là thời vua chúa lập quốc, rồi sau sinh ra chiến tranh mưu đồ bá bá vương vương, thì gọi là thời Chiến quốc(12). Kết thúc chiến quốc là cái anh Tần (221 tr.CN)... Các cụ ta dạy bấy giờ theo sử sách, anh Tàu có bảy nước Tần, Sở, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Yên, về sau các nước đều thua nước Tần cả, mà sinh ra cái anh Tần Thủy Hoàng, kiêm tính hết, người đời vẫn gọi là bạo chúa, chuyên đốt sách chôn sống học trò... Hừm... giờ thì tôi bảo các ông các bà ơi! vắt tay lên trán gẫm cho kỹ mới thấy Sấm Trạng cứ là đúng như bật mực: này nhé trước Thế Chiến thứ Nhất một loạt nước Tư bản được thành lập theo chế độ Cộng Hòa lập hiến: Anh, Ytalia, Pháp, Đức, Ao- Hung, Nhật bản, Hoa Kỳ... rồi chiến tranh tranh giành thuộc địa... Sau Thế Chiến Hai lại hình thành một lọat nước theo đường lối Cộng sản, những là mười hai mười ba nước xã hội chủ nghĩa như bây giờ gồm: Liên Xô, Nam Tư, Ba Lan, Lỗ mã ni, Bôn gia lợi... Ngay ở phương Đông A, thì có Trung Quốc, Triều Tiên, đến Phi luật tân, In-đô -nê-xia, Ân độ, Mã lai, cả Việt Nam ta nữa... Vậy cứ gẫm thật xa, đừng phụ thuộc vào bát cơm thường nhật... hừm chả phải “một trường Xuân Thu” (13) là gì hử?... Lại gẫm câu Sấm: “Chấn cung hiện nhật quang minh, sóng lay khôn chống trường thành bền cho, Đoài cung vẻ rạng trăng thu, ra tay mở lấy đế đô vạn toàn” thì cứ là càng rõ mồn một hử? Chấn cung là phương Đông sinh ra cái anh Nhật Bản có ông Minh Trị Thiên Hoàng biết canh tân đất nước chỉ trong ba chục năm kể từ 1868 trở đi tới đầu thế kỷ mười chín XIX, mà Nhật đã sánh ngang các cường quốc Thế Giới, rồi cũng ganh đua ra tranh cướp thiên hạ, thành Phát xít hóa... đến khi thất trận, phải bồi thường chiến phí nặng nề... Vì ở giữa biển, thiếu thốn đủ thứ ấy chứ, vậy mà cho đến giờ thập kỷ 60 này, lại vẫn vươn lên hùng mạnh, cho nên Trạng dạy “sóng lay không chống trường thành bền cho” là cái ý ấy! Còn phương Tây là Đoài cung, thì phát triển các thể chế dân chủ dân quyền cộng hòa lập hiến, tư bản hàng hóa, đua nhau tìm kiếm thuộc địa... các nước phương Tây đều xây dựng các đế đô tươi đẹp như: Lixbon (Bồ đào nha); London (Anh); Newook (Hoa Kỳ); Marđrit (Tâybannha); Pariss (Pháp); Viên (Ao); Rôma (Ytalia); Henxinhki (Phần lan); Oslo (Na uy), Stockhon (Thụyđiển)... nhà cửa lâu đài của họ to tát lắm! quả đúng y mực hệt..! họ đã “ra tay mở các đế đô vạn toàn” bền vững đến tận giờ... ấy là gẫm ra chả sai một ly một lai hử?... Còn bài Sấm nói về ta? Cuốc là gì à? tích các cụ xưa để lại là con chim Cuốc, mà lại chính là do An Dương Vương hóa kiếp ra đấy! Đó là truyền thuyết bảo rằng đương thời Vua An Dương Vương quá tin vào viên Tể Tướng Miết Linh... Hắn cứ xiểm nịnh Ngài rồi nhân một lần săn bắn trong rừng sâu, sau đêm hoan lạc, Vua say bí tỷ ngủ lăn ra, hắn bỏ Ngài lại nơi ấy... Sáng bảnh mắt nhà Vua gọi quân hầu chẳng còn ai, mới biết mình bị lừa... Bấy giờ người còn ít, rừng rậm mịt mù biết lối nào mà đi... Rồi Ngài cứ theo ánh mặt trời, định hướng tìm về kinh thành, đi về hướng Đông, đi mãi đi mãi, kiệt sức chết hóa thành con Cuốc, cứ kêu “cuốc! cuốc!- nước! nước!...” Tiếng chim Cuốc nghe thất thanh lạc lõng trong rừng, bên vách núi, nghe thiểu não quá mà sau người đời mới gọi An Dương Vương là Vọng Đế, nghĩa là nhớ nước! (13)... Thế là có thoại tích cả đấy, hừ...
-Thế còn “tên treo ba mũi phục thù” là thế nào? “khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? mà “cáo gào hà vương” thì thật kinh khủng, âm khí như quỷ ma ấy!... Trước nay các cụ cũng chả rõ làm sao sất!.. tôi cũng chưa được nghe cụ Đồ giải cụ ạ?.. Ông Nguyên có ý hỏi.
-Chà! Kể ra thì cũng khó thật, cụ Lý nói thong thả, mình là hậu sinh mà lại gẫm cái chuyện ông Bành Tổ(14), hử? Tôi thì tôi gẫm phép Độn Giáp thì có dạy đấy! Cứ lấy Tam kỳ, Lục Nghi mà tính... mà ra Trực trù, Trực sử lại lâm vào Bát môn, mà ra quẻ Bát Quái, rồi lấy phép Ngũ Hành mà tính thì mới rõ là “Sinh” hay là “Khắc”, “Thể” khắc “Dụng” hay là “Dụng” khắc “Thể”, hử? ấy nhưng tôi cũng chưa hiểu nổi!..Còn “cáo gào Hà vương” thì tôi dám chắc Sấm dạy cốt đem cái ý ẩn vào mấy chữ tượng hình mà mình biết cả đấy!.. Nhưng ai có “Nho học” mới hiểu được, mà vẫn phải tinh ý một tý là rõ cả thôi...
-Cụ dạy chúng tôi xem nào! ông Tịnh bảo, liệu có can hệ gì tới thời nay không ý?...
-Sao lại không? Sấm Trạng là để gẫm thời gẫm thế chứ đâu phải chuyện đùa... Thì đây, xem tôi vẽ ra đây... Trong chữ Nho ta học có nhiều chữ đa nghĩa, mặt chữ khác nhau mà đồng âm, ví như hai chữ hồ, ở đây nói ẩn con cáo cũng nên... đều đọc là hồ cả mà ý nghĩa thì khác nhau, một chữ là “hồ- 弧 - là chỉ cái cung” còn một chữ “hồ - 胡 - là chỉ kẻ lừa đảo, càn, bậy, mọi rợ, cũng là chỉ tên “dòng họ”, mà phép ngữ vựng thì đều là loại danh từ cả... Tôi cứ vẽ ra là các ông, các bà biết ngay thôi... Thế là cụ Lý lấy ngón tay trỏ chấm vào bát nước chè đang uống viết hai chữ lên cái quạt mo, cụ cứ phết đi phết lại cho thật đậm sũng cả nước... mọi người châu lại mà nhìn. Tôi cũng ngắm cái chữ viết như vẽ ấy, chỉ thấy ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo... bụng nghĩ đúng là chữ tượng hình...
-Hay nhỉ, thằng Cóc hích vào tôi, sao bây giờ chúng cháu không học chữ ấy ông nhỉ?
-Học làm gì! nhà nước đã liệt chữ Nho vào loại chữ nghĩa phong kiến, chẳng đã lệnh khắp nơi bắt phải đem nộp mà đốt đi ấy thôi? Nhìn này! trong chữ hồ là nghĩa cái cung thì có bộ “弓”- gọi là bộ cung, hử? còn chữ hồ nghĩa là kẻ càn bậy, mọi rợ lại có bộ “月”- gọi là bộ nguyệt, mà nguyệt là ông trăng... thấy chưa, chắp lại là thấy ngay? cho nên Sấm mới dạy là “cung trăng đã sẵn lời chương” thế là ẩn ý hết cả vào đấy rồi còn gì?.. là cái cơ trời sắp sẵn cả!... sẽ như thế chả thể tránh được... hử? Cho nên thời ta giờ mọi người cứ bảo không có số, không có mệnh hay vận, hạn gì là cứ nói lấy được thôi! tôi cho là phải gẫm... mới vỡ lẽ!... vận trời sinh ra mưa gió cả, thì cũng sinh ra loạn lạc, lành dữ, hử?...


-Cụ dạy thế cánh tôi mới mở mắt ra được chứ!.. Ông Nguyên đỡ lời Cụ Lý. Chà đúng lắm, Sấm Trạng rất nhiều chỗ lẫy tượng chữ! Tôi nho nhe thì bập bẹ, may có tý quốc ngữ... Các cụ thân sinh tôi gia cảnh cũng khá, cho tôi đi học, nhưng tôi rát đòn(15), cụ Đồ giắt cái roi mây to trên vách, tôi sợ... toàn bỏ trốn... Trước tôi có nghe cụ Đồ có đọc câu Sấm “hà thời biện lại vi vương, thử thời bắc tận nam trường xuất bôn- 何時 辯 吏 為 王,此 時 北 濜 南 長 出 奔... đầu cha lộn xuống chân con, mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” Cụ Đồ nói quan biện lại Nguyễn Nhạc thu thuế một vùng đem chơi cờ chơi bạc hết sạch, bị triều đình hạch tội mới phất cờ chống lại... ai dè lại thắng cả trong nam ngoài bắc, làm chúa Nguyễn mất nước, bôn ba tới 30 năm trời mới lấy lại được, thì rõ là “biện lại lên ngôi vua- vi vương!...” và thế sự cũng xảy ra đúng như vậy! cứ là tăm tắp?. Còn câu sau phép giải cũng là phép lẫy tượng chữ! thì ra là chữ quang “光” có bộ tiểu “小” trên đầu mới lộn xuống chân chữ cảnh “景”... ông Nguyên cũng chấm tay vào bát nước mà vạch ra đất... đúng chưa? mà rõ ra là Quang Trung “光 中” soán vua năm năm (1789-1793), còn Cảnh Thịnh “景盛” thì soán chín năm (1793-1802) cộng là mười bốn năm... Quả là “mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” đúng nhá? chà tài thật! Sấm Trạng cứ y như đặt... Sách quốc ngữ lâu nay tôi đã xem không sai... hỏi rằng Thánh nhân xưa có sách độn toán mà tiên tri được sao lại không khoa học cơ chứ?... Giờ gẫm ra thì mấy ngàn năm ông cha mình dạy có trời có đất có thần có thánh, có số mệnh vận hạn!... đến thời ta chỉ là một mẩu sáu bảy chục năm bác hết cả vận nhà trời, thì hẳn không phải rồi!.. có điều mình dốt mình phải chịu. Ông Nguyên cười ềnh ệch... Đúng thế không ạ? Sấm còn dạy “Tây sơn sừng sực kéo ra, nghiệm trong thế tục còn là hiệu chi...” thì là ý làm sao tôi cũng chưa biết? xin Cụ gỉải nghĩa xem nào?...
-Cái ý rõ mồn một ấy thôi!... là “sừng sực” thể hiện mạnh mà nóng như trưa nắng hè ấy... ngột ngạt... mà có thực không hẵng? Như tôi gẫm bảo là chỉ một trận hàng vạn quân Thanh thây chết chất lên nhau mà thành gò Đống Đa(16), thì tôi chưa thấy sử chép về cái sự hôi thối ngoài vạn dặm, hử? Nếu thế còn bệnh dịch nữa ấy chứ?... mà bao năm nay chà!... có khai quật gò Đống Đa thì thử tính được bao bộ hài cốt của giặc? Vậy cho nên Sấm dạy “còn là hiệu chi” là cái ý chỗ ấy, tức là hiệu chỉnh... hiệu chi lại... thắng thì thắng mà liệu có lộng ngôn không? Tôi gẫm là hậu sinh còn phải xem xét lại kia đấy? Thì là “hiệu chi” hay hiệu chỉnh cũng thế cả, cho đúng đắn lại, hử?... cho nên các chuyện lịch sử nhốn nháo sai lệch thì hậu sinh phải sáng suốt mà hiệu chỉnh lại hử? là cái ý Ngài dạy lịch sử phải chân thực mới có ích...
-Cụ nói chí phải! trước còn ma Cụ Đồ cũng chỉ bảo là phải hiểu lại cho rõ còn rõ thế nào thì chịu không thấy nói, hừ sao hay thế chứ... Cụ nói tiếp đi xem nào... còn mấy câu “ngọn cờ nhấp nhô đầu non, thạch thành mèo lại bon non chạy về, đầy đường lai láng máu dê...” là ra làm sao nữa, nghe mà chết khiếp đi được?... Mà cụ chưa hát hết bài Sấm ấy thì phải!?... Tôi nhớ mang máng còn một đoạn nữa cơ!...
-Phải rồi! Bài Sấm ấy lắm sự tích lạ, tôi nghe các cụ dặn sau này cứ thế mà gẫm để biết cơ trời... mà còn dặn kỹ phải truyền cho con cháu, tôi thuộc cứ như in!... Đến đấy thì cụ Lý hắng giọng vẫn theo “điệu trống quân”:



“Trời nam (mà...) trở lại (chứ...) đế(hứư).. vương


thân nhân(mà...) không phải(chứ...) là phường(mà...) thầy (hừư) tăng


đồng dao(mà...) đã có(chứ...) câu ư... rằng


non xanh mà(mà...) mọc(chứ...) trắng căng(chứ...) mới (ưhừ...) kỳ?


bấy giờ(mà...) quét sạch(chứ...) thú (ý) ly!...


ai i(mà...) nhớ lấy(chứ...) Sấm ghi (ư) kẻo (ưhừ...) lầm!


trong khi(mà...) Sấm chớp(chứ...) ầm (ưhừ...) ầm!


chẳng qua(mà...) có số(chứ...) để găm(ư) trị(ưhừ...) bình


thất phu(mà...) dám chống(chứ...) thư (hừ) sinh


sông Ô(mà...) chấp cả(chứ...) mấy anh(ưhư...) Thủy (yhì...) Hoàng...


nực cười(mà...) những kẻ(chứ...) bàng(ưhư) quang


cờ tàn lại tính(chứ...) toan đường(mà...) đấm(ứhư...) xe?


thôi thôi(mà...) mặc lũ(chứ..ư) thằng(ưhừ...) hề


gió mây(mà...) ta lại (chứ...) theo về(mà...) gió (hư..) mây!...”



Câu cuối cùng thì thằng Cóc và tôi được nghe cụ Lý hát nhiều lần nên đắc chí hát theo “thôi thôi mặc lũ thằng hề, gió mây ta lại theo về gió mây...” rồi mấy đứa nhìn nhau phá lên cười... Thằng Cóc nói:
-cứ như chúng mình cùng với ông mình bay theo mây mây gió gió ấy nhỉ...!.
-Gió mây ta lại theo về gió mây- nghĩa là chết đấy “ông” ạ, tôi bảo Cóc. -Thì chết sợ gì!... thằng Cóc càng khoái!... Tôi cứ thấy nôn nao, cũng hét lên với các cụ:
-Tiếc thế! giá chúng cháu được học chữ Nho như các Cụ nhỉ, cháu muốn đọc quyển sách mà Cụ cất trong cái tráp ấy?
-Thì rồi cũng cũng có lúc quay lại học chữ Nho, Sấm dạy “bao giờ bạc giấy ra tro, cua còng đổi gọng nhà Nho lại dùng” (17)... thì phải đợi... Cụ Lý nói riêng với tôi và thằng Cóc... Ui a!... tôi ớ cả người, sao lại phải đợi đến lúc đốt hết tiền bạc đi, lấy gì mà mua các thứ? Eo ôi ... lạ thế?.
-Yên mà nghe!... ông Nguyên hẩy bọn trẻ... Sao lại “trời nam trở lại đế vương?” Theo tôi gẫm ra... thì ở khổ Sấm này Ngài dạy nước ta sẽ chỉ luẩn quẩn đế đế vương vương mà thôi phải không ạ?... Chính người nhà mình làm khổ dân mình chứ chẳng phải “thầy tăng” hừ... nghĩa là chẳng phải thằng tây... tức là thằng Pháp thằng phiếc gì... phải không cụ Lý nhỉ? Lại còn “trắng căng mới kỳ”... tôi còn nghe là “trắng căng mấy kỳ” chứ chả phải là “mới kỳ” tức là cơ vận nước ta chẳng tới nơi tới chốn gì... ôi dào thì mấy kỳ hay mới kỳ cũng thế! buồn nẫu cả ruột!... Ông Nguyên nhanh nhẹn chất vấn...
-Hừm...! cái ý xem ra cũng là thế rồi... gẫm cho kỹ thì từ ngày có thằng Tây, thì dân mình “khôn” được ối ra ấy chứ!?... Từ cái đèn dầu lạc, đến cái đèn Hoa kỳ, đến cái bóng điện thì ai bảo là không phải vậy? rồi từ cái quạt mo, quạt nan... đến cái quạt điện, cái nhà lầu thành phố, cái cầu sắt Long Biên... Lại cái máy hát, cái ra-đi-ô, cái xe máy... lại cái “phép” làm sách báo Tân Văn xuất bản, chữ Quốc ngữ ấy... ôi chà! đến cả thằng Tàu... chả học thằng Tây thì học ở đâu? Trường Tây học cũng rèn cho ta ối người tài... ối “cụ lớn” sang tây học hiểu nhiều biết rộng, chẳng thua kém gì tây tàu... y phục bảnh choẹ lắm! dân ta khôn lên nhiều chứ!!... Sấm dạy “đoài phương phúc địa giáng linh, cửu trùng thụy ứng long thành ngũ vân” (18) là đấy chứ đâu xa!?... Đoài phương là phương Tây, là cái đất học, công nghiệp kỹ nghệ, cách vật phát triển, ấy là nơi “phúc địa”... mình học họ không hết ấy chứ? Mình bắt chước theo họ từ cách ăn mặc, đi đứng bắt tay giao tiếp... ấy là sự “giáng linh” đấy? đúng chưa? hừm... Có điều người mình cứ phải đi phu đi phen phục dịch bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc... mình thành nước thuộc địa, nghĩ cũng tức, nên chẳng nghĩ sâu nghĩ xa gì, hử? Bây giờ nhà nước ta đang nêu đánh đổ đế quốc phong kiến mà ở đây Sấm lại dạy “trở lại đế vương...” thì cũng lạ thật? hay là nói cái thói “quyền huynh thế phụ”, cứ hễ “vận động” lại thành “nghị quyết” mà ra trói nhau, hằm nhau, mà gằm ghè ghép vào tội này tội nọ... Cứ phải gẫm... chờ thời thế thay đổi xem sao... không thể đi trái cơ vận “dân sinh dân chủ dân quyền” được đâu!... Cụ Lý chỉ vào tôi và mấy đứa nói, mấy câu Sấm ấy phải đợi đến lũ trẻ này may ra mới vỡ nhẽ... tôi và các ông ra đống “Mả Nác(19)” là vừa, hử? “Đầy đường lai láng máu dê” hừm... thì nhân gian này hẳn chiến tranh còn dài lắm thôi... “cuộc chưa tàn” chưa thể biết hết. Bỗng cụ quay sang hỏi ông Tịnh:
-Thế thằng cháu Thịnh bao giờ lên đường nhập ngũ đấy! Bảo nó sang tôi ăn bữa cơm hẵng đi nhá!... kẻo nó đi ông cháu chẳng có được câu chuyện... cơm dưa mắm thôi...
Ông Tịnh mặt buồn rười rượi:
-Sóng to gió lớn chả biết đâu mà lần, nhưng nó chưa lấy vợ tôi chưa đồng ý để nó đi, tôi nói giữa cuộc họp rồi Cụ ạ!...
Đúng lúc ấy hồi trống HTX từ Miếu Làng Tư lại dóng dả vọng đến, các lão nông lại đứng dậy ra đồng...
Trời cứ nắng trang trang, đồng đất cuốc ải từ cánh Mẵn trước cửa xóm Bến xuống cây Cầu Đá làng Vũ Đại cứ trắng xóa đến nhức mắt...
*


