Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Tri nghiệm Sấm Ký Trạng Trình- Lý học Càn Khôn- Chiêm thời...

HƯ THỰC MUÔN ĐỜI
(Hay chuyện kể về Sấm Trạng Trình)


Truyện 1.
----------------------------------------------------------------------------KTS.PHẠM VŨ HỘI
***


"...Lầu hán trăng lên ngẫm sự đời .....


Bí truyền con cháu.....


Giành Hậu Thế xem chơi ...."


TRẠNG TRÌNH Nguyễn Bỉnh Khiêm
(1491 - 1586).
-----------------------------------------------------*(PVH)
*


....Tôi đến nhiều lần và lần này tôi ngoan ngoãn như một con chó cún , ngồi xuống chiếc ghế cạnh ông, nghe ông kể chuyện về Trạng Trình. Với tôi, ông là người thực, lại cũng là ông già Thần thọai, bằng những chuyện Huyền thọai về một bậc Tiên tri kỳ tài... bây giờ tôi chỉ nhắc lại câu chuyện mà ông đã kể ....
...Từ thời các cụ còn sống... chỉ nhớ lúc nhỏ, thường được nghe mẹ ru một bài ru rất dài:

"...Lời mẹ dạy con ở ngay thẳng
Hỡi con ơi cố gắng con làm...
một mai trời biển nước Nam
mẹ nguyên thánh mẫu con đàn thần tôn
mẹ đã thiêng con lại khôn
hãy còn nùng thủy hãy còn nhị lư
mẹ cầm kỳ con thi thư
long vân đắc ý thủy ngư đắc tình
sinh sinh thịnh thịnh sinh sinh
một câu tuế nguyệt linh đình mẹ con
...mẹ ru chưa hết hãy còn
Gương trời gặt gió dập dồn bước chân
Ngày ngày tháng tháng năm năm
Mong con thiên tử cứu hằng sinh linh..."


...Tôi mang máng đó là một bài thơ rất cổ. Sáu, bảy tuổi lại được nghe ông nội, cùng các cụ già trong xóm thợ kể về các bậc Khoa cử, đại danh Nho nức tiếng, những nhân vật như Trạng Quỳnh, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương... Thích nhất vẫn là chuyện Trạng Trình người có tài tiên tri... Các cụ thường tâm đắc với nòi giống con Lạc cháu Hồng, con Rồng - Cháu Tiên, những câu:

"Nước non từ thủơ Hồng Bàng
Bể dâu cuộc thế giang san đổi vần ...
Nước Nam thường có Thánh tài
Sơn hà vững đặt mấy ai tỏ tường..."

Các cụ bảo đấy là Sấm dạy... Bây giờ, sống ngay trên quê hương Trạng Trình, đọc thêm những tài liệu trong dân gian, tôi đã cố khái quát, tìm hiểu về Người...

*

...Trước mặt tôi là đứa cháu đích tôn đang đòi ông kể chuyện Trạng Trình. Tôi đã ở tuổi như ông tôi ngày xưa, mái đầu đã bạc như ông tôi ngày xưa, những câu chuyện tôi kể, cháu tôi cũng thích nghe như ngày xưa tôi thích.
-Làm thế nào mà Trạng lại giỏi thế hả ông, bây giờ còn có Trạng không ông?
...Còn nhớ các cụ đã kể rằng để nước Nam ta mãi mãi có Trạng, lúc lâm chung Trạng dặn người nhà khi đặt ông vào quan tài phải đặt nằm sấp, đậy nắp quan tài lại rồi cứ thế mà an táng.
-Sao lại phải làm thế ạ?
Tôi cũng đã hỏi ông tôi ngày xưa như vậy...
"Ừ, để nhỡ có bọn Phù thủy - Địa lý nào muốn triệt hạ ngước Nam, trấn yểm Long mạch mà quan tài bị xoay... thì nước Nam ta mới không bị mất hết người tài".
-Nhưng có còn Trạng không ạ ?
"Dĩ nhiên còn Trạng chứ!" - "Nước Nam thường có Thánh tài, mỗi Đời có một tôi ngoan"...mà cháu.
Bây giờ tôi cũng trả lời cháu tôi như ông tôi trả lời tôi ngày xưa...
*