Thập kỷ 70...
Tôi và Thằng Cóc tình cờ gặp nhau tại Thành phố Vinh. Đó là vào một buổi tối... cách nhà Máy Nước Vinh không xa... Trên đường về cơ quan, một anh bộ đội đi ngược chiều hỏi tôi đường đến cửa Nam... Bụi và cái nóng gió Lào, làm cát bay mù mịt lại gặp một đoàn xe tải đầy ắp đạn dược lao về phía Bến Thuỷ... Chúng tôi đứng lại tránh cái đoàn xe dài dằng dặc gầm gừ không dứt với những ánh đèn gầm(20)... và từng tốp bộ đội mang theo súng đạn, ba lô con cóc gập người nối đuôi nhau... ồn quá chẳng nghe được gì... đành nhìn nhau dưới ánh sáng lu lu mịt mịt... Không thể biết có biết bao sự tình cờ... Nghe giọng anh ta nói tôi đã ngợ... “Có phải Cóc đấy không?” Cu cậu giật mình “ừ! Cậu là...” “Là Tía đây!”. Hai năm rõ mười... khoảnh khắc nhận ra... chúng tôi ôm chầm lấy nhau... -Cậu đi đâu thế này? Tôi hỏi.
-Nghỉ phép xong bây giờ đi vào, đang hỏi thăm theo đường Bò Lăn(21)... lẽ ra cùng đi với mấy tay nữa nhưng tao bị lạc, một thằng ở Hà Bắc cùng đi, bị sốt rét ác tính, tịch ở đoạn Nga Sơn, trên đường đi, giờ tao đành cứ đi bừa... hành quân một mình cũng quen cả rồi!.. Còn cậu, sao lớ ngớ mà gặp nhau ở đây...
-Tao gần đây thôi, cơ quan ở toà nhà bị sập dở dang kia kìa... Tao vừa công tác ở Đô Lương về... Vào tao nghỉ mai hẵng đi...
Thế là chúng tôi hai thằng trẻ ranh thuở nào bây giờ đã là những chàng trai vạm vỡ quân phục từ đầu tới chân... lại được xưng mày tao chi tớ như hồi ở nhà, ngay nơi tiền tuyến bom rơi đạn nổ... Ngày chúng tôi xa nhau đến thời điểm ấy đã có gần chục năm... Chúng tôi có nhiều chuyện kể cho nhau nghe... cuối cùng chúng tôi nhớ về Cụ Lý và những lời Sấm chưa có sự tri nghiệm... Thằng Cóc nói ông nó đi xa như cái đèn cạn dầu... chỉ buổi tối tắm rửa xong đi nằm, Cụ nói với cụ bà và mẹ con thằng Cóc là cụ sẽ đi... và sáng ra cụ đi thật. Đám ma Cụ được tổ chức bình dị như bao đám khác. Cuối năm ấy Cóc nhập ngũ... Tôi nhắc lại chuyện có lần Cóc đem một nắm lông gà lông vịt quăng xuống ao, rồi lại nhặt những hòn đá lần lượt ném... mong có sự ngược đời xảy ra để có thể gặp bố mình... Trẻ con thật ngốc nghếch... chúng tôi cười ra nước mắt... Tôi kể cho Cóc nghe đã có lần tôi đi ngang Bara Nam Đàn có tạt vào Rú Đụn tức Núi Đụn để thăm khe Bò Đái(22), bởi có câu Sấm truyền “bao giờ bò đái thất thanh, ấy điềm sinh thành rành mạch chẳng nghi...”; Theo Hán Nôm thì là “Đụn sơn phân dải, bò đái thất thanh, thủy đáo lam thành, Nam đàn sinh thánh,庉 山 分 獬, 爬 戴 匹 聲, 水 到 嵐 成, 南 檀 生 聖” lại cũng có câu "bao giờ Bò Đái thất thanh, hòn Đụn nứt ót thì thành đế vương" vậy kỳ hạn sinh vương là Bò Đái phải mất tiếng... Có người nói khe ấy ở Bắc Giang, nhưng ở Nam Đàn cũng có... thì ai mà biết được..! Rú Đụn thuộc xã Nam Lĩnh cũng có cái khe, cũng tên là Bò Đái... Tôi kể cho Cóc nghe tôi đã gặp cụ Quế người Nam Lĩnh, bấy giờ ngoài 70, (chính xác năm ấy1968- tuổi cụ là 77) sống ở quê từ tấm bé... Cụ cho biết trước kia khe Bò Đái chỉ là cái khe nhỏ, có tiếng nước chảy sè! sè!.. đi ngoài đường 15 có thể nghe được... còn giờ thì rộng toác! mà nước thì không thấy? Tôi đã gập người, ba lô trên lưng, leo vòng sau "ót" núi Đụn, cái khe quả là rộng và khô khốc, về nhà tôi hỏi cụ Quế, Cụ nói Cụ chẳng để ý chuyện “thất thanh“ tức là “mất tiếng” lúc nào... Tôi và Cóc nhắc lại câu Sấm “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh” mà Cụ Lý đã gỉảng... thì rõ là chính thời chúng tôi đang sống- “điền vô nhân canh” tức ruộng không người làm, là vi ở nhà chỉ còn các cụ già và một số nữ dân quân, lao động nam giới “lực điền” ra chiến trường hầu như tất tật...? còn “lộ vô nhân hành” thì đương nhiên thập niên 70 dọc đường quốc lộ 1A chỉ có lính hành quân, hừ? mà chúng tôi cùng tham gia và chứng kiến... người dân có đi đâu xa, toàn tìm lối đi tắt nẻo, ít khi theo ra những con đường cái lớn vốn hay bị bắn phá, vài đoạn bom nổ chậm nằm chềnh ềnh chặn lối...?... “thị vô nhân chí”- là chợ không người đến? thì rõ: chợ thì làm gì có để mà có người đến, cấm chợ! cấm tiểu thương tiểu chủ, cấm buôn bán tất tật ấy thôi? cửa hàng mậu dịch phân phối tiêu chuẩn lương thực thực phẩm, mua một lần hết luôn, hử? Công nhân nông dân đều có súng khoác vai, đều là quân dự bị? Rõ là “thiên hạ cộng vi binh” tất cả còn gì? (23), Thằng Cóc xuýt xoa... Tuyệt thật! Sấm Ngài... Còn câu “Thập niên dư chiến, thiên hạ cửu bình, 十 年 餘 戰, 天 下 九 平.” gẫm ra... như cuộc kháng chiến của ta gọi là 9 năm chống Pháp nhưng sự bắt nguồn từ những năm 1944- 1945 đến ngày 15-3-1955 tên lính Pháp cuối cùng rời Bến Nghiêng, Đồ sơn- Hải phòng... thì theo thời gian là hơn 10 năm binh lửa, chả phải “thập niên dư chiến” là gì? còn thời gian hòa bình thì lúc ngưng chiến tới mốc quy ước hiệp thương giữa năm 1956 đến ngày 5-8-1964 xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, bắt đầu nổ ra chiến sự... tính là 9 năm thì rõ là “thiên hạ cửu bình” đúng tắp lự nhé, hừm?
-Đúng thật đấy! tao đồng ý với mày! tuyệt.. Thằng Cóc huých mạnh vào tôi, thì các cụ vẫn bảo Sấm Trạng chỉ có đúng mà lỵ!.. chẳng dè chúng mình là những can dự... mà “cuộc đã tàn” chưa ấy nhỉ? mong sao chiến tranh kết thúc, chúng mình về quê, mà gẫm, mà bàn chuyện Sấm Trạng như các cụ đã từng bàn...
Đêm ấy chúng tôi nằm cạnh nhau, thật khó ngủ, câu chuyện vài lần bị gián đoạn bởi pháo sáng và máy bay Mỹ gầm rú... Có tiếng gà gáy. Cóc huých vào tôi “Vẫn thức đấy chứ?... ừ hừ!...
-Mày có nhớ 4 câu Sấm “Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh, can qua xứ xứ khổ đao binh, mã đề dương cước anh hùng tận, thân dậu niên lai kiến thái bình-龍 尾 蛇 頭 起 戰 爭, 干 戈 處 處 苦 刀兵, 馬 蹄 羊 腳 英 雄 盡, 申 酉 年 來 見 太 平” không? Nó hỏi.
-Đó là ứng vào Đại Chiến Thê Giới II, Cụ Lý đã giải thích... thật chính xác đấy... tôi trả lời...
-Mày không thấy ngờ ngợ sao?... Và thế là Cóc nói rằng nó cũng cứ gẫm mãi về mấy câu Sấm ấy... liệu lịch sử có thể lập lại một điều gì đó không? Nó giải thích rằng Ngày 5-8-64 sự kiện Việt Nam bắn chìm một tàu khu trục Mỹ, rồi Mỹ cho ném bom miền Bắc... và từ 1965 cuộc chiến chống Mỹ cứu nước... mỗi ngày một mở rộng... chả phải ấy là từ Giáp Thìn sang Ât Tỵ, cũng là “long vĩ xà đầu khởi chiến tranh...”đấy chứ? Ngoài chiến trường trận Âp Bắc, trận Bình Giã, Núi Thành, chiến dịch Khe Xanh Đường 9 Nam Lào, cả Đông Dương như bốc lửa... chả phải “can qua xứ xứ khổ đao binh...” là gì? Cuối năm 1967- Đinh Mùi(24), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tử trận, phía Mỹ và bọn đánh thuê Pắc Chung Hy, bị bổ chửng phải tính đến kế hoạch “Việt nam hóa” (25)... Tao ngờ ngợ cũng là “mã đề dương cước... móng ngựa chân dê... anh hùng tận...” ấy nhé!... Chúng tao nghe đồn sắp có bài chúc tết Mậu Thân-1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đại loại “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to, vì độc lập vì tự do, đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào, tiến lên chiến sỹ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!” hoặc là “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp nước nhà, Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, tiến lên toàn thắng ắt về ta”... thế là cái gì? Thì tao nghĩ “Thân dậu niên lai kiến thái bình...” cũng có vẻ như là cầm chắc?. Bây giờ thì đến lượt tôi huých vào người nó và hét lên:
-Eo ơi! chú mày suy gẫm ghớm thế! Là mày mong chiến tranh sớm kết thúc, hay là diễn biến cái lý của thiên cơ có vẻ như mày muốn vãng lai một sự trùng lặp...(?) Nên phải hiểu “thiên cơ xuất kỳ bất ý...” chứ?. Thực ra tao nghĩ khổ Sấm ấy các cụ trải nghiệm về Thế Chiến II là chính xác rồi, vì chữ “xứ xứ khổ đao binh!” là ý rằng chỗ này chỗ khác... còn “ta” chỉ tóm lại là một “xứ An Nam” hay gọi chung là “xứ Đông Dương” thôi.! lấy đâu ra “xứ xứ”...? Cụ Lý đã có lần gỉai thích ấy thôi?.
-Hừm!... Tao chịu mày! lẽ ra có thêm xứ Tàu xứ Tây... gì gì nữa nhỉ... cứ cho là như thế, là tao cũng gẫm liên chi hồ điệp đấy! đợi “cuộc tàn” xem sao. Và cả hai chúng tôi ôm nhau cười. Ừ..! “hãy cứ gẫm liên chi hồ điệp(26)!...” tôi nhắc lại...
*


Thập kỷ 80...
Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kết thúc vào 30-4-1975, theo các nhà nghiên cứu có vẻ thật sự bất ngờ... nhưng khi trải nghiệm Sấm Trạng... thì nhịp bước của thiên cơ không thể không bảo là không định sẵn!.. Thú vị của suy gẫm chính là như thế! và Sấm Trạng là đề tài lôi cuốn tôi và “ông” Cóc từ thuở ấu thơ, vốn được các lão làng truyền khẩu... Bấy giờ tôi đã chuyển công tác về Hải phòng và đang học một khóa nâng cao tay nghề, tôi tranh thủ tạt vê quê. Cũng đã gần chục năm, tôi lại có dịp được đi bộ trên đồng đất cũ, cánh đồng lúa xanh đang trổ đòng, mùi lúa thơm lan nhè nhẹ. Những cánh ruộng trũng xưa nay đã thay đổi, có thể trồng màu. Cánh Mẵn, chân ruộng cao trước kia nay đã trồng được hai vụ ngô, khoai... Con mương chìm sâu thẳm, dạo nào tôi từng ra đánh dậm bắt cua, nay chuyển thành mương nổi... Được biết người nông dân quê tôi thời nay không thiết tha với đồng áng cho lắm, vào thời vụ này họ hay kéo nhau đi làm gạch tận Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình... để kiếm thêm đồng tiền bát gạo...
Bạn bè trang lứa với tôi ở quê, đều có gia đình, một hai con cả rồi, có người đã có cháu, nếp nhà phần nhiều do các cụ để lại, vài nóc nhà lấn ra chân dược mạ. Ông Cóc biết tôi về đã bỏ cuộc họp ở xã chờ... vừa về tới ngõ Ông Cóc đã ra đón. Thấy đầu tôi đã hoa râm Cóc xuýt xoa “Chà Bác Tía, vất vả lắm hay sao mà đầu trắng phếch cả thế! chết thật...” Tôi ôm lấy Cóc, ngắm thằng Cóc năm nào.
-Thật khó truyện trò xưng hô mày tao nữa rồi! Lên ông lên bà thôi! Chúng ta đầu đều bạc cả... trên dưới ngũ tuần rồi còn gì? nhanh quá! Qua thời binh lửa, sống sót được thế này là may lắm hừm? Sau cái ngày gặp nhau tình cờ ấy, ông Cóc tìm được đơn vị rồi tham gia cuộc tổng tấn công vào Quảng Trị- Đông Hà, bảo rằng bị vùi dưới đất, hai ba ngày, chuẩn bị rút lui... đồng đội đi rà soát, tình cờ phát hiện Cóc còn thở thoi thóp, đem cấp cứu kịp về tuyến sau, chỉ phải cưa mất bàn tay...
-Âu là cái số tôi thế! Cóc nói đầu gật gật...
Những người xung quanh kéo đến hỏi thăm uống nước... các Cụ xưa đều đã đi xa... Tầm tôi và ông Cóc đã là bậc vai vế trong thôn rồi... Cũng như ngày xưa lũ trẻ vây lấy người lớn mà hóng chuyện. Câu chuyện xoay quanh những khó khăn, năng suất nông nghiệp thấp, nạn đói... Sau ngày thống nhất kinh tế cứ tụt dần... những chuyện phiếm như “mỗi người làm việc bằng hai... bằng ba, để cho lãnh đạo xây nhà xây sân... mua đài mua xe... hoặc: bầm ơi có rét không bầm? von ga con dận gà hầm con xơi...” đem ra làm trò cười mà sảng khoái!... Rồi chuyện cấm chợ ngăn sông, cấm tiểu thương buôn bán... Ông Cóc nói:
-Tôi cứ cho là con người có số mệnh, đất nước có vận trời cả, Bác Tía nghĩ sao? các cụ dạy Sấm Trạng cứ nghiệm dần dần, cuộc tàn mới rõ! như cánh mình đã nghe, đã biết đều là đúng... Cụ tôi trước có chấm cho tôi lá số, bảo tôi phải có lúc chết hụt, mà còn phải mang tật suốt đời, thì sự thật hiển nhiên chưa? ... Vậy giải thích đi... Tôi còn nhớ trước khi Cụ tôi đi xa bảo tôi chép mấy câu để mà gẫm, ấy là “Phá điền than đến đàn dê, hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng, dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì...”. Bác có khi cũng biết mấy câu ấy... liệu có gẫm ra không hử?...
-Sao lại không... giờ thì Tôi và Ông lại giống các cụ xưa, tôi nói với ông Cóc, tôi vẫn nhớ những câu Sấm Trạng... có thể người đời chả mấy để ý đến... nhưng tôi lúc nào cũng gẫm... như trước kia ông từng bảo “cứ gẫm liên chi hồ điệp...” hử? Thì mấy câu Sấm ấy “phá điền than đến đàn dê...” hừ? Muốn hiểu ta phải xác định “dê là ai?” mà “phá điền” mới “than đến”... Trước kia các cụ nhầm ở chỗ không xác định đưc “dê là ai?” cứ suy diễn “dê là dương” là người Tây dương!... Nhớ rằng hai câu sau mới rõ nghĩa “dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì!” vốn khẳng định cái tính chất quần sinh dân tộc... dân tộc nào cũng cứ “phù trì” cho dân tộc ấy! chữ “tuồn luồn” là chỉ cái tính cố hữu khó thay đổi của bất kỳ tộc người nào... ấy cho nên đàn dê cứ theo con đầu đàn, cũng giống như bên Tây người ta gọi lê dân, con chiên ngoan đạo là “bầy cừu của chúa” bầy cừu cũng như bầy dê vậy... Chính là ám chỉ những người dân lành... cứ “phù trì” cho quốc gia dân tộc mình một cách cố hữu... Thì đấy kẻ cầm đầu đàn dê “hô” đi xâm lược... là “đàn dê” cũng đi, ra “lệnh” tấn công là “đàn dê” cứ xông lên! Than ôi tính chất “một muôn phù trì của đàn dê”... phi lý tính, vô thiện cảm thật đáng thương!.. Lịch sử thế giới từ cổ chí kim, ít nhất là đến thời nay ta từng chứng kiến “kẻ cầm đầu- con đầu dàn” dẫn đàn, xua đàn dê này lấn át, xâm lược đàn dê khác mà cái sự “tuồn luồn... một muôn phù trì” vẫn diễn ra hết chỗ nọ, đến chỗ kia thật cứ nhỡn tiền!... Thì đấy! Chữ “điền- 田” bỏ ô vuông tức “phá điền” chỉ còn chữ thập “十” là “tung và hoành- là chữ thâp-十” ám thị rằng thời loạn, can qua chỉ khổ cho đàn dê... tức cho dân mà thôi!? tiếp đến câu “hễ mà chuột rúc” tức như ta nôm na là “chuột thổi còi!”... Sao lại bảo thổi còi? Thì ta biết ngày 26-01-1973 Hiệp nghị Paris được ký kết, nhưng Âm lịch đó là ngày 23 tháng Chạp Nhâm Tí, vẫn thuộc về năm con chuột, và con “chuột rúc” là “đàn dê về chuồng” tức là theo Hiệp nghị, phía Mỹ phải rút hết quân ở Việt Nam về nước trước ngày 29-03-1973. Quả đúng, theo lệnh người cầm đầu- con đầu đàn, quân Mỹ rút hết!.. ấy "...thì dê về chuồng” hử?... dù bảo không phải là khoa học thì sự chính xác lịch pháp không ai có thể bác điều đó được! ông Cóc thấy chưa!
-Bác giải thích em nghe thật thủng? Có thế chứ! ông Cụ tôi vẫn bảo chỉ thằng Tía là suy đoán khá hơn, sau này hỏi nó!... Thế bác còn nhớ bài Sấm dài Cụ tôi đọc anh em mình đã nghe... “hoành sơn là lối ra vào...” chứ?
-Có nhưng sau hẵng luận về mấy câu ấy!... Bây giờ “dê về chuồng...” thì cơ trời thế nào? Nhớ rằng có mấy câu Sấm “kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc, ngưu xuất lam điền nhật chính đông, nhược đãi ưng lai “sư tử” thượng, bốn phưng thiên hạ thái bình phong, 雞 盟 玉 受 天 傾 北, 牛 出 嵐 田 日 正 東, 弱 殆 應 來 溮 死 尚, 四 方 天 下 太 平 風”... Vậy là rõ “ngọc thụ” tức là ấn quốc bảo nghiêng về phương Bắc... là cái Cơ Trời nó thế, "quyền nhiếp chính" nghiêng về chính quyền phương Bắc... mới dạy rằng “thiên khuynh Bắc”... Còn “ngưu xuất lam điền” là gì? thì là năm 1973- Quý Sửu, Con Trâu xuất hiện, nhưng sao lại bảo là lam điền? Muốn hiểu thì phải biết Quý Sửu là năm- theo gốc địa chi... Thìn Tuất Sửu Mùi, vốn thuộc Thổ là con của Hoàng Đế, nhưng phép Ngũ Hành năm Nhâm Tý và năm Quý Sửu đều thuộc Tang Đồ Mộc tức gỗ cây dâu, ta bắt gặp mấy câu của Đoàn Thi Điểm “...càng trông lại, lại càng chẳng thấy, thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu... ngàn dâu xanh ngắt một màu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Đó là nỗi buồn của người chinh phụ... hoặc theo cách nhìn nhân thế “cuộc đời bể dâu” Ta hình dung năm Quý Sửu là cánh đồng đất bát ngát, tang đồ mộc, ngàn dâu biêng biếc... và “ngưu xuất lam điền” tức năm trâu 1973 làm nên một ngữ cảnh... ngữ cảnh ấy sẽ mở ra... Tiếp theo “nhật chính đông”. Sao lại bảo là nhật chính đông? Chỗ này trước hết phải hiểu thường nhật- thường ngày thì “nhật là ngày!” thế là: ngày chính đông!.. Vậy chính đông là gì? xin thưa ai đã quen dùng địa chi ở phép tính độn Thái Ât, hay phép Tử Vi, Hà Lạc thì hay dùng “Tí- Ngọ- Mão- Dậu”- để chỉ “Bắc- Nam- Đông- Tây”- các phương vị Bát Quái, ấy thì “nhật chính đông” tức là “ngày chính Mão”. Đến đây tức khắc cần phải nhớ và cần phải biết “một ngày của Trời là một năm của đât!”... Vậy là “nhật chính đông” là ngày Mão, tất cũng là chính Thái ất.. ? hiểu ra: chính là Năm Ất Mão mà năm Mão có điểm xuất phát là “ngưu xuất lam điền”... Tóm lại ngộ ra- Đó là năm 1975- Ât Mão xuất phát từ “...lam điền” năm 1973- Quý Sửu, sau khi Chuột rúc “...dê về chuồng” vào năm 1972- Nhâm Tí (23 tháng chạp)... Đúng là một ngữ cảnh mở ra cái cơ trời trước mắt... “ngàn dâu xanh ngắt một màu!” biêng biếc mênh mang...
-Eo ơi sao ông giải thích kéo cái nọ sang cái kia lê thê lề thề như gỡ bối chỉ ấy? Chúng cháu chả hiểu được... Mấy đứa bé tròn xoe mắt, thằng cháu đích của cụ Lý kêu lên! Ông Tía vội hét:
-Để Bác nói cho mà nghe!.. các con muốn hiểu phải bảy bồ cám tám bồ bèo, hừm... mà phải nghe cái đã! hử?... Chà! Bác “lý” ra cái cơ vận... tuyệt thật! rõ là Sấm Ngài cứ tăm tắp ấy nhỉ... Không đọc sách làm sao mà biết... Bác giải tiếp đi...
-Thì tôi cứ bắt chước các Cụ, cứ gẫm liên chi hồ điệp mà lại... Thế rồi “Nhược đãi ưng lai sư tử thượng” (27) có vẻ khó hử? ấy nhưng câu này ta đọc lên phải lấy “sư tử” làm chủ ngữ, thì “sư tử thượng” là gì? nôm na là con sư tử nhảy thượng lên một cái, nhưng cái trạng thái bùng lên, thượng lên ấy ngầm hiểu là trạng thái khiếp nhược đã bày sẵn, đã “đến lúc” trong bộ máy chóp bu... hao tổn nhuệ khí... mới dạy là “nhược đãi ưng lai” như thể... tự nguyện!, như thể... bằng lòng!... như thôi kệ!... muốn ra sao thì ra, hử?.. Đây là nói về cái cơ vận diễn biến mặc lòng... cho nên mới tiếp “bốn phương thiên hạ thái bình phong” ấy là vào năm “1975- Ât Mão”, thời điểm Chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị nguy ngập đến thế, Bắc Việt tấn công từ mọi phía ào ạt đến thế, thế giới bấy giờ gần như bằng an... như “bất động”, như phó mặc ông trời..! kể cả Mỹ cũng chẳng dòm ngó gì nữa, cũng thây kệ! Chà...chà! “Thiên hạ, đứng chào cờ im ắng, nào ai động đậy cứu vớt, quả đúng “bốn phương...thái bình phong” tức bốn phương đứng im mà nhìn, hử?... Thế là rõ cả chưa nào?
-Đúng thế! Mỹ là nước trong cuộc cũng cứ tháo thân, mặc cho Việt Nam Cộng Hòa ra sao thì ra, chán lặc rồi hử? chính chúng ta cũng thấy lạ... hử? Sấm Trạng thực như mực hệt cả về sự mô tả ý nghĩa trạng thái, vận khí... ngữ cảnh! Ôi ai bảo là không có thiên cơ?...
-Rồi sao nữa... Ông Cóc hỏi.
-Thì đấy! Rồi ta biết cuộc tổng tấn công mùa xuân vào chính đông- tức 1975- Ât Mão, sau hồi “chuột rúc, ngưu xuất lam điền” ngữ cảnh diễn ra là “ngọn cờ nhấp nhô đầu non...” ấy là “Quân Bắc Việt cs” từ trên thẳm rừng ngàn sâu đổ xuống như thác lũ, triều dâng... thần tốc, táo bạo... (theo Anmanach những nền Văn minh Thế Gíơi- NXB VH TT)... Bắt đầu chiến dịch Quảng Đà (29-03-1975), tiếp chiến dịch Tây Nguyên (từ 04-03 tới 03-04-1975) và đến chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26-04 tới 30-04-1975)... Số liệu theo đó gồm 15 sư đoàn + 4 trung, lữ đoàn tăng thiết giáp + 6 trung đoàn đặc công + kỹ thuật + hỏa lực... Tổng cộng 280.000 quân, 400 tăng thiết giáp, 420 pháo... Các mũi tiến công từ Xuân Lộc, từ Buôn Mê Thuột, từ Tây Ninh An Giang... hành tiến nhằm thẳng hướng Sài Gòn, ấy là “Thạch thành mèo lại bon bon chạy về”... Đến đây thì... cần biết thế nào là “thạch thành?” xin thưa: Ai từng học về Kiến trúc, Xây dựng chắc không thể không biết rằng nước ta có một cái thành cổ: Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc Thanh Hóa, thành này được xây bằng đá, cổng thành cao rộng tới 8 mét, với những tảng đá nặng từ 2 tới 8 tấn chồng lên! được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XV (khoảng 1404-1405), là di tích đã được xếp hạng, xưa các cụ ta cũng quen gọi là Thạch Thành, trước kia địa phương ấy tên hành chính cũng gọi là huyện Thạch Thành. Và ta thấy hiện ra trước mắt: chiến dịch Hồ Chí Minh, đúng vào năm ất Mão, năm con mèo!.. một sự trùng hợp kỳ lạ- nhà Hồ? ấy là “...mèo lại bon bon chạy về!”... Câu tiếp theo “đầy đường lai láng máu dê!” thì... sự đương nhiên, không khó hiểu lắm! máu dê hay máu dân? ấy là biết bao dân lành, chiến sĩ anh hùng đã hy sinh cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này để giành sự toàn thắng? quân lệnh phát ra: giờ phút quyết định, tiến! Và điều làm ta càng ngạc nhiên không thể tưởng tượng là câu tiếp “con quay ngả trắng ba que cuộc tàn!”... Một lời than, hay một sự kết cục của thiên cơ... Chẳng phải thế cờ đã kết thúc đấy ư? Sự thật đến lạnh lùng, thì đấy “con quay ngã trắng!” -trắng phớ giữa thanh thiên bạch nhật! Và kia lá cờ “vàng ba sọc đỏ” lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, biểu tượng của quẻ Càn, máu đỏ da vàng, với khí dương cương kiện, một thời kiêu hùng tung bay dưới trời Đông Nam Á, vốn luôn bị các lực lượng đối lập mỉa mai là “lá cờ ba que”... xót xa thay... thực sự hết vận! Quả đúng như lời Sấm năm trăm năm trước “ba que cuộc tàn”... và “trời nam trở lại đế vương!...” (28), thì tôi và ông đã được nghe Cụ Lý cùng các cụ ta suy gẫm “lắc đầu” cả rồi, sao lại thế nhỉ, lạ quá?... đúng chưa nào?
-Đúng! Thật đúng đến cuộc tàn mới biết! Ông Cóc nói, chính chúng ta chứng kiến... Ai bảo là thêm thêm bớt bớt gì đâu? Sấm Trạng không thể sai được, toàn những câu Bác và tôi đều đã nghe từ tấm bé, từ lúc còn điếu đóm... suy gẫm thế thì em chịu Bác rồi!... Tôi nhớ là các cụ còn nhiều chỗ chưa giải thích được, như “tên treo ba mũi phục thù, khen thay khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? sao lại “sông ô chấp cả mấy anh thủy hoàng”...
-Câu Sấm ấy tôi vẫn nhớ như in... Các cụ ta vốn nhầm ở chỗ cứ vận vào phép Bói Dịch, Độn Giáp... cho nên gẫm mãi không ra “khắc dụng” là thế nào, cứ luận hết thể- dụng lại sinh- khắc rồi hào trên hào dưới... Không ngờ Sấm Trạng đã mượn một câu chuyện có thật trong Lịch sử.... Đó là câu chuyện về một nhân vật cụ thể với cái tên cụ thể là Lý Khắc Dụng(29) thời Đường bên Tàu...
Xin ngược dòng lịch sử nước Tàu, khoảng năm 874- 884 sau CN, nhà Đường đại loạn, có cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, Vua Đường sai Lý Khắc Dụng, Tiết độ sứ Hà Đông và Chu Ôn, tiết độ sứ Tuyên Vũ đi đánh dẹp. Không ngờ Hoàng Sào đánh bại Chu Ôn và vây hãm trị sở Tuyên Vũ của Chu Ôn khiến Ôn phải cầu Lý Khắc Dụng đến giải cứu... Lý Khắc Dụng đã đánh bại Hoàng Sào, cứu được Chu Ôn... đến khi vào thành, Chu Ôn nảy ra mưu độc vờ bày tiệc đãi ân nhân, rồi chuốc rượu cho Lý say sỉn định giết đi. Lý Khắc Dụng nhờ đám tuỳ tướng tả xung hữu đột mà chạy thoát... Từ đó Lý vô cùng căm ghét Chu... Bấy giờ Quân Chu Ôn ngày càng lớn mạnh, Lý Khắc Dụng muốn cùng với Lưu Nhân Cung, vốn trước là một nha tướng của Lý, nhờ Lý tiến cử, nay cũng trở thành Tiết độ sứ Ung Châu, để đánh Chu Ôn, không dè Nhân Cung lại theo đuôi Chu Ôn mà chống lại Lý... Lý Khắc Dụng vô cùng bực tức bèn sang gặp Vua Kim kết nghĩa uống máu ăn thề tiêu diệt Ôn... khi Lý về bản doanh Vua Kim là Da Luật A Báo lại nuốt ngay lời hứa, thấy thanh thế quân Chu Ôn quá mạnh, quay sang liên kết cùng Chu tiêu diệt Lý... Tất cả những sự việc tráo trở ấy quả thật đã làm Lý Khắc Dụng phải điên đầu. Khắc Dụng phải lượng sức phòng thủ chống lại Chu Ôn, rồi bực tức mà sinh bệnh... nảy ra một cái nhọt lớn trên người. Biết không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, trước khi chết, Lý Khắc Dụng gọi con là Lý Tồn Húc, đang làm bộ tướng, giao lại ấn tín và dặn dò: “Chu Ôn là kẻ bất nhân, cuồng bạo Cha cứu hắn, hắn lại lấy oán trả ân; Lưu Nhân Cung là kẻ bất nghĩa, ăn lộc chủ mà theo giặc làm phản, Da Luật A Báo là kẻ bội tín, đã cắt máu ăn thề, nay lại nuốt lời theo giặc chống lại cha, con gắng luyện tập quân mã, tích trữ lương thảo trả thù cho cha, tiêu diệt bằng được chúng, ba mối thù ấy không trả được thì dưới hoàng tuyền cha không thể nào nhắm mắt!...” Nói đoạn sai người lấy 3 mũi tên giao cho Lý Tồn Húc “ba mũi tên này con phải tiêu diệt ba tên giặc ấy và thế lực của chúng!”... Sau đó Lý Khắc Dụng ho dốc... thổ ra huyết rồi chết.
Lý Tồn Húc lo tang Cha chu đáo, đem ba mũi tên cho vào một túi gấm đẹp đặt lên bàn thờ nguyện thực hiện y lời! Khi đi đánh trận mang theo ba mũi tên bên mình, khi về lại đặt lên bàn thờ mà cầu nguyện... Sau 10 năm Lý Tồn Húc đã rửa hận cho cha, tiêu diệt cả ba thế lực kể trên, thu hồi toàn bộ đất đai của Chu Ôn, Lưu Nhân Cung, cả một phần đất do A Báo chiếm... Năm 923 Lý Tồn Húc lên ngôi Hoàng đế lập ra nhà Hậu Đường chính là Đường Trang Tông...
Vậy là câu chuyện có thật trong sử sách của bên Tàu, mà cái tên riêng rất dễ lẫn lộn vào hình thái của phép bói dịch, được Đức Trạng Trình lấy làm dẫn đề cho một khổ Sấm... thì ra những ai ít hiểu biết về thông sử làm sao có thể hiểu nổi?... ngay lịch sử nước nhà các bậc túc nho xưa cũng còn chưa hiểu hết nữa là? Ông Cóc bàn thêm với tôi... Nhưng bác có thấy lạ là Đức Trạng nêu lên như một sự so sánh của cái cách trả thù và xem ấy chỉ là “bày trò chó con!..” theo tôi chắc có uẩn khúc gì đây? Còn như ta hiểu đến tận cùng thì ấy là mạch lý của thiên cơ, thiên vận vậy! Bời thế Sấm có nhắc “thần cơ quy nỗ ở trời, làm thành thần khí thửa nơi trị trường!” phải vậy chăng? thì ở đây Ngài cũng dạy “...bấy giờ quét sạch thú ly, ai ơi nhớ lấy sấm ghi kẻo lầm, trong khi sấm chớp ầm ầm, chẳng qua có số để găm trị bình!” Ây là điều chúng ta cần chiêm nghiệm? Mấy câu sau nữa thì bác gẫm ra sao?
-Nói đúng lắm!... bởi thế mà Sấm Trạng còn có câu “xem ra cũng bởi số trời, suy thông mới thấy sự đời nhường bao!” tức là hiểu ra, sự đời chỉ nhường ấy! Mấy câu sau thì như một điều răn vậy.. Sông Ô xưa cũng như bao dòng sông khác, chuyên chở nước nguồn để nuôi dưỡng trăm họ chứ đâu để nhấn chìm Hạng Vũ, một người vốn có sức mạnh phi thường nhấc được cái Vạc lớn ngàn cân chạy ba vòng... không biết mệt! ấy vậy mà hết số thì cũng tự mình đến với cái chết! Huống chi Tần Thủy Hoàng, bạo chúa dẫu lúc nào cũng lấy sự giết làm lẽ sống, kiêm tính thiên hạ! lại sợ chết, sai người đi tìm thuốc trường sinh tận chân trời góc biển? Mà nào có thoát. Cho nên mới bảo “thất phu dám chống thư sinh, Sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng, nực cười những kẻ bàng quang, cờ tàn lại tính toan đường đấm xe?” (30). Cái xe cái pháo đắc lực một thời, với con người thì nghĩa cử làm trọng, có đâu khi tàn cuộc lại bắt chước cách chơi cờ mà dùng mẹo đấm thí..! là tâm địa xằng bậy ma quỷ bá vương mà gây ra... ấy là cái ẩn ý trong lời Sấm vậy! cho nên Ngài mới nói như buông thõng:
“thôi thôi mặc lũ thằng hề,
gió mây ta lại theo về gió mây!”
-Cho đến nay tôi và Bác vẫn gẫm mà chưa thể hết! Sấm Trạng thực tài... Chả trách Cụ tôi xưa suốt ngày trăn trở ngâm vịnh... Quyển Sấm lúc nào cũng gối ở đầu giường...
*