...Lịch sử nước Nam trải qua bao thay đổi thăng trầm từ thuở Hồng Bàng có đến 4.000 năm để lại nhiều dấu ấn của con Rồng - Cháu Tiên. Câu chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một cái bọc Trăm trứng, nở ra một trăm người con trai, rồi chia nhau lên rừng, xuống biển trấn giữ bờ cõi, người Việt Nam già trẻ ai cũng thuộc làu.
-Cháu vẫn nhớ cái bọc trứng ấy.
"Đấy là Truyền thuyết cháu ạ, gốc tích cả đấy! Phong thủy nước Nam, một vùng khí hậu khắc nghiệt thuộc Quý phương...
-Quý phương là gì ạ ?
"Ừ thì là Can cuối của Thập Thiên Can, theo Ngũ hành là nằm ở cung Tốn, nên nước ta lắm tai ách lắm.
-Sao lại thế..?
"Thì các cụ vẫn dạy thế!"
-Ông nói gì cháu chẳng hiểu...
"Hượm, từ từ nào... nhưng đã sản sinh ra nhiều bậc anh tài hào kiệt như Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...
-Có cả Trạng Lợn và cụ Tả Ao nữa...!
"Ừ... có có, có! nhiều lắm, một trong những bậc Đại danh hào ấy ở vào thế kỷ thứ 16 (XVI), là Tuyết Giang Phu tử Trạng Trình. Ngài học rộng, tài cao, xuất khẩu thành chương, thông thạo Thư thi, Lý số mà như người xưa vẫn nói có tài Kinh Bang Tế Thế, tá túc Quân Vương.
-Cháu cũng thích Xuất khẩu thành chương...
"Thì phải cố học, mà học như Trạng Trình ấy, lại gồm đủ Đức, Hạnh thông Thiền. Đương thời tiếng tăm Trạng Trình lừng lẫy khắp Thiên hạ, vượt xa ngoài cõi, người Bắc, tức người Tàu còn phải kính phục. Học trò bốn phương theo rất đông, theo Ngài học chữ Thánh hiền để ra giúp dân, giúp nước. Chẳng cứ hạng bạch đinh, tức là những người nghèo, mà ngay cả Quan gia quyền thế tận bên Tàu (danh từ dân ta gọi người Trung Hoa xưa) cũng thường xin cầu kiến Ngài, để được thụ giáo vấn đáp về họa phúc tương lai mà biết đường khu xử. Đặc biệt Ngài có tài Tiên tri...
-Giá cháu cũng biết Tiên tri ông nhỉ..!
"Hừ, phải là người Trời. Theo truyền thuyết, Ngài viết quyển Sấm ký, mà người đời gọi là "Sấm ký Trạng Trình", nêu những biến cố Lịch sử sẽ xảy ra sau Ngài tới 500 năm.
-Khiếp thật, cứ như là ông Khổng Minh ấy...
"Thì có khác gì, cháu nên biết rằng chưa có ai đó... và cũng rất khó có tài liệu... gọi là Khoa học nào giải thích... cháu hiểu chưa?. Ngài trước tác "Thái Ất Thần Kinh" dùng để xem vận số của Trời- Đất và mệnh hệ con người, có chút hư ảo như mực lý Hô phong hoán vũ dùng trong Bát Trận đồ. Quyển sách này được xuất bản năm 2001 do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành.
-Cháu biết ông đã mua một quyển, ước gì cháu hiểu được quyển sách ấy...
"Cháu chưa hiểu được đâu, trong dân gian vẫn kháo nhau nhiều sự việc diễn ra đúng như lời Sấm. Điều này được Trạng Trình viết bằng mấy câu :

"Trên Trời cũng đã có bia
bởi học chẳng biết hóa suy chẳng tường...
.....Kể từ nhân doãn mà đi
số chưa gặp thì biết hóa chép ra ..."