---------------------------------------------------------------------------------(PVH)


Ghi chú: (1)- cái đóm- mồi lửa châm bằng nan tre dung để hút thuốc lào; (2)- “trống quân” là điệu hát dân gian, xưa kia người ăn xin hát gọi là hát xẩm, nhạc cụ kèm theo đơn giản là cái trống cơm; cái mõ và cái nhị, cảm xúc hiệu quả, rất ấn tượng; (3)-Lời Sấm ý nói nhà Lê còn thì nhà Trịnh còn, nhà Lê mất thì nhà Trịnh cũng sẽ mất; (4)- Ba anh em Nguyên Nhạc- Nguyễn Huệ- Nguyễn Lữ, sau khi tiêu hết thóc thuế dân trong vùng vào cờ bạc, gặp lúc mùa màng thất bát, sợ bị triều đình hỏi tội nên dựng cờ khởi nghĩa (1771), xin làm tiên phong được vua Lê ban ân sủng, nhà Trịnh ủng hộ; (5)-Thông sử chép: Chúa Trịnh lập biểu tâu Vua Lê phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam tuyên úy trấn thủ, theo theo đó Huệ- Lữ đều có chức tước- vậy là 3 anh em tự xưng thần của nhà Lê; (5)- Sử nguồn: Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng là Trung ương Hoàng Đế- đất Gia Định cho Bình Định vương Nguyễn Lữ; Bắc Bình vương từ đèo Hải Vân trở ra; vậy là khi Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế trước khi ra Bắc diệt Tôn Sỹ Nghị, thì đất Thuận Hóa Quy Nhơn vẫn là của Nguyễn Nhạc... các nhà sử học ngày nay coi Quang Trung như là vị Hoàng Đế thống nhất VN là hoàn toàn không có cơ sở! thậm chí sau khi Quang Trung chết 1792, con là Quang Toản đã bức Nhạc để lấy thành Quy Nhơn (lời Sấm “tam phân rồi chẳng được gì cả ba” là mạch vận thiên cơ chứ không hàm hồ như các sử gia đương đại); (6)- Sử nguồn: Nguyễn Ánh lên ngôi Vua năm 1802 lấy Quốc danh là Nam Việt tuyên cáo bốn phương; Càn Long đề nghị đổi là Việt Nam vì sợ lẫn vào Nam Việt xưa kia Nguyễn Ánh chấp thuận- “thật thần kỳ!” lại trùng cơ lời Sấm “Việt Nam khởi tổ xây nền, Lạc Long ra trị đương quyền một phương”; (7)-Chữ Nho là chữ tượng hình- chỉ chữ Nôm- và Hán Nôm- vốn là quốc ngữ Viêt Nam từ 1920 trở về trước; Từ 1920 nước ta bắt đầu dung chữ hệ Latinh do các giáo sĩ phương Tây phát minh chính là Quốc Ngữ bây giờ- rất tiện dụng; (8)-“trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” là chủ trương của đảng csvn- quan điểm này coi trí thức là tầng lớp lừng khừng cải lương hay dao động vì họ lấy tư duy cấp tiến để soi xét công việc, không đồng nhất với “chuyên chính cực trị và thống nhất tư tưởng”- họ bị ghép xem như kẻ thù cần bị tiêu diệt như phú địa hào bóc lột người lao động; nên ta không lạ gì ở chế độ cực quyền cs các đại trí thức có uy tín thường bị cs tiêu diệt và họ luôn là đối tượng dễ bị tiêu diệt vì bản chất ngay thẳng minh bạch; (9)- “sa mạc”- là một làn điệu dân ca hát xẩm; biểu hiện sự day dứt ai oán đau khổ, làn điệu này âm nhạc da diết như tấu vuốt của tiếng nhị tiếng hồ; (10)- những năm 1955- 1990 VN luôn xưng danh là nước VN xhcn- là tiền đồn của phe xhcn ở Đông Nam Á, chống đế quôc- phong kiến, giương cao ngọn cờ qtvs, góp phần giải phóng các dân tộc và gìn giữ hoà bình thế giới!; (11)- “còn mồ ma ông (x)... hoặc còn mồ ma cụ (y)”- cách gọi tên khi nói chuyện mà phải nhắc đến các việc liên quan với người đã chết một cách kính trọng; (12)-Thời Xuân Thu là thời lập quốc ở Đông Phương khoảng từ 650 tr.CN có Tấn, Tề, Sở, Tần, Tống là giai đoạn Đông Chu suy yếu; sau đó là thời Chiến Quốc, các nước thay nhau ngôi Bá Chủ; khoảng 470 tr.CN tới 255 tr.CN nhà Tần diệt Đông Chu; 221 tr.CN Tần thống nhất Trung Quốc; (13)- Sự hình thành các nước Tư Bản theo thể chế Tam quyền- Lập Hiến sau CM Dân quyền Thế giới 1789 (thực chất bùng nổ CM Pháp- công xã Paris), sau là sự hình thành các nước cs- xhcn sau hai kỳ đại chiến thế giới khoảng 1800-1947 theo đó Sấm gọi là "Gío mưa lại mở một trường Xuân Thu"; (14)- Thủy tổ sinh ra loài người gọi là Ông Bành Tổ- truyền thuyết Ô. Bành Tổ sống thọ 600 năm; (15)- Rát đòn- từ chỉ người sợ bị đòn roi;(16)- Gò Đóng Đa thuộc Hà Nội, sử cho rằng đấy chôn xác hàng vạn quân xâm lược Thanh mà tạo thành gò, thực tế chưa ai khai quật gò này để biết sự thực dưới có phải toàn là hài cốt giặc;(17)- Sẽ đến giai đoạn người dân dùng thẻ tín dụng như một cái Card, thì tiền giấy ít lưu thông, và chủ yếu lưu thông tiền xu kim loại để tiện trong trao đổi điện tử; là thời kỳ dân quyền được đề cao tức thân phận- dân- con cua cái cáy cò quyền thật sự! tức "cua còng đổi gọng" và truyền thống văn hóa cần phải được phục vị, chữ nho trở lại được tôn trọng;(18)- Sấm Trạng "đoài phương phúc địa giáng linh, cửu trùng thụy ứng long thành ngũ vân"- tức khi ta tiếp thu được văn hóa phương Tây bởi sự xâm lăng của Pháp đến từ "đoài phương" thì (9x9) =81 năm- là thời điểm ứng vận "long thành ngũ vân" tức là "thụy trình ngũ sắc quang" tức là "rồng bay năm vẻ sáng ngời" và sự thực lịch sử VN 1874- 1955- 1975- y mực hệt!; (19)- Mả Nác- tên một cái đống nghĩa địa ở Bình Lục- Hà Nam; (20)- Thời kỳ 1966-1975 Xe vào tuyến lửa ban đêm, treo một cái đèn bão dưới gầm xe, là loại đèn dầu hỏa chịu gió, ánh sáng chỉ một quầng, lái xe sau nhìn gầm xe trước nối đuôi mà chạy- máy bay Mỹ rất khó phát hiện; (21)- Trong chiến tranh từ 1966 tới 1972- đường 15B được gọi là đường bò lăn- chính là đường Số 7 rẽ từ Quán Hành- Diễn Châu lên Đô Lương (Nghệ An); là con đường đất đỏ nắng thi bụi mù, mưa thì trơn trượt, hố bom chi chít các đầu cầu, thường xuyên có TNXP làm nhiệm vụ thông đường, lính và xe tải đạn đi theo đường này gian nan vất vả như bò lăn; (22)- Khe Bò Đái là một khe nước thuộc Rú Đụn (tức Núi Đụn, người Nghệ- An- Hà Tĩnh gọi núi là rú) cạnh Bara Nam Đàn, nước chảy sè sè nghe như bò đái mới có tên ấy- kể rằng Bara Nam Đàn do Xuphanuvong thiết kế, ông vốn là ks thủy lợi. Câu Sấm "Đụn sơn phân dải, bò đái thất thanh, thủy đáo lam thành, Nam đàn sinh thánh,庉 山 分 獬, 爬 戴 匹 聲, 水 到 嵐 成, 南 檀 生 聖" được giải liên quan cả đến việc đưa nước về tưới ruộng- bằng cái đập nước này; lại nữa, khe Bò Đái, hết nước chảy, rộng toác nằm phía sau núi Đụn, nên nói "hòn Đụn nứt ót"- ót là phía sau, là cái gáy trên đầu, tiếng địa phương; (23)- Việt Nam miền Băc cs chủ trương xây dựng xh- xhcn, cấm chợ ngăn sông, bế quan tỏa cảng- một thời gọi là bao cấp- mọi của cải nhà nước quản lý, phân phối qua cửa hàng mậu dịch theo tem phiếu... áp dụng chính sách thời chiến tổng động viên từ năm 1964- chiến tranh kéo dài tới 1975, các đường vào Nam, đặc biệt QL số 1- bị Mỹ ném bom phong tỏa- lời Sấm đã rất đúng; (24)- Tháng 12-1967 người viết bài này đang dự chỉnh huấn chính trị với những bài viết của Lê Duẩn; Trường Sơn (NCT); Võ Nguyên Giáp; Cửu Long (PH)... tại Hợp Thành- Yên Thành Nghệ An thì được tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tử trận và lập tức đơn vị tổ chức truy điệu... Xét các sự kiện "1964-long vĩ- xà đầu-1965" đến "1968- thân- dậu- 1969 niên lai" có vẻ như ông Cóc bình luận sát sát?; (25)- Từ sau Tổng Tấn công 1968 của Bắc Việt cs- Mỹ tính đến kế hoạch "VN hóa chiến tranh" tức tăng cường viện trợ trang bị khí tài huấn luyện để quân lực VN cộng hòa tự chủ cuộc chiến, rút dần quân Mỹ về nước; (26)- "gẫm liên chi hồ điệp" cách nói của tiền nhân tức là suy ngẫm liên tục để khám phá bí mật của Sấm truyền; (27)-"nhược đãi ưng lai sư tử thượng" câu này có hai từ "sư tử" là bí mật của Sấm, tôi đem vào mục ghi chú này cốt tạo sự hấp dẫn! ai chưa xem ghi chú này sẽ còn thắc mắc! vâng thì xin thưa, có câu Sấm "giữa năm hai bảy mười ba, lửa đâu bỗng cháy tám gà trên mây"; câu này ứng việc toàn quyền Đông Dương Pats-kê (Pasquier) trên chuyến bay về Pháp năm Quý Dậu- 1933, máy bay của Ô. bị nổ tung bốc cháy trước khi hạ cánh; khôi hài và chính xác Trạng dùng âm hán tự Bát= 8, kê= gà, vậy là "theo quái dịch hai bảy là mười ba... cháy tám gà trên mây!"; Trường hợp ở đây Trạng biết cả Anh ngữ, biết rằng South là Nam, chỉ phương Nam- người Việt ta đọc South là "Sưu..st" và đọc cắt âm rõ ràng sẽ thành "sư tử!"- thật tài tình thú vị! vâng, 2từ bí mật này làm cánh cửa mở tung và cả khổ Sấm đã được khám phá!; (28)- Thực sự giới cầm quyền 1975-2010 chế độ cs ngày càng cực quyền tham nhũng, xa rời dân chúng, thích dùng nghi thức quân vương vua chúa xưa, hay dùng sắc lệnh trói buộc là chính, cho nên Sấm nói "Trời Nam trở lại đế vương" là đúng với hoàn cảnh hiện nay; (29)-Lý Khắc Dụng- còn gọi là Tấn vương, chết khoảng năm 912, giữ đất Hà Đông (Hậu đường) theo lịch sử Trung Quốc 5000 năm- nhà XB-VHTT-2000; (30)- Nguyên sử liệu Hạng Vũ bị Lưu Bang đánh đuổi chạy đến bên Ô Giang thì không còn đường, tự biết hết số, dùng kiếm cắt đầu mình nói cho viến tùy tướng đem mà lĩnh thưởng; còn Tần Thủy Hoàng cuối đời cho người đi khắp góc bể chân trời tìm thuốc trường sinh, năm 210 tr.CN khi đi kinh lý tới Sa Khâu ốm nặng chết- "Hư thực muôn đời hay là Tri Nghiệm Sấm Trạng" cốt cho mọi người biết xưa nay số trời cả!./
---------------------------------------------------(đã tải trên dienbatn blog từ 6-2008- lần đăng tải này mới viết thêm chú thích- có sửa chữa hiệu đính- 01/08 /2011- KTS Phạm Vũ Hội)
***



TB:chép lại từ bản chép tay của cụ Đồ ở Nam Sang
Nguyên văn bài Sấm tôi được nghe từ những năm 1955-1960:
(Cụ Lý hay hát ư ử... “điệu trống quân”- hát xẩm- bí mật lời Sấm đã được khám phá!)
***
Hoành sơn là lối ra vào!


Cuốc kêu vọng đế Cáo gào Hà vương


cung trăng đã sẵn lời chương


gió mưa lại mở một trường Xuân Thu...


tên treo ba mũi phục thù


Khen thay khắc dụng bày trò chó con...


ngọn cờ nhấp nhô đầu non


thạch thành mèo lại bon bon chạy về


đầy đường lai láng máu dê


con quay ngã trắng ba que cuộc tàn...!


Trời Nam trở lại đế vương


thân nhân không phải là phường thầy tăng


đồng dao đã có câu rằng


non xanh mà mọc trắng căng mấy kỳ


bấy giờ quét sạch thú ly!...


ai ơi nhớ lấy Sấm ghi kẻo lầm!


trong khi Sấm chớp ầm ầm


chẳng qua có số để găm trị bình


thất phu dám chống thư sinh


sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng...


nực cười những kẻ bàng quang


cờ tàn lại tính toan đường đấm xe


thôi thôI mặc lũ thằng hề


gió mây ta lại theo về gió mây!...”
***
--------------------------------------
Nhân việc thực địa lập quy hoạch khu di tích Trạng Trình 2000- 2001


(Chép lại tại Hải Phòng năm 2000- KTS Phạm Vũ Hội)


----------------------------------------------


***

Tri nghiệm Sấm Ký Trạng Trình- Lý học Càn Khôn- Chiêm thời...“知驗讖記狀程-理學乾坤-占時“...

***
Hướng về quê Trạng



(Nhân việc lập dự án Quy Hoạch quê hương Trạng Trình 2000- 2001)
Bài viết cho Tạp Chí Cửa Biển HP

----------------------------------------------------------------

Kiến Trúc Sư Phạm Vũ Hội- Chủ trì dự án.
***

Năm 1985 kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người dân Việt Nam được biết thêm câu thơ: "Bao giờ Tiên Lãng chia đôi- Sông Hàn nối lại thì tôi lại về...". Đó quả là điều kỳ diệu- Kỳ diệu không phải chỉ ở lời và ý mà thực tế, kỳ diệu ở cái nghĩa đen- Một cầu phao sông Hàn được nối lại để dẫn khách về, một con sông đào được khơi thông... Đôi lần tôi cùng bạn bè trong Hội văn học nghệ thuật về thắp hương đền Trạng, nhìn dòng sông Hàn mà bâng khuâng... Người xưa đã về đó chăng? Những cuộc hội thảo, một vài bài báo đã giới thiệu về Sấm ký; rồi trong hiệu sách có quyển Giai thoại và Sấm ký Trạng Trình (Phạm Đan Quế- sưu tầm biên soạn- NXB Văn nghệ TP Sài Gòn-1994), tuy chưa đầy đủ, nhiều chỗ còn chấm lửng... nhưng lạ và thích thú như đọc Tam quốc chí, Tây du ký vậy. Bởi hồi nhỏ tôi vốn được nghe các cụ nói về Sấm ký, kí ức vẫn nhớ được đôi câu. Có một thời Sấm ký vắng bóng; dạo cải cách 1955-1956, tôi chứng kiến hàng đống sách chữ Tây, chữ Tàu bị đốt ở cửa Điếm Bến quê tôi, người lớn bảo nó là văn hoá Phong Kiến Đế Quốc, thật tội lỗi, có cả những cuốn gia phả, bây giờ chúng tôi phải tìm hiểu lại. Trẻ con chúng tôi cuỗm một vài cuốn giấy bản để phất diều, bố tôi còn giằng lại trộ: cán bộ nó biết thì chết đấy con ạ! chắc mẩm bị liệt vào loại sách mê tín dị đoan.
Thế rồi năm 2000 nhân dịp lập dự án đầu tư xây dựng quê hương Trạng tôi có dịp cùng các anh phụ trách xã Lý Học (quê nội), xã Kiến Thiết (quê ngoại) và các cụ già đi thực địa... lại được nghe thêm nhiều giai thoại. Quê nội quê ngoại Trạng Trình chỉ cách nhau con sông Hàn - còn gọi là sông Tuyết, qua lại tại bến đò Tăng Thịnh. Bờ đê cũ năm nào còn đó... còn bờ đê nay do đổi dòng đã lấn sang phía làng Am xấp xỉ hàng kilômét... bởi thế càng có lý khi nhớ đến câu: "Hà thời thạch mã độ giang - Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu- 何 時 石 馬 渡 江 此 時 永 吏 迎 昂 公 侯 "- cũng chính là câu “bao giờ ngựa đá sang sông, thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng”- Vậy thì ngựa đá hẳn còn bị thời gian vùi lấp đâu đó... Từng địa danh vẫn như vang mãi: Bạch Vân Am (đền Trạng), quán Trung Tân, chùa Song Mai, Bút Kình Thiên, Nghiên Long Đồ, bãi Lý Ngư Quần Ngọc, khu Dương Phần nằm trên thế đất hình nhân bái tướng có 5 lá cờ thần ... Nơi quê ngoại có khu Mả Nghè nổi tiếng rộng khoảng 5.000 m2 mấy trăm năm rồi mà chỉ có 3 ngôi mộ nằm giữa khu đất. Đó là mộ chí hai cụ Nhữ Văn Lan và con gái là bà Nhữ Thị Thục- mẹ Đức Trạng Trình; các vùng lân cận có chùa Thiên Hương, đền Thạch Khánh, cầu Trường Xuân, xuôi về phía biển có chùa Thái Bình... Mỗi nơi phong cảnh thanh thoát xanh tươi như đều đọng lại với lòng dân về những dấu tích bước chân của một danh nhân văn hoá kỳ vĩ và đầy ắp huyền thoại.
Tôi đã đề xuất một dự án đầu tư xây dựng liên hoàn bao gồm cả quê nội- quê ngoại Trạng Trình, dựa vào 3 nguyên tắc chỉ đạo quy hoạch: Một là- gìn giữ trung thực phong cách truyền thống kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ. Hai là- xây dựng mà không "đô thị hoá". Ba là- giữ nguyên chân long... tức là vỉa gạch các đường thôn ngõ xóm theo lối truyền thống; tu tạo các cồn tre bụi cây rặng nhãn, khóm trúc; lập các tam quan tứ trụ, cây đa giếng nước; tượng đài có mái che, bình phong hoa văn tùng bách; có hồ Thái Nhâm, Thái Ât; sân dạo lát gạch bát tràng...
Nhưng rồi dự án mà tôi đề xuất chỉ thực hiện một phần bên quê nội mà ba nguyên tắc đặt ra đều chẳng được tôn trọng gì- Lẽ ra chỉ đầu tư chiều sâu tinh tế vào khu Am (đền Trạng) thì ở đây người ta đã mở ra một khu quy hoạch rộng, áp dụng hệ thống giao thông bàn cờ; lại thêm những cột điện bê tông, những cộ đèn cao áp xoè hình lá chuối. Một số rặng cây bị chặt quang làm đường dạo lát gạch lá dừa- Thật chẳng khác gì một công viên trong đô thị hiện đại. ấy là chưa nói đến việc đào hồ lớn, ảnh hưởng đến chân long- Một yếu tố phong thuỷ đang gắng được gìn giữ trong các yếu tố nhân văn truyền thống!
Đô thị hoá một di tích nổi tiếng là một nguy cơ đáng lo ngại, cần phải can ngăn- Thế nhưng can ngăn làm sao được khi mọi người đang hồ hởi xây dựng với một tư duy bề bộn hình thức, khuyếch trương để kịp với ngày kỷ niệm to tát cuối năm. Cho nên biết vậy mà vẫn phải chờ đợi ... chờ đợi một sự đồng nhất của tư duy. Bỗng tôi nhớ tới mấy câu của Trạng: "Long xà an sở ngộ- Đĩnh xuất tử tôn hiền- Nội ngoại phi nhị chí- Chung thuỷ như nhất yên- 龍 蛇 安 所 遇, 挺 出 子 孫 賢, 內 外 非 二 志, 終 始 如 一 安 (1)”(năm Rồng năm rắn gặp sự an lành, cháu con hiền thảo, nội ngoại chung sức, trước sau vẹn toàn..) . Cứ ngờ ngợ Long Xà nào đây bởi con đường từ quê nội sang quê ngoại Trạng chỉ đáng đi bộ 2 tiếng đồng hồ mà bây giờ vẫn xa lắc xa lơ; nội ngoại tuy gần mà vẫn cách ngăn biền biệt. Nguyễn Nhữ từ đường cũng còn đương lạnh lẽo khói hương, nền cũ, rêu mờ, cỏ lấp. Thật là:


“quê cha quê mẹ còn nghèo,
chỉ mong có được cầu kiều bắc sang,
cánh buồm nhẹ lướt Hàn giang
Bể Đông mây trắng từng làn trắng mây
chuông chùa Thạch Khánh khô gầy
Thiên Hương nẻo khuất thuyền đầy khách thăm
Tràng Xuân kiều lặng bâng khuâng
Thái Bình choi chói một vùng Trấn Dương
ngao du Đông Hải- Đồ Sơn
lại về Kính Chủ- Động Tiên sớm chiều
sự già vui bạn theo theo
văn chương tri ngộ điều điều tự tâm
mặc ai xua đuổi hươu Tần
trăng lên lầu Hán hỏi thăm mệnh trời
dở hay thôi tự lòng người
bút hoa soi chép những lời thần tiên
chữ đề Sấm ký –bí truyền!
chữ Tâm thực sáng, chữ Thiền thực cao
chữ Tài, chữ Tuệ siêu sao
Trung Thiên Như Nhật vọng vào ngàn năm...!”...


Mấy trăm năm qua Trạng Trình được nhân dân ta nhắc đến và rất mực kính trọng. Tôi được chứng kiến lúc còn nhỏ ngồi vào lòng ông, nghe các cụ đàm đạo Sấm ký mỗi khi thời thế đổi thay. Câu chuyện chỉ xẩy ra trong lán thợ, càng đậm đà bởi đám thợ nghèo hứng khởi với mấy củ khoai luộc, nải chuối chín vàng, bát nước chè xanh- Có người vừa bình vừa thở khói thuốc lào mà chuyện về Trạng vẫn rất say sưa thú vị, mô tả rất mực huyền diệu về một bậc kỳ tài có một không hai của nước Việt ta. Cụ bà tiếp nước thì nhai trầu bỏm bẻm mà rằng: "Sao lại có người tài giỏi đến như vậy nhỉ?". Còn cụ ông thì câu cửa miệng là: "Ôi dào Sấm đã dạy, sai làm sao được!".
Còn nhớ những năm 1959 - 1960 khi quê tôi vận động nông dân vào hợp tác xã - làng trên đã tổ chức xong, xóm dưới còn lưỡng lự. Rồi sau khoảng 4 năm đã hình thành hợp tác xã toàn xã... Mấy năm tiếp... công việc đồng áng đôi phần loạc choạc, có cụ tán: "Phá điền thiên tử xuất- 破 田 天 子 出”- Thay đổi, đồng ruộng thẳng cánh cò bay mà lại!", một cụ khác lắc đầu: " Tam thập niên điền hoàn chủ-三 十 年 田 還 主”- đấy để rồi xem!" Nào ngờ đến năm 1992, đúng 30 năm sau, tôi về quê, mẹ tôi đã 80 tuổi nhận khoán 2 sào ruộng kéo tôi đi tát nước giúp bà, ruộng lại chia cho mọi người. Cụ già làng năm nào nhắc tới lời Sấm đã không được chứng kiến cái cảnh hôm nay, người nông dân hồ hởi bởi lao động có lợi ích thiết thân, cánh đồng như trở vận, một màu xanh ngút ngát tận chân trời. Ngẫm lại câu Sấm mà thấy đúng.
Các cụ xưa kể: Trạng là người tài giỏi, học một biết mười. Điềm trời về ngày sinh ra Trạng thật là huyền bí. Thoại truyền là một ngày gió mưa vần vụ mịt mù, trời đất tối đen như mực, cả nhà Trạng đã rất mong đợi đến ngày này. Mọi người như biết trước thời khắc một con người sẽ sinh ra. Mẹ Trạng là người thông hiểu lý số kinh dịch - Bà biết rõ hơn ai hết... Nửa đêm mọi người còn quây quần bên bếp lửa hồng, bỗng cả khu Dương Phần bừng sáng. Dưới ánh hào quang một con rồng đất nổi nên giữa nhà chạy suốt 5 gian. Hương thơm từ căn buồng thân mẫu toả ra, mọi người mừng rối rít, ấy chính là thời điểm chào đời của Trạng Trình, bậc kỳ tài của nước Việt ta. Chuyện còn kể chỉ một ngày sau đó, quan thiên văn bên Tàu chuyên theo dõi thiên tượng đã dâng tấu biểu lên vua Tầu về vượng khí xuất hiện một vì sao to như cái đấu ở phương Nam- ứng với một chân nhân đã ra đời... Vua Tàu nhân đó đã cho người sang chúc mừng nước Nam và cho rằng chỉ trong một vài năm sau sẽ khắc biết; thì sau đó 4 năm một thầy Tàu đã được phái đến miền Hải Đông nước Việt để tìm kiếm một bậc kỳ tài và nhanh chóng biết đích xác về cậu bé thần đồng làng Trung Am - Cổ Am - Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương. Thày Tàu nhìn cậu bé từ đầu tới chân rồi than: "Qủa là bậc kỳ nhân của thời thịnh trị, mà nay thì loạn lạc kéo dài, tiếc lắm thay!" Cậu bé thần đồng ấy chính là Nguyễn Tất Đạt hồi nhỏ và là Nguyễn Bỉnh Khiêm- Trạng Trình sau này!- "Lưỡng quốc anh hùng không đối thủ".
Tôi còn đựoc nghe các cụ đọc những câu: "Bao giờ đá nổi lông chìm - Đồng khô hồ cạn con tìm thấy cha - Mười phần mất bảy còn ba - Mất hai còn một mới ra thái bình" hoặc "Ai ơi chớ vội làm giàu - Thằng Tây nó tếch thằng Tàu nó qua". Khi ấy một cụ vỗ tay vào đùi đánh đét: ờ thì Tưởng Giới Thạch bị đánh bật ra đảo Đài Loan đấy thôi! Thạch là đá chả nổi phềnh phềnh ấy là gì? còn Mao Trạch Đông? mao là lông có chìm đâu? làm sao mà chìm được? Rồi cụ nhìn đám trẻ hóng chuyện, chỉ vào tôi - đến đời cái thằng này may ra mới vỡ nhẽ cháu ạ? đời ông thì thân kề miệng lỗ rồi!”; còn câu sau được giải nghĩa với cuộc chiến tranh của nhân dân ta mấy chục năm sau ngày giải phóng 1975 thì 1979- 1980 lại xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc- Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học!?
Năm Tân Tỵ- 2001 một sự kiện kinh hoàng xảy ra tại nước Mỹ- ngày 11/9 hai toà tháp- Trụ sở thương mại thế giới ở Niu Oóc bị đánh sập, lại nhớ câu Sấm "Bò men lên núi Vu Sơn- Thừa cơ mới nổi một cơn phục thù- ấy là những binh phù thui thủi - Lòng trời xui ai dễ biết đâu", có sách chép “Man mác một dải Hoành Sơn- Thừa cơ mới nổi một cơn phục thù, ấy là những binh phù thai thái...”. Người ta thấy sau khi Taliban thắng thế ở Apganistan năm 1989 - 1992 đã tập hợp phe cánh xây dựng một Chính thể theo đạo Hồi dòng chính thống. Phái này coi Mỹ là kẻ thù chính, vì chính nước Mỹ luôn đi đầu cổ súy cho nền chính trị độc lập, đa nguyên dân quyền dân chủ, và điều đó cũng là nguyên nhân chính trong việc chia rẽ đạo Hồi thành nhiều quốc gia dân tộc riêng rẽ? Họ đã lợi dụng Mỹ lật đổ chính quyền C.S Brak Cacman do Liên Xô hậu thuẫn, vốn thành lập hồi 1978- mệnh danh cuộc CM tháng Tư, để nắm quyền; còn bây giờ thì họ quay sang khủng bố nước Mỹ. Đạo quân cảm tử lặng lẽ - mà Sấm gọi là "thui thủi" làm cái việc ghê gớm ấy; họ trà trộn, khăn bịt mặt, chất nổ quấn đầy mình, nổ cái “đùng” và cùng chết luôn, đúng là “thui thủi” chưa? Vu Sơn xưa là nơi tiên thánh ở hay chính là nơi bức tượng Phật hơn ngàn năm- Di sản văn hoá thế giới được Liên hiệp quốc bảo vệ đã bị Taliban phá huỷ hồi tháng 3-2001 vừa qua. Cái hay của lời Sấm còn tinh tế ở chỗ người dân Afganistan đại bộ phận trước kia sống bằng chăn nuôi bò- thì lời Sấm nêu “bò men...”; còn một ý khác là thời chính quyền Brak Cac man, dân Afganisstan bỏ chạy thì nay quay về miền núi lưng chừng Himalaiya- vậy thì cách đi không thể khác là “men theo” các sườn núi! thật sống động với hình ảnh “bò men lên núi Vu Sơn!”?. Sấm dạy “cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao!” Ôi! Thế thì câu hát ru - Lời đồng dao - hay câu Sấm các cụ truyền lại bí ẩn và thú vị biết chừng nào!
Tôn vinh Trạng Trình- Xây dựng quê hương Người- cùng với sưu tầm thơ văn Sấm ký của Trạng là những việc rất tự hào. Tôi hy vọng một ngày nào đó dự án tổng thể mà tôi đề xuất sẽ được mọi người ủng hộ. Mỗi một huyền thoại hay giai thoại sẽ gắn với một địa danh, một công trình kiến trúc xứng đáng với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và miền đất Hải Đông nổi tiếng xưa nay../.
-----------------------------------------------------------------------------------------*lt.ltt
****
Ghi chú:(1) Nghĩa rộng hơn đối với dân tộc “năm Rồng năm rắn gặp sự an lành, thời điểm cháu con hiền thảo xuất hiện trở lại (2012), trong ngoài nước chung một ý, đầu cuối lại vẹn toàn như trước!...”; Bài này viết sau khi hoàn thành dự án quy hoạch khu đền Trạng lần thứ nhất tháng 10/2001- quang cảnh khu đền lúc ấy còn hoang mạc, cỏ lác mọc cao ngang người, vẫn có bức hoành “như nhật trung thiên-如日中天“ ở trước đền./
------------------------------------------------------------------(12/2001- KTS Phạm Vũ Hội)

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Tri nghiệm Sấm Ký Trạng Trình- Lý học Càn Khôn- Chiêm thời...

HƯ THỰC MUÔN ĐỜI
(Hay chuyện kể về Sấm Trạng Trình)


Truyện 1.
----------------------------------------------------------------------------KTS.PHẠM VŨ HỘI
***


"...Lầu hán trăng lên ngẫm sự đời .....


Bí truyền con cháu.....


Giành Hậu Thế xem chơi ...."