"Là Ngài nói mọi việc ở trên đời đã có ghi ở sách Trời, cho dễ hiểu, đây Trạng gọi là "đã có bia", là cái ý mọi việc xảy ra ở trần gian này, trên bề mặt trái đất này, đã được trời định sẵn, hiểu chưa nào? đạo Âm- Dương xoay chuyển, người ta học mà không rõ về cái sự: "Hoá", "Biết"- tức là sự nhận thức và suy xét, để rồi sự "biết" cứ cồ cộ, đứng góc này thì phủ nhận góc khác... thì chẳng rành mạch vậy. Đối với Đức Trạng kể từ khi nhận thức được nguyên nhân, kết quả- "Nhân doãn- 因椽- tức nhân duyên", biết suy hóa... nên Ngài chép ra, ấy là Ngài chép theo sự thâm hiểu, theo khả năng Thông Thiền hiếm có, trong điều kiện Ngài không gặp Thời phải về ở ẩn tại quê nhà.
-Trạng giỏi thế mà sao lại ở ẩn ông nhỉ..?
"Thì các cụ theo "Đạo Quân tử- 道君子" cháu ạ, tức là người có hiểu biết, nhân thiện thương người, có tài có đức... ắt phải biết thì vận "Đắc thời thì đi xe, không đắc thời thì đội nón lá, chân đất là chuyện bình thường..." Ấy là ông Lão tử dạy...
-Thế nào là đắc thời hả ông..?
"Chà... thế này nhé, cái Thời thế do Trời định đoạt là một này, còn cái đạo đức chủ quan của con người là hai này, phù hợp với nhau thì người có tài được tôn trọng, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho dân- là đắc thời, bằng không là không đắc thời, cháu hiểu chưa..?
-Làm thế nào biết được ạ..?
"Thế mới phải học, sau này cháu sẽ hiểu...
...Ngài ưa nhàn dật, bởi thời Ngài- là thời loạn, muốn đem tài ra giúp nước mà chẳng được.
-Thế nào là loạn hả ông..?
"Cứ đánh nhau liên miên, nhũng nhiễu ức hiếp dân, luật lệ trói buộc trăm họ, không phân quyền chia quyền cho dân chúng, cứ tập trung quyền lực vào tay nhà nước, mà thực chất chỉ nằm trong tay một nhúm người như Sấm viết "châu châu ngọc ngọc của chung, được thời mọi của đều cùng về tay"... lại chỉ ưa bạo lực... luật pháp hành pháp ngược với trí tuệ đường đi của nhân thế... thay đổi, lạm quyền... là loạn cháu ạ...
"Sau này, người đời hiểu theo cách truyền thống, đánh giá Trạng là bậc tôi hiền nhưng không gặp được Minh chủ.
-Như ông Khổng Minh giỏi thế phò Lưu Thiện là chúa ngu đần sao không về ở ẩn ông nhỉ ?
"Ừ... vì ông Khổng Minh đã hứa với ông Lưu Bị, chứ ông ấy biết thừa chẳng thể nào khôi phục lại nhà Hán, đem lại thái bình được, nên ông ấy than "Vô lực hồi Thiên, cúc cung tận tụy- 無力回天鞠躬盡瘁 - tức không thể có sức lực nào thay đổi được số trời, dù ta gắng gỏi tận tâm hết mức..." đấy thôi..!
-Thế Thái bình là gì ạ..?..
"Thái bình là xã hội Thái bình, không đánh đấm, giết chóc nhau, đất nước êm đềm, yên ả, điều hòa như cỗ máy thêu, máy dệt... không phải cứ hò hét thay đổi xoành xoạch, cờ quạt phông màn, gióng trống khua chiêng, phong trào vận động... quyên góp mà như là bòn rút của nả... cẫng lên cả ngày, sao gọi là Thái bình, cháu hiểu chưa..? Đức Trạng Trình cũng biết, sau Ngài là loạn lạc kéo dài và Ngài đã viết:

"Lẽ sinh ra Thánh nghìn tài
lại sinh (chẳng may..!) toàn lũ Quỷ , ma nhà Trời ...
nguyên văn:
"hợp đà thay thánh ngàn tài
giáng sinh rủi kiếp quỷ má nhà trời..!

-Sao Trạng Trình biết toàn Quỷ, ma ông nhỉ, khiếp thật đấy..!
"Ừừ..! hẳn, Ngài là người Trời, là Ngài chiêm thấy Thời mà con người ưa bạo lực, không tin có Hoạ, Phúc, Thánh, Thần, nên Ngài viết thế. Còn theo Chu dịch cổ thư các cụ dạy thì là Âm Thịnh - Dương suy... Vật chất, Kỹ nghệ cứ đua nhau, sao nhãng quên đi lễ nghĩa... là Âm thịnh đấy, thành thử chiến tranh cứ liên miên.
-Vì vậy mà Trạng ở ẩn để đọc sách ông nhỉ!.
"Thế là cháu hiểu đấy, có lẽ Ngài còn chịu ảnh hưởng của triết học Lão tử, chủ trương không can thiệp vào vạn vật của Thế gian, bản thân con người phải biết nhường, biết đủ, không duy ý chí "Đa ngôn sổ cùng - Bất như thủ trung- 多言數窮不如守中", tạm hiểu là "nói mãi cũng không hết, thà để sự việc tự nó thi hành - Đạo trung đứng ngoài", hoặc ảnh hưởng của Trang tử theo tự nhiên, tự do, tự tại giữ Đạo "Vạn vật thù lý . Đạo bất tư- 萬物殊理道不私", tạm hiểu là "Lý theo vật, Đạo vốn chỉ một không riêng rẽ", nghĩa là cái "lý" thường theo vật phát triển mà xem xét đoán định, nhiều khi nhầm lẫn do con người nhìn nhận ở các góc độ khác nhau, còn đạo trời theo "khí hạo nhiên-氣浩然" ta thường gọi là Đạo Lớn!, nó có gốc rễ bao quát cả vũ trụ, cứ bát quái ngũ hành... khảm lưu- cấn chỉ... các sinh linh có thể tìm hiểu... chứ không thể nào tác động gì đó... vào cái mênh mông của vũ trụ được, do vậy suy ra "bất tư"- không riêng- tức chỉ một mà thôi!.. Nắm cái gốc... hiểu suốt muôn vật, mà bản thân Trạng thì chí Thiện, không muốn tham gia phe phái để tranh giành. Cho nên chỉ làm Quan 8 năm là Ngài xin về ở ẩn... Chuyện kể rằng Trạng dâng sớ xin chém 18 lộng thần không được Vua Mạc chấp nhận mà Ngài về, hẳn cũng là một cái cớ để quy nhàn...
-Nhưng nhiều khi Vua Mạc mời Trạng lên Kinh đô, theo truyền thọai, Ngài vẫn đi đấy thôi.
"Thì cưỡng sao được hả cháu, cũng còn quan sát tượng Trời, tượng Đất, làm rõ cái sở học của mình cháu ạ. Ngài viết:

"Thanh nhàn vô sự là Tiên
Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi
Cơ Tạo hóa , phép đổi đời
đầu non mây khói phủ, mặt nước cánh buồm trôi...
Hươu Tần mặc kệ ai xua đuổi.
Lầu Hán trông lên ngẫm mệnh Trời
Tuổi già thua kém bạn, Văn chương gửi lại Đời...
Dở hay nên tự lòng người cả.
Bút nghiên soi hoa chép mấy lời
Bí truyền cho con cháu, dành Hậu thế để xem chơi"..

Đó là cảm đề trong tập "Sấm ký" giúp cho mọi người hiểu Nhân sinh quan, Thế giới quan của Ngài. Với ý tứ rất tự tin, Ngài viết cốt chỉ để "Bí truyền", nghĩa là không công khai. Vậy thì chỉ ai đó biết mà chiêm nghiệm, cụ thể là con cháu trong nhà. Rộng ra đời sau, các thế hệ con cháu bởi hiểu từ câu "dành hậu thế". Ngài cũng viết :

"...so mấy lời để tàng kim quỹ
chờ hậu lai có chí sẽ cho ..."

-Nghĩa là bí truyền cho hậu thế, người thích học tập năng động suy nghĩ về thời cuộc "có chí" giúp dân , giúp nước. Nhưng Ngài cũng nói rõ là "đề tàng" tức để cất đi giữ gìn bảo vệ, đó là "bí truyền". Tại sao lại chỉ là bí truyền thì Ngài cũng giải thích luôn:

"...nói ra thì lộ cơ Trời
trái tai phải luỵ, tài trai khôn luồn...
Nói ra thì vạ đến thân,
đang thời người trị xoay vần được đâu ..."

"Ở vào Thời đại Ngài Thiên cơ bất khả lậu là thế.
-Ôi giá mà mọi người đều biết Sấm Trạng ông nhỉ, tránh được bao nhiêu tai họa...
"Tránh làm sao được hả cháu, Thiên cơ "xuất kỳ bất ý" luôn bất ngờ mà lại..
"Ừ, giá biết cũng tốt hơn, trong Sấm Ngài cũng dặn đấy...

"Hậu sinh thuộc lấy làm lòng
đến khi ngộ biến đường trong giữ mình ..."

"Nhưng vẫn cứ học nhiều, hiểu rộng mới may ra, cháu hiểu chưa?...
"Như vậy Sấn ký viết ra theo chính tác giả phải bí truyền, để tàng, chờ hậu lai có chí, không nên phổ biến.
"Nhưng tại sao Trạng lại viết chỉ để "xem chơi!".
"Thì ta thấy sau khi Ngài qua đời Lịch sử nước Việt nam cho đến nay biết bao nhiêu thăng trầm. Tất cả các sự việc sau Ngài 500 năm mà Ngài đã nhìn thấy:

"Vũng nọ nghe khi thành bãi cát,
doi kia có thuở lút hòn thai ..."

"Sự thể là khi "con tạo" biến hóa, việc Đời đắp đổi, đấy lụt đây bồi, những điều Ngài Tiên tri mách bảo mới vỡ lẽ, nghiệm chung, thì Ngài đã viết:

"Cơ Tạo hóa phép màu khôn tỏ,
cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao!"
đấy thôi!.

"Cuộc tàn rồi thì còn gì để nói. Điều Ngài Tiên tri chẳng giúp gì cho dân chúng hay quan lại quyền chính, chỉ ngã ngũ mới bình phẩm, mà hiểu ra cơ