TRẠNG TRÌNH Nguyễn Bỉnh Khiêm
(1491 - 1586).
-----------------------------------------------------*(PVH)
*


....Tôi đến nhiều lần và lần này tôi ngoan ngoãn như một con chó cún , ngồi xuống chiếc ghế cạnh ông, nghe ông kể chuyện về Trạng Trình. Với tôi, ông là người thực, lại cũng là ông già Thần thọai, bằng những chuyện Huyền thọai về một bậc Tiên tri kỳ tài... bây giờ tôi chỉ nhắc lại câu chuyện mà ông đã kể ....
...Từ thời các cụ còn sống... chỉ nhớ lúc nhỏ, thường được nghe mẹ ru một bài ru rất dài:

"...Lời mẹ dạy con ở ngay thẳng
Hỡi con ơi cố gắng con làm...
một mai trời biển nước Nam
mẹ nguyên thánh mẫu con đàn thần tôn
mẹ đã thiêng con lại khôn
hãy còn nùng thủy hãy còn nhị lư
mẹ cầm kỳ con thi thư
long vân đắc ý thủy ngư đắc tình
sinh sinh thịnh thịnh sinh sinh
một câu tuế nguyệt linh đình mẹ con
...mẹ ru chưa hết hãy còn
Gương trời gặt gió dập dồn bước chân
Ngày ngày tháng tháng năm năm
Mong con thiên tử cứu hằng sinh linh..."


...Tôi mang máng đó là một bài thơ rất cổ. Sáu, bảy tuổi lại được nghe ông nội, cùng các cụ già trong xóm thợ kể về các bậc Khoa cử, đại danh Nho nức tiếng, những nhân vật như Trạng Quỳnh, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương... Thích nhất vẫn là chuyện Trạng Trình người có tài tiên tri... Các cụ thường tâm đắc với nòi giống con Lạc cháu Hồng, con Rồng - Cháu Tiên, những câu:

"Nước non từ thủơ Hồng Bàng
Bể dâu cuộc thế giang san đổi vần ...
Nước Nam thường có Thánh tài
Sơn hà vững đặt mấy ai tỏ tường..."

Các cụ bảo đấy là Sấm dạy... Bây giờ, sống ngay trên quê hương Trạng Trình, đọc thêm những tài liệu trong dân gian, tôi đã cố khái quát, tìm hiểu về Người...

*

...Trước mặt tôi là đứa cháu đích tôn đang đòi ông kể chuyện Trạng Trình. Tôi đã ở tuổi như ông tôi ngày xưa, mái đầu đã bạc như ông tôi ngày xưa, những câu chuyện tôi kể, cháu tôi cũng thích nghe như ngày xưa tôi thích.
-Làm thế nào mà Trạng lại giỏi thế hả ông, bây giờ còn có Trạng không ông?
...Còn nhớ các cụ đã kể rằng để nước Nam ta mãi mãi có Trạng, lúc lâm chung Trạng dặn người nhà khi đặt ông vào quan tài phải đặt nằm sấp, đậy nắp quan tài lại rồi cứ thế mà an táng.
-Sao lại phải làm thế ạ?
Tôi cũng đã hỏi ông tôi ngày xưa như vậy...
"Ừ, để nhỡ có bọn Phù thủy - Địa lý nào muốn triệt hạ ngước Nam, trấn yểm Long mạch mà quan tài bị xoay... thì nước Nam ta mới không bị mất hết người tài".
-Nhưng có còn Trạng không ạ ?
"Dĩ nhiên còn Trạng chứ!" - "Nước Nam thường có Thánh tài, mỗi Đời có một tôi ngoan"...mà cháu.
Bây giờ tôi cũng trả lời cháu tôi như ông tôi trả lời tôi ngày xưa...
*

...Lịch sử nước Nam trải qua bao thay đổi thăng trầm từ thuở Hồng Bàng có đến 4.000 năm để lại nhiều dấu ấn của con Rồng - Cháu Tiên. Câu chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một cái bọc Trăm trứng, nở ra một trăm người con trai, rồi chia nhau lên rừng, xuống biển trấn giữ bờ cõi, người Việt Nam già trẻ ai cũng thuộc làu.
-Cháu vẫn nhớ cái bọc trứng ấy.
"Đấy là Truyền thuyết cháu ạ, gốc tích cả đấy! Phong thủy nước Nam, một vùng khí hậu khắc nghiệt thuộc Quý phương...
-Quý phương là gì ạ ?
"Ừ thì là Can cuối của Thập Thiên Can, theo Ngũ hành là nằm ở cung Tốn, nên nước ta lắm tai ách lắm.
-Sao lại thế..?
"Thì các cụ vẫn dạy thế!"
-Ông nói gì cháu chẳng hiểu...
"Hượm, từ từ nào... nhưng đã sản sinh ra nhiều bậc anh tài hào kiệt như Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...
-Có cả Trạng Lợn và cụ Tả Ao nữa...!
"Ừ... có có, có! nhiều lắm, một trong những bậc Đại danh hào ấy ở vào thế kỷ thứ 16 (XVI), là Tuyết Giang Phu tử Trạng Trình. Ngài học rộng, tài cao, xuất khẩu thành chương, thông thạo Thư thi, Lý số mà như người xưa vẫn nói có tài Kinh Bang Tế Thế, tá túc Quân Vương.
-Cháu cũng thích Xuất khẩu thành chương...
"Thì phải cố học, mà học như Trạng Trình ấy, lại gồm đủ Đức, Hạnh thông Thiền. Đương thời tiếng tăm Trạng Trình lừng lẫy khắp Thiên hạ, vượt xa ngoài cõi, người Bắc, tức người Tàu còn phải kính phục. Học trò bốn phương theo rất đông, theo Ngài học chữ Thánh hiền để ra giúp dân, giúp nước. Chẳng cứ hạng bạch đinh, tức là những người nghèo, mà ngay cả Quan gia quyền thế tận bên Tàu (danh từ dân ta gọi người Trung Hoa xưa) cũng thường xin cầu kiến Ngài, để được thụ giáo vấn đáp về họa phúc tương lai mà biết đường khu xử. Đặc biệt Ngài có tài Tiên tri...
-Giá cháu cũng biết Tiên tri ông nhỉ..!
"Hừ, phải là người Trời. Theo truyền thuyết, Ngài viết quyển Sấm ký, mà người đời gọi là "Sấm ký Trạng Trình", nêu những biến cố Lịch sử sẽ xảy ra sau Ngài tới 500 năm.
-Khiếp thật, cứ như là ông Khổng Minh ấy...
"Thì có khác gì, cháu nên biết rằng chưa có ai đó... và cũng rất khó có tài liệu... gọi là Khoa học nào giải thích... cháu hiểu chưa?. Ngài trước tác "Thái Ất Thần Kinh" dùng để xem vận số của Trời- Đất và mệnh hệ con người, có chút hư ảo như mực lý Hô phong hoán vũ dùng trong Bát Trận đồ. Quyển sách này được xuất bản năm 2001 do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành.
-Cháu biết ông đã mua một quyển, ước gì cháu hiểu được quyển sách ấy...
"Cháu chưa hiểu được đâu, trong dân gian vẫn kháo nhau nhiều sự việc diễn ra đúng như lời Sấm. Điều này được Trạng Trình viết bằng mấy câu :

"Trên Trời cũng đã có bia
bởi học chẳng biết hóa suy chẳng tường...
.....Kể từ nhân doãn mà đi
số chưa gặp thì biết hóa chép ra ..."

"Là Ngài nói mọi việc ở trên đời đã có ghi ở sách Trời, cho dễ hiểu, đây Trạng gọi là "đã có bia", là cái ý mọi việc xảy ra ở trần gian này, trên bề mặt trái đất này, đã được trời định sẵn, hiểu chưa nào? đạo Âm- Dương xoay chuyển, người ta học mà không rõ về cái sự: "Hoá", "Biết"- tức là sự nhận thức và suy xét, để rồi sự "biết" cứ cồ cộ, đứng góc này thì phủ nhận góc khác... thì chẳng rành mạch vậy. Đối với Đức Trạng kể từ khi nhận thức được nguyên nhân, kết quả- "Nhân doãn- 因椽- tức nhân duyên", biết suy hóa... nên Ngài chép ra, ấy là Ngài chép theo sự thâm hiểu, theo khả năng Thông Thiền hiếm có, trong điều kiện Ngài không gặp Thời phải về ở ẩn tại quê nhà.
-Trạng giỏi thế mà sao lại ở ẩn ông nhỉ..?
"Thì các cụ theo "Đạo Quân tử- 道君子" cháu ạ, tức là người có hiểu biết, nhân thiện thương người, có tài có đức... ắt phải biết thì vận "Đắc thời thì đi xe, không đắc thời thì đội nón lá, chân đất là chuyện bình thường..." Ấy là ông Lão tử dạy...
-Thế nào là đắc thời hả ông..?
"Chà... thế này nhé, cái Thời thế do Trời định đoạt là một này, còn cái đạo đức chủ quan của con người là hai này, phù hợp với nhau thì người có tài được tôn trọng, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho dân- là đắc thời, bằng không là không đắc thời, cháu hiểu chưa..?
-Làm thế nào biết được ạ..?
"Thế mới phải học, sau này cháu sẽ hiểu...
...Ngài ưa nhàn dật, bởi thời Ngài- là thời loạn, muốn đem tài ra giúp nước mà chẳng được.
-Thế nào là loạn hả ông..?
"Cứ đánh nhau liên miên, nhũng nhiễu ức hiếp dân, luật lệ trói buộc trăm họ, không phân quyền chia quyền cho dân chúng, cứ tập trung quyền lực vào tay nhà nước, mà thực chất chỉ nằm trong tay một nhúm người như Sấm viết "châu châu ngọc ngọc của chung, được thời mọi của đều cùng về tay"... lại chỉ ưa bạo lực... luật pháp hành pháp ngược với trí tuệ đường đi của nhân thế... thay đổi, lạm quyền... là loạn cháu ạ...
"Sau này, người đời hiểu theo cách truyền thống, đánh giá Trạng là bậc tôi hiền nhưng không gặp được Minh chủ.
-Như ông Khổng Minh giỏi thế phò Lưu Thiện là chúa ngu đần sao không về ở ẩn ông nhỉ ?
"Ừ... vì ông Khổng Minh đã hứa với ông Lưu Bị, chứ ông ấy biết thừa chẳng thể nào khôi phục lại nhà Hán, đem lại thái bình được, nên ông ấy than "Vô lực hồi Thiên, cúc cung tận tụy- 無力回天鞠躬盡瘁 - tức không thể có sức lực nào thay đổi được số trời, dù ta gắng gỏi tận tâm hết mức..." đấy thôi..!
-Thế Thái bình là gì ạ..?..
"Thái bình là xã hội Thái bình, không đánh đấm, giết chóc nhau, đất nước êm đềm, yên ả, điều hòa như cỗ máy thêu, máy dệt... không phải cứ hò hét thay đổi xoành xoạch, cờ quạt phông màn, gióng trống khua chiêng, phong trào vận động... quyên góp mà như là bòn rút của nả... cẫng lên cả ngày, sao gọi là Thái bình, cháu hiểu chưa..? Đức Trạng Trình cũng biết, sau Ngài là loạn lạc kéo dài và Ngài đã viết:

"Lẽ sinh ra Thánh nghìn tài
lại sinh (chẳng may..!) toàn lũ Quỷ , ma nhà Trời ...
nguyên văn:
"hợp đà thay thánh ngàn tài
giáng sinh rủi kiếp quỷ má nhà trời..!

-Sao Trạng Trình biết toàn Quỷ, ma ông nhỉ, khiếp thật đấy..!
"Ừừ..! hẳn, Ngài là người Trời, là Ngài chiêm thấy Thời mà con người ưa bạo lực, không tin có Hoạ, Phúc, Thánh, Thần, nên Ngài viết thế. Còn theo Chu dịch cổ thư các cụ dạy thì là Âm Thịnh - Dương suy... Vật chất, Kỹ nghệ cứ đua nhau, sao nhãng quên đi lễ nghĩa... là Âm thịnh đấy, thành thử chiến tranh cứ liên miên.
-Vì vậy mà Trạng ở ẩn để đọc sách ông nhỉ!.
"Thế là cháu hiểu đấy, có lẽ Ngài còn chịu ảnh hưởng của triết học Lão tử, chủ trương không can thiệp vào vạn vật của Thế gian, bản thân con người phải biết nhường, biết đủ, không duy ý chí "Đa ngôn sổ cùng - Bất như thủ trung- 多言數窮不如守中", tạm hiểu là "nói mãi cũng không hết, thà để sự việc tự nó thi hành - Đạo trung đứng ngoài", hoặc ảnh hưởng của Trang tử theo tự nhiên, tự do, tự tại giữ Đạo "Vạn vật thù lý . Đạo bất tư- 萬物殊理道不私", tạm hiểu là "Lý theo vật, Đạo vốn chỉ một không riêng rẽ", nghĩa là cái "lý" thường theo vật phát triển mà xem xét đoán định, nhiều khi nhầm lẫn do con người nhìn nhận ở các góc độ khác nhau, còn đạo trời theo "khí hạo nhiên-氣浩然" ta thường gọi là Đạo Lớn!, nó có gốc rễ bao quát cả vũ trụ, cứ bát quái ngũ hành... khảm lưu- cấn chỉ... các sinh linh có thể tìm hiểu... chứ không thể nào tác động gì đó... vào cái mênh mông của vũ trụ được, do vậy suy ra "bất tư"- không riêng- tức chỉ một mà thôi!.. Nắm cái gốc... hiểu suốt muôn vật, mà bản thân Trạng thì chí Thiện, không muốn tham gia phe phái để tranh giành. Cho nên chỉ làm Quan 8 năm là Ngài xin về ở ẩn... Chuyện kể rằng Trạng dâng sớ xin chém 18 lộng thần không được Vua Mạc chấp nhận mà Ngài về, hẳn cũng là một cái cớ để quy nhàn...
-Nhưng nhiều khi Vua Mạc mời Trạng lên Kinh đô, theo truyền thọai, Ngài vẫn đi đấy thôi.
"Thì cưỡng sao được hả cháu, cũng còn quan sát tượng Trời, tượng Đất, làm rõ cái sở học của mình cháu ạ. Ngài viết:

"Thanh nhàn vô sự là Tiên
Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi
Cơ Tạo hóa , phép đổi đời
đầu non mây khói phủ, mặt nước cánh buồm trôi...
Hươu Tần mặc kệ ai xua đuổi.
Lầu Hán trông lên ngẫm mệnh Trời
Tuổi già thua kém bạn, Văn chương gửi lại Đời...
Dở hay nên tự lòng người cả.
Bút nghiên soi hoa chép mấy lời
Bí truyền cho con cháu, dành Hậu thế để xem chơi"..

Đó là cảm đề trong tập "Sấm ký" giúp cho mọi người hiểu Nhân sinh quan, Thế giới quan của Ngài. Với ý tứ rất tự tin, Ngài viết cốt chỉ để "Bí truyền", nghĩa là không công khai. Vậy thì chỉ ai đó biết mà chiêm nghiệm, cụ thể là con cháu trong nhà. Rộng ra đời sau, các thế hệ con cháu bởi hiểu từ câu "dành hậu thế". Ngài cũng viết :

"...so mấy lời để tàng kim quỹ
chờ hậu lai có chí sẽ cho ..."

-Nghĩa là bí truyền cho hậu thế, người thích học tập năng động suy nghĩ về thời cuộc "có chí" giúp dân , giúp nước. Nhưng Ngài cũng nói rõ là "đề tàng" tức để cất đi giữ gìn bảo vệ, đó là "bí truyền". Tại sao lại chỉ là bí truyền thì Ngài cũng giải thích luôn:

"...nói ra thì lộ cơ Trời
trái tai phải luỵ, tài trai khôn luồn...
Nói ra thì vạ đến thân,
đang thời người trị xoay vần được đâu ..."

"Ở vào Thời đại Ngài Thiên cơ bất khả lậu là thế.
-Ôi giá mà mọi người đều biết Sấm Trạng ông nhỉ, tránh được bao nhiêu tai họa...
"Tránh làm sao được hả cháu, Thiên cơ "xuất kỳ bất ý" luôn bất ngờ mà lại..
"Ừ, giá biết cũng tốt hơn, trong Sấm Ngài cũng dặn đấy...

"Hậu sinh thuộc lấy làm lòng
đến khi ngộ biến đường trong giữ mình ..."

"Nhưng vẫn cứ học nhiều, hiểu rộng mới may ra, cháu hiểu chưa?...
"Như vậy Sấn ký viết ra theo chính tác giả phải bí truyền, để tàng, chờ hậu lai có chí, không nên phổ biến.
"Nhưng tại sao Trạng lại viết chỉ để "xem chơi!".
"Thì ta thấy sau khi Ngài qua đời Lịch sử nước Việt nam cho đến nay biết bao nhiêu thăng trầm. Tất cả các sự việc sau Ngài 500 năm mà Ngài đã nhìn thấy:

"Vũng nọ nghe khi thành bãi cát,
doi kia có thuở lút hòn thai ..."

"Sự thể là khi "con tạo" biến hóa, việc Đời đắp đổi, đấy lụt đây bồi, những điều Ngài Tiên tri mách bảo mới vỡ lẽ, nghiệm chung, thì Ngài đã viết:

"Cơ Tạo hóa phép màu khôn tỏ,
cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao!"
đấy thôi!.

"Cuộc tàn rồi thì còn gì để nói. Điều Ngài Tiên tri chẳng giúp gì cho dân chúng hay quan lại quyền chính, chỉ ngã ngũ mới bình phẩm, mà hiểu ra cơ Trời- Vận nước, cũng chỉ tấm tắc phục tài Trạng chứ phỏng có ích gì, cho nên Ngài mới viết "dành hậu Thế để xem chơi.." là vậy. Còn ví rằng có ai đó hiểu được sự mách bảo Thiên cơ như lời Sấm, liệu có thể lo trước được việc gì chăng? Bởi Thiên cơ hành động ngoài ý muốn của con người, theo như thời nay. ai biết trước, thì chẳng khác gì cầm đèn chạy trước ô tô, như mọi người vẫn cảnh cáo. Và Trạng đã viết:

"Khéo chẳng sai tơ hào cũng vậy,
Truyền Hậu thế ai nấy xem cho.
Những người nghiệm được khôn lo"

(Đúng là khôn lo thật..!). "Lại nữa, những người giữ Đạo trung, quan niệm Đời như dòng chảy, có biểu lý Âm - Dương, tuần hoàn Bát quái, Nhân- Quả, Hoạ- Phúc, khắc- sinh, thọ- yểu là lẽ thường, mệnh người như cát bụi, giầu sang phú quý tựa chiêm bao..." Thiên sinh, Thiên sát, Đạo chi lý dã- 天生天殺道之理也"- Trời sinh, Trời diệt, Đạo lý muôn đời vậy..." hiểu lẽ ấy mà chẳng giúp đời được gì, nhìn con người, xã hội cứ đi theo cái lý riêng của nó, vì vậy Ngài mới viết: "dành Hậu Thế để xem chơi ", phải vậy chăng?.
-Đúng quá đi chứ, càng nghe cháu càng thích ông ạ, cứ như cổ tích ấy. Cháu chỉ nghĩ, người nghiệm biết nói ra, người khác chưa chắc đã tin, chẳng có cơ sở nào để tin...
"Vậy đấy, ngày trước, các cụ rất hay đàm đạo về Sấm ký, vừa thấy hay, vừa thấy lo, những câu:

"Quân hùng binh nhuệ đầy khe,
kẻ khoe cứu nước , người khoe trị đời ..."
hoặc:
"Cây bay lá lửa dội ngàn,
một làng còn thấy chim đàn bay ra ..."

...không biết có còn yên ổn mà làm ăn, hay chỉ lo chạy loạn, chao ôi, có người còn bảo rồi sẽ có 10 cô gái vuốt râu ông già kia đấy!. Sấm có câu này:

"ba làng mới có một trâu
mười cô con gái vuốt râu ông lão già.."

-Sao lạ thế ạ? Là ông Tiên hả ông?
"Ôi cháu, các cụ ngỡ chiến tranh thì đàn ông đi đánh nhau hết, quê nhà chỉ còn ông già, bà lão... các cô phải lấy ông già cháu hiểu chưa? mà 10 cô lấy một ông.
-Úi! Í.. ông nói hay thế.
"Ừ... đấy!, sự thực thì hồi cải cách ruộng đất 1955- 1957, quả đúng ba bốn làng mới có 1- 2 con trâu... từ việc đấu tố địa chủ rồi tịch thu tài sản... phân chia quả thực cho làng này làng khác... sự thể có thế! Rồi tới thập niên 70, chiến tranh ác liệt, trai tráng đều nhập ngũ, chỉ còn ông già, bà cả ở nhà canh nông... các cụ ông phải dạy các cô gái đi cày, đi bừa ruộng... theo phong trào "ba đảm đang", các cô phải theo ông già chỉ bảo! mấy ai để ý tới lời Sấm trên... giờ thì vỡ nhẽ... Thấm thoắt dân số nước Nam đã có gần trăm triệu, thế giới đã có gần chục tỷ người, có phải ngược lại là "Thiên sát, Thiên sinh, lý chi vãng phục!-天殺天生理之往復" ấy chứ. Đạo trời cũng luôn có "phục", phải hiểu thêm điều đó... Bây giờ ông cháu mình là hậu sinh, đọc Sấm, suy ngẫm nhiều đoạn chẳng thấy trật đi đấu cả. Ví như:

"cửu củu Càn Khôn dĩ định- 九九乾坤以定,
thanh minh thời tiết hoa tàn- 清明時節花殘,
trực đáo Dương đầu Mã vĩ- 直到羊投馬尾,
Hồ binh bát vạn nhập Tràng an- 胡兵八萬入長安"

"Là số Âm Dương đã định (cửu cửu- 9x9) là 81, tiết Thanh minh, cuối năm ngựa- Giáp Ngọ 1954, đầu năm dê- Ất Mùi 1955, tám vạn Hồ binh vào Tràng An tức Hà nội...(Trước kia người người sợ chết khiếp nghĩ rằng đất Tràng an sẽ có giặc xâm nhập! vì “hồ binh” còn có nghĩa khác nữa là “giặc cỏ!”... “bát vạn” thì như là hình thức lộng ngữ “ba vạn chín nghìn!”)
"Theo dòng thời sự, giai đoạn 1954- 1955; tám Sư đoàn bộ đội Việt minh, theo Chủ tịch Hồ về giải phóng Thủ đô ngày 10-10/1954, đối chiếu với Âm lịch là ngày 14-09 Giáp Ngọ, chỉ 3 ngày nữa là ngày 17-09, Hàn Lộ- chớm Đông; lại biết đến ngày 01-01/1955 mít tinh lớn ở Quảng Trường Ba Đình, chào mừng chính phủ Việt Nam mới... Đối chiếu với lịch Âm là mồng 08-12 Giáp Ngọ, xem lịch bấy giờ thuộc tiết Đông Chí bước sang Tiểu Hàn- đúng là "thời tiết hoa tàn"; rồi tiết Thanh Minh là 13-03- Âm lịch tức mồng 05-04/ 1955 Dương lịch... từ đó suốt suốt ... lúc nào cũng nhộn nhịp công việc... giải giáp- tiếp quản chính quyền từ tay Pháp... tới ngày 13-05/ 1955 tên lính Pháp cuối cùng rời Bến Nghiêng- Đồ Sơn Hải Phòng... Vậy là Pháp chính thức rút hết quân khỏi miền Bắc Việt nam, trên tinh thần Hiệp định Jerneiver...
"Nhẩm tính Pháp nổ súng xâm chiếm nước ta từ 1874- mốc thời gian Pháp đánh Hà Nội- Bắc Kỳ lần thứ nhất... thì đến 13-5/ năm1955 rút khỏi Hải Phòng- tính đúng (9x9) là 81 năm....
"Cái hay ở đây là hai chữ "Trực đáo", đối lại bằng hai sự kiện, kết nối theo thời gain cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi tức "Mã vĩ , Dương đầu", cũng là Vận khí đáo vận, mà khoảng thời gian, không gian khá rộng và dài, nghĩa là từ việc khởi đầu Pháp xâm lược, tới lúc rút đi do bại trận... không thoát khỏi con số "Càn Khôn dĩ định.. (trời đất định sẵn)-. chín chín- tám mốt"... lại suốt Tiết Đông Tàn Hoa tới Thanh Minh... chẳng sai cháu nhé!...
-Thế nào là Vận khí hả ông..?
"Hừ, xem nào, là sự chuyển vận của Trời Đất mà ta gọi là Thiên cơ, máy Trời ấy mà... Các cụ ngày xưa quan niệm máy Trời đóng mở qua cửu cung, quấy đảo động tĩnh qua cửu khiếu (chín lỗ- mắt, tai, mũi, miệng, hậu môn, sinh vật khí), thì Phục...
"Cũng theo "nghiệm số Càn Khôn" ta thấy Gia Long lên ngôi năm 1802 thì đấn năm 1883 hoàn toàn mất quyền về tay giặc Pháp. Liên xô thành lập năm 1917-1922 đến năm 1989 xảy ra biến động sụp đổ, 1998- 2002... trở lại 15 nước truyền thống và SNG thay cho CCCP- tất cả đều đúng số 81- Số Trời định...
-Nhưng có nhiều trường hợp không phải là số 81 thì ông bảo sao nào..?
"Hừ... các cụ ngày xưa giảng thì đó là phép thông biến cháu ạ. "Khảm lưu, Cấn chỉ- 坎流艮止"- trong Chu dịch đấy- mà chí thiện mới giác ngộ thông biến các cháu hiểu không?. Đến đây ta suy nghĩ phục tài Trạng , cũng là để xem chơi (?). Lại có câu:

"Phân phân tòng Bắc khởi-紛紛從北起,
nhiễu nhiễu xuất Đông chinh-擾擾出東,征
Phá Điền Thiên tử xuất-破田天子出,
bất chiến tự nhiên thành-不戰自然成 ".

"Mô tả mảng Vận khí đầy kịch tính suốt từ (1914 - 1918) đến (1940 - 1947). Đó là những biến động của Đại chiến Thế giới lần thứ nhất- "the first World war", dẫn tới việc tranh chấp thuộc địa tại Hội nghị Vesailles tháng 6/1919...

"Một góc thành làm 8 chúng Quỷ ,
đưa một vòng ích kỷ hại nhân ..."

"Tại hội nghị này- 8 cường quốc (1/Áo- Hung, 2/Đức, 3/Nga, 4/Pháp, 5/Anh, 6/Thổ, 7/Nhật, 8/Hoa kỳ) đúng là số "8"... đã không thể thỏa hiệp dẫn tới... hình thành Trục Phát xít .
-Sao Trạng biết là 8 chúng Quỷ ông nhỉ, ôi tài thật!.
"Đó là:

"Đoài phương ong khởi lần lần,
muông sinh 3 góc cầm quân dấy loàn..."

"Đúng là mâu thuẫn giữa tám nước Đế Quốc về phân chia thuộc địa và quyền lợi sau Đại Chiến thứ nhất, “đưa một lònh ích kỷ” dẫn tới 3 nước võ trang Phát xít (1/Đức- 2/Ý- 3/Nhật)- liên kết 3góc chân kiềng- "dấy loàn" muốn chia lại thế giới, gây nên Đại chiến Thế giới thứ hai- "the second World War". Kết quả sử liệu- làm 40 triệu người chết hoặc mất tích, 29 triệu người bị thương, gấp rưỡi Đại chiến trước. Ấy là chưa kể biết bao đô thị, nhà máy, cầu cống, đường xá, làng mạc bị tàn phá. Cháu thấy chưa, lời tiên tri linh diệu về con số lại trùng khít phạm vi không gian, thời gian. Mở màn Đức tấn công phía tây Ba Lan 1939, Liên Xô tấn công phía đông Ba Lan, cùng thôn tính Ba Lan... những nguyên nhân rải rác "phân phân tòng Bắc khởi" ấy là từ phương bắc cứ thế tiếp diễn... Sấm viết rõ:

"Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh- 龍尾蛇頭起戰爭
Can qua xứ xứ khổ đao binh- 干戈處處苦刀兵
Mã đề dương cước anh hùng tận- 馬蹄羊腳英雄盡
Thân dậu niên lai kiến thái bình- 申酉年來見太平"...

"Ấy là bắt đầu từ chiến trường Châu Âu... 1940- 1941- Đức tấn công Liên Xô tức là cuối Canh Thìn- đầu Tân Tỵ- cuối năm con rồng, đầu năm con rắn- Đại Chiến- II- bùng nổ... cả châu Âu bị Đức tấn công, thế giới phải lập mặt trận đồng minh chống Phát Xít... Sau 3 năm Đức bắt đầu thua và tháng 8-1945 phải đầu hàng Đồng minh, cùng thời gian 1940- 1944 Châu Á- Thái Bình Dương phải lâm trận với Phát Xít Nhật... Năm 1945 Đồng Minh tuyên chiến với Nhật và chuyển sang chiến trường châu Á... tức là sau khi Hít le thất thủ, Đồng minh mới tập trung tấn công sang phía Đông, các nước Châu Á- Đông Nam Á thừa cơ chống Phát xít, giành độc lập- như Việt Nam thì làm Cách Mạng Tháng 8-1945, chẳng phải "nhiễu nhiễu xuất Đông chinh" là gì.
"Đúng như Sấm dạy năm 1944 Thân- 1945 Dậu cả Đức Nhật đều đầu hàng vô điều kiên, hòa bình được kiến lập... Đúng quá đi chứ lỵ..!.
-Úi sao tài thế hả ông?
"Ừ... nhiều nước, Chính phủ mới, lâm thời chia ruộng cho dân, thay đổi bờ vùng bờ thửa, thừa cơ loạn lạc... ấy gọi là "phá điền", ta thấy chữ điền "田" bỏ hình vuông còn "nét tung, nét hoành- chữ thập -十", là ám chỉ chiến tranh... tức thị thời thế thay đổi, ấy gọi là "Thiên tử xuất", việc giành Chính quyền bấy giờ như trở bàn tay, ít nổ súng đánh nhau, ấy mới gọi là "bất chiến tự nhiên thành"...
"Vậy là lời Sấm có quy mô cả Thế giới, gắn liền các sự kiện trong nước, hậu sinh người người "xem chơi" một cách thú vị .
-Ông ơi, cháu còn nghe nói Trạng biết cả tiếng bom Nguyên tử nữa đấy, sợ thật đấy!.
"Trạng biết hết cháu ạ!, Ngài viết:

"Thần Kinh Thái Ất suy ra,
để dành con cháu gần xa nghiệm bàn .."

"Giờ thì tha hồ mà bàn cháu nhé!... Biết rằng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Mỹ đã ném 2 quả bom Nguyên tử xuống đất Nhật, một quả xuống Hi-Ro- Si-Ma ngày 6/8/1945, một quả xuống Na-Ka- Za-Ki ngày 9/8/1945, thì Ngài viết:

"...Quốc trung kinh dụng cao không,
giữa năm vả lại hiểm hung mùa màng.
Gà đâu gáy sơm bên tường,
chẳng yêu thì cũng bất tường chẳng không!"

"Ấy là giữa khoảng Trời bao la của một đất nước, một tiếng nổ như sấm sét "Quốc trung kinh dụng cao không!" đấy. Ngay lập tức Nhật xin đầu hàng! Địa cầu giữa năm ấy, mùa màng" hiểm hung..." Nước Nam ta thì 2 triệu người chết đói, "gà đâu gáy sớm ..", tức là năm Ất Dậu- 1945- con gà, sớm báo hiệu chiến tranh kết thúc, niềm vui thật to lớn đấy, nhưng trước hoàn cảnh hoang tàn bởi cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, hay là sự khủng khiếp không thể ngờ của hai Thành phố bị hủy diệt, ngay cả người ném bom cũng không lường trước cho được. Cho nên "chẳng yêu", chẳng tán thành ném bom Nguyên tử, mà “cũng bất tường”, tức không tỏ rõ ý phản đối... Kỳ lạ thay , chính xác thay, Trạng tiên tri sự việc, sự kiện, không gian, thời gian... quả nhiên "giữa năm" theo Dương lịch ngày 06/08/1945 chính là Âm lịch ngày 29/6/ Ất Dậu, còn 09/08/1945 thì Âm lịch là 02/07 Ất Dậu- rõ là chính giữa năm... mà Đức Trạng còn biết trước cả hoàn cảnh dư luận, tâm lý, trạng thái của con người... Thật chỉ có nhà Trời mới biết vanh vách như thế chứ? Bây giờ ông cháu mình hiểu ra ai dám bảo là thêm thêm bớt bớt cho Ngài đây, Sấm Trạng quả có thật còn gì?.
-Ôi , lạy Trời , Sấm ký kinh hoàng khủng khiếp quá ông nhỉ!.
"Thế mới gọi là Trạng chứ cháu !.. Nghe đây "Mở màn Đại chiến Thế giới lần thứ 2, chẳng những Ngài tiên tri một cách chính xác "Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh - Can qua xứ xứ khổ đao binh .." , mà chính xác cả thời gian kết thúc "..Thân , Dâu niên lai kiến Thái bình .." Thú vị hơn nữa là Trạng thái kết thúc, cháu nghe đây, ngày 8/5/1945 Đức Quốc xã ký đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh, kết thúc Mặt trận Châu Âu, Liên xô chuyển hướng tấn công về phía Đông, cùng khi Mỹ ném 2 quả bom Nguyên tử có sức công phá ghê gớm, thì ngày 2/9/1945 Nhật phải ký đầu hàng lập tức trên chiến hạm Hoa kỳ Missouri, ấy là:

" ..Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn ..."

"Đoài cung là phương Tây, nước Đức. Chấn cung là phương Đông, nước Nhật, thế thì Đức bị gục thì Nhật cũng "..sa ngay!", thua ngay, đúng và hay ngoài sức tưởng tượng của con người.
Lại đọc:

".. Đầu Can Võ tướng ra binh
Chắc là Thiên hạ Thái bình âu ca ..."

"Liên hệ tới việc năm Giáp Thân thành lập Quân đội. Chữ Giáp đứng đầu Thập Thiên Can, chữ Võ ám chỉ về võ bị cũng là VÕ đại tướng. Ở đây có một "ẩn ý" mà sau này các cháu sẽ hiểu nhằm vào hai chữ "chắc là...". Tại sao lại viết "chắc là?"... sâu sắc lắm đấy...!? liên quan đến thời cuộc, mươi năm nữa thì mới rõ... các cháu nhé!
"Lại đọc:

"Xem tượng Trời biết đường đời trị
ngẫm về sau họ Lý xua nên,
dòng nhà dễ thấy dấu truyền,
ngẫm xem bốn biển còn in đời đời.."

"Ấy là thời kỳ Đất nước ta thi hành chính sách bao cấp, kéo dài suốt cả chặng đường quen gọi là "Thời kỳ quá độ". Đói kém, cấm chợ, ngăn sông, trong một nước mà Thái bình, Hải hưng có gạo ăn, còn dân Thành phố Hải phòng lại chịu đói không mua được, nạn tem phiếu, chui lủi, hàng hóa bị cấm lưu thông. Năm 1983 -1989 nhiều nơi nông dân đã bỏ cả mùa màng chẳng gặt hái, nhiều gia đình di tản ra nước ngoài. Thế giới thì Liên xô đang biến động, cải tổ, cải cách dân chủ, đa nguyên...
"Năm 1990 -1991 cơ chế khoán nông nghiệp ra đời, bấy giờ Tổng bí thư NGUYỄN VĂN LINH chủ trương chuyển hướng sang kinh tế thị trường "nói và làm", " đổi mới tư duy(!)", mở ra con đường thoát cho xã hội, bây giờ ai cũng nhớ ơn. Duy có một lần, ông của cháu giúp một bà lão ở Hàng kênh sửa lại ngôi Từ đường dòng họ Nguyễn Xuân ở Bần (Hưng Yên), mới biết ông Linh cũng là người họ này, mà gốc lại là Lý Công (bà lão cho ông biết phả tịch còn nguyên phả bằng da dê viết cháu nhé!). Thật là kỳ ngộ, ông nghĩ ngay đến mấy câu Sấm trên...
"Thế là ông Linh đã “xua” cả mọi người sang một hướng mới, nền Kinh tế Thị trường thông thoáng, phát triển mãi đến ngày nay, mà hai chữ "xua nên..", tưởng câm và vô nghĩa, thì bây giờ sáng rõ biết nhường nào, liên tưởng càng hiểu thêm những câu Sấm khác:

"Dê đi Dê lại tuồn luồn,
đàn đi nó cũng một muôn phù trì..."

"Con người như "dê đàn"... bị quyền lực xua đuổi là thế! Tính "dê đàn" còn biểu hiện ở "tính dân tộc" ghê gớm lắm! Con đầu đàn bảo húc là húc! nhiều lúc phi cảm tính, phi nhân tính là đằng khác... Thậm chí kẻ có quyền "xua cả đàn dê"- một dân tộc đi xâm lăng một đất nước, mà "dê đàn" cứ "tuồn luồn" phù trì cho nhau... mù mịt cả đạo lý, chân lý... các thức giả xưa nhầm lẫn cho rằng "dê là dương" chỉ người tây dương... nên sự hiểu lẫn lộn, nhiều chỗ không lý giải nổi lời Sấm... (ví như câu Sấm: "phụ nguyên chính thống hẳn hoi, tin dê lại mắc phải mồi đàn dê" thì các cụ chịu không sao lý được)
-Ui! cha cha... đọc Sấm Trạng biết bao kỳ lạ, bí hiểm ông nhỉ, bàn mãi không hết ấy chứ. Thì Trạng đã viết "..Giành cho con cháu nghiệm bàn!.", mình là hậu sinh, nghiệm được thì bàn, bàn được để mà nghiệm...
-Ôi, nghe ông giảng... sướng thật cái gì cháu cũng thấy nghiệm hết!...
"Thì Ngài viết "..Thấy Sấm từ nay chép vào, một may tơ hào chẳng dám sai ngoa.." đấy thôi! chẳng có điều gì ngoa ngoắt cả, cháu thấy chưa...
-Hệt như Thần thoại, thích thật, ông kể tiếp đi....
*
"Ừ!.. Bây giờ ông kể một đoạn ứng với thời nay để xem chơi nhé. Đó là năm Tân Tỵ 2001, một sự kiện kinh hoàng xảy ra tại nước Mỹ. Ngày 11/09, lúc 9h 39 phút giờ Việt Nam- hai tòa tháp Trụ sở Thương mại Thế giới ở New York bị đánh sập, nhớ lại Sấm có đoạn:

"Bò men lên núi Vu sơn,
thừa cơ mới nổi một phen phục thù.
Ấy là những binh phù thui thủi,
lòng Trời xui ai dễ biết đâu.."

"Theo dòng Thời sự, năm 1989 sau khi Liên xô rút hết quân đội ra khỏi Afganistan, chính thể Cộng hòa Dân chủ do Brak Cacmal đứng đầu, vốn là chính quyền cộng sản được thành lập 1978-1979 (mệnh danh là CM tháng Tư) bằng sự hậu thuẫn của Liên Xô khi ấy- giờ thì sụp đổ. Phe Taliban thắng thế, họ là những người Hồi giáo cực đoan, dựa vào vũ khí viện trợ của Mỹ... giải phóng Afganistan... Sau khi thành lập chính quyền, Taliban tập hợp phe cánh và kêu gọi:
"..Hỡi Thần dân đạo Hồi , hãy trở về quê nhà cùng nhau xây dựng một đạo Hồi chính thống !..".
"Thế là rất nhiều tín đồ Hồi người Afganistan trên khắp Thế giới lần lượt quay về, họ phải chạy ly hương vì nạn cộng sản thời Brak Carkman... Những kẻ Hồi giáo cực đoan lúc này thẳng tay tiêu diệt các Tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên chúa giáo... Tại sao vậy? tại vì trong giáo lý đạo Hồi cực đoan, họ coi các tôn giáo khác là tà đạo, lại cực đoan hơn nữa là coi những người theo các tôn giáo khác hay bất kể... cả những người không theo tôn giáo nào, cũng đều bị coi là kẻ thù... và họ cho rằng họ cần phải tiêu diệt hết kẻ thù... Họ lại chủ trương thống nhất thế giới bằng đạo Hồi! Rõ là một giáo lý thực sự nguy hiểm... không khác mấy chủ trương thống nhất tư tưởng "kim chỉ nam" của cộng sản?... Và mặc cho Liên hiệp Quốc phản đối, năm 2001 Taliban đã bắn đại bác phá hủy Thánh đường Đạo Phật ở Baiyanmi, có bức tượng Phật lớn nhất, ngàn năm tuổi, được xem là Di sản Văn hóa thế giới, một bảo vật lừng danh. Taliban cũng tiêu diệt không thương tiếc những người Thiên chúa, phái này coi Mỹ là kẻ thù chính trong việc chia rẽ đạo Hồi thành nhiều Quốc gia, dân tộc; bởi độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, đa nguyên, dân quyền là cốt lõi nền Chính trị nước Mỹ, cũng là con đường văn minh của loài người. Trước kia họ đã lợi dụng Mỹ để nắm quyền, còn bây giờ họ quay sang khủng bố nước Mỹ, coi Mỹ là vật cản trong việc thống nhất đạo Hồi toàn thế giới. Đạo quân "cảm tử", mà Sấm gọi là "binh phù thui thủi" đã làm cái việc ghê gớm ấy. Vu Sơn ở lưng chừng dãy Hymalaya, bốn mùa mây phủ, nằm về hướng tây nước ta, các cụ tổ tiên ta xưa nay vẫn coi nơi ấy là nơi Tiên, Thánh ở- hay chính là Baiyanmi, nơi bức tượng Phật ngàn năm tọa lạc mà Taliban phá hủy vào tháng 3/2001?.
-Ôi đúng qua ông nhỉ, nhưng tại sao gọi là "Binh phù thui thủi.." hả ông?
"Thì cháu xem, quân khủng bố là những kẻ: "Tử vì Đạo", được huấn luyện tự chế được mìn... họ trà trộn đi khắp nơi, rất khó bị phát hiện, bất ngờ" nổ cái đùng ", và cùng chết luôn, không để lại dấu vết gì, thật là nguy hiểm, thật là thui thủi chưa. Nhưng Sấm Trạng bảo "lòng Trời xui" nên, thì Huyền bí, kỳ lạ biết chừng nào.?.
"Có điều tài giỏi và thú vị bất ngờ là hai chữ "Bò men". Rất ít người biết nền sản xuất Nông nghiệp của những người Hồi giáo Afganistan là dựa vào chăn nuôi, mà nuôi bò là chủ yếu. Họ di tản khắp Thế giới, thì nay họ về cũng từ khắp Thế giới, đất nước của họ ở lưng chừng trời, trở về quê hương họ phải vượt núi băng rừng, men theo các dãy núi cao ngất... Không thể hiểu nổi Trạng đã mô tả thật tài tình hình ảnh ấy. "Bò men lên núi...". Vậy là hình ảnh của những kẻ khủng bố đã được Trạng Trình nhìn thấy được cách ngày nay hàng mấy trăm năm. Địa điểm, sự kiện, hình ảnh, trạng thái, nguồn gốc một thời kỳ mà quân khủng bố xuất phát, từ 2001 cho đến nay vẫn còn đang khủng bố đấy..!
-Ông kể nghe không khác gì chuyện cổ tích, đúng là gành Hậu thế để xem chơi ...nếu không nghe ông thì cháu đọc chẳng hiểu gì cả ông ạ ...hay thật ....
*
"Đêm đã về khuya, mà đứa cháu nhỏ vẫn không thèm buồn ngủ, nó vẫn mở mắt thao láo nhìn tôi đòi kể nữa. Thời gian là cái gì xa lắc hay gần gũi, với tôi và đứa cháu nhỏ... thì chỉ như mới hôm qua, hôm nay, và Trạng Trình như đang khuyến khích, xem chơi đi, một mảy may tơ hào chẳng dám sai ngoa... cánh cửa Tạo Hóa đóng rồi lại mở đấy... cuộc tàn rồi khắc biết... dở hay bởi tự lòng người cả! , kia này cháu chắt, đám hậu sinh của ta...!
"Nghĩ đi là thế, nghĩ lại thì tất cả những người dân Việt đều đã là hậu sinh của Trạng Trình rồi, phục tài Ngài, tôn vinh Ngài, mà chưa chắc đã tin tưởng ở điều Ngài nói ra hay Ngài viết ra, nhớ lời Ngài cũng cứ xem chơi... Nhưng càng xem chơi, càng cảm thấy hình như mình bỏ sót mất quá nhiều trí thức tuệ giác của Ông Cha để lại, hoặc điều gì đó ta chưa hiểu ra... và cũng chưa hiểu hết tài của Trạng!.
"Trạng Trình là bậc kỳ tài, có thể ví như Trương Tử Phòng ở thời Tây Hán; Khổng Minh ở thời Tam Quốc: Thiệu Nghiêu Phu thời Tống, Lưu Bá Ôn thời Minh bên Tàu, đó là những bậc anh kiệt, rực rỡ vào thời Khí Dương sinh chất ngất. Trạng Trình gồm đủ, mặt khác Ngài còn cả Tuệ giác thông Thiên, hiểu theo các cụ ngày xưa là giao tiếp được với cả Thánh, Thần. Những bậc thức giả các thời cũng không rõ nhờ đâu mà Ngài có tài lạ vậy. Theo cách hiểu thông thường thì Trạng Trình từ nhỏ đã là tuyệt giác thông minh. Rằng làng Trung Am - Cổ Am có Thần đồng Nguyễn Tất Đạt, một tuổi đã biết nói, ba, bốn tuổi đã đọc làu làu Kinh Thư, Kinh Thi, lớn lên theo học thày Bảng Nhã Lương Đắc Bằng, một Trung Thần phụ Quốc cương trực triều Lê, đã có lần đi Sứ sang Trung Quốc, về tới địa đầu Nam Ải, được biếu sách lạ của Tiên ông, rồi truyền lại cho Trạng.
"Trong dân gian vẫn lưu truyền như Thần thoại về trí tuệ tài năng của Ngài. các cụ xưa kể lại, sách lạ mà Thày Lương cho, sau khi đọc xong, có thể hiểu biết hết mọi lẽ Huyền thông của Trời Đất, song còn không ít băn khoăn, nên hàng ngày, Ngài lặng lẽ buông câu tại Điếu Ngư lầu, bên dòng Tuyết giang, còn có tên gọi là Bến Hàn, bến đò Tăng Thịnh. Cũng có khi Trạng ngồi trên chiếc thuyền câu ngao du trên dòng sông lạnh, xa dần ra cửa Nam Hải thuộc Đông Dương Đại Hải dăm ba bữa, nửa tháng mới thấy Ngài trở về... có người nói Ngài được các bậc Đại Tiên mời đi uống rượu ở vườn đào ngoài bể khơi Long phủ để đàm luận việc đời trên bốn cõi Thế gian...
"Ngày qua tháng lại, vào một đêm trăng sáng, tiết Đông chí, Trạng ngồi buông câu như thường lệ, mặt sông lấp lánh ánh bạc. Từ ngoài khơi bể Nam Hải, có một chiếc thuyền câu giăng buồm nhẹ lướt, nhằm Điếu Ngư lầu hướng tới. Bấy giờ, khắp cả vùng Trấn Dương đều mênh mông là biển cả. Khi thuyền ghé mạn, nhìn thấy dưới thuyền có hai Tiểu đồng, tóc để trái đào, đồng phục áo cổ bồng, cầm chèo. Một ông già râu tóc bạc phơ, áo cánh Hạc thụng màu xám, đai chàm thô, tay cầm gậy trúc Trường Thiên đầu Rồng, nạm bạc, khoan thai bước lên. Trông nhận ra ông già trong giấc mộng, Trạng Trình vội đứng lên ra khỏi lầu tiếp đón. Hai ông già thi lễ mỗi người xá nhau một lần, rồi tươi cười, hình như đã quen biết nhau từ lâu, dắt nhau vào Điếu Ngư lầu. Trạng mời ông già cùng ngồi xuống chiếc chiếu cói mộc trải sẵn trên nền đất, vuông vức, xung quanh còn vương mấy đám cỏ gà thâm thẫm nhưng sạch sẽ. Giữa chiếc chiếu đã có sẵn một tích nước trà xanh hãm theo lối cổ truyền, ủ trong cái giành tre nhỏ được đan rất khéo. Trạng rất vui, rót trà mời khách bằng những chiếc bát sành màu nâu thô. Hai ông già râu tóc đều bạc phơ, ngồi nói chuyện trong Điếu Ngư lầu, dưới ánh trăng chênh chếch như hai vị Thần Tiên. Bốn mặt trông ra là sóng nước và ánh trăng huyền ảo với hương trà hương biển, thoảng chút thơm ngầm. Chiếc đèn lồng nhỏ chịu gió, đốt bằng dầu lạc, treo một góc lầu cũng đủ sáng mọi vật, sách, bút và cái tráp đựng. Trò chuyện hàn huyên một hồi, sau vài tuần trà, thấy Trạng cầm bút viết cái gì đó rồi đặt bút xuống, hai tay chắp lại Ngài nói:
-Thưa Lão Đại Tiên, hôm nay tại hạ có may mắn được chỉ giáo vài điều gì chăng?". Lão Đại Tiên đáp:
-Kẻ ẩn này được biết đại nhân có đôi điều băn khoăn... lại tiện đường ghé thăm, nên có mang theo cuốn "Quái Luận Kỳ Ngôn" từ thời Hiên Viên Hoàng Đế, đại nhân đọc xong khắc rõ, chính là "Thiên Luân Pháp Đồ quyết đoán", người xem phải luôn luôn thu mình về Thái cực để nhận rõ trục Thiên trụ, lại phải tung mình ra như mù, như mây, như không còn Tuệ thức giác tha... mà chỉ có hóa suy... khắc nghe rõ những âm thanh của chín tầng Trời, khắc nhìn rõ bóng đen của mười tầng Địa ngục... chớ nệ vào thuyết ngôn, mong giải tỏa những điều băn khoăn ấy. Trạng Trình vội chắp tay phục bái nói:
-Thật cảm phiền Lão Đại Tiên!. Lão Đại Tiên vội xua tay:
-Không cần đa lễ "Dương Minh Vận Thuyết" trong Đạo gia cả mà. Ôi một cõi Nam phương đầy lửa khói..!.
Thấy Đại Tiên ghé tai Trạng nói điều gì đó rồi vẫy gọi Tiểu đồng bưng lên một cái tráp gỗ mộc cũ kỹ đặt trước mặt hai người, đoạn đứng dậy từ biệt. Trạng Trình tươi cười đứng lên theo, tiễn bạn xuống tận mạn thuyền. Khi chiếc thuyền quay quay mấy vòng, làm ánh trăng tung tóe, hai người còn nghiêng mình xá nhau hai lần nữa. mãi tới lúc cánh buồm giương lên, thuận gió, chiếc thuyền câu nhỏ xíu, như con cá bạc vút đi, lẫn dần vào đêm trăng lạnh, Trạng mới quay lại Điếu Ngư lầu. Ngài mở tráp lấy sách ra đọc cho đến tận sáng .
....Đêm ấy, dân làng Trung Am - Cổ Am ngạc nhiên khi nhìn ra bến đò Tăng Thịnh, thấy một dải Tuyết giang đầy hào quang chụm lại như cái tháp lớn tại Điếu Ngư Lầu, sừng sững vươn tận không trung. Từ dạo ấy, ánh đèn dầu lạc ở Bạch Vân Am đêm đêm thắp sáng, và Trạng Trình cặm cụi ngồi viết quyển Sấm ký nổi tiếng truyền mãi... cho đến tận ngày nay./.


-------------------------------------------------------------------------------(*PVH)
***


(Hải phòng 11/2003- Bí mật tri nghiệm Sấm Trạng Trình- KTS Phạm Vũ Hội- viết, khảo cứu- Đã tải trên Dienbatn blog và đăng ở TC Cửa Biển HP tháng 5-2002- bản này có sửa chữa bổ xung)


Tài liệu tham khảo: Kinh Dịch (Ngô Tất Tố- Nhà XB Văn Nghệ Sài Gòn XB1992); Thái Ất Thần Kinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiên (nhà XB- VHDT Hà Nội 1996); Giai thoại Sấm Ký Trạng Trình (Phạm Đan Quế biên soạn- Nhà XB Văn Nghệ Sài Gòn1994); Sấm Ký Trạng Trình- (nhà XB Đại La 1945); Khổng Minh (Mã Nguyên Lương- Lê Xuân Mai); Hán Học Danh Ngôn (Triệu Anh Dung- biên soạn- Nhà XB Đồng-Nai-1999); Trang Tử; Lão Tử- Đạo Đức Kinh (Thu Giang Nguyễn Duy Cần- Nhà XB Văn học 1991);Tài liệu tham khảo đặc biệt- VN-TTX (1978-2011); Sưu Tập Sấm Ký (Tự Sưu tầm).. Truyền ngôn- Thoại tích và nhiều tài liệu khác!./
-----------------------------------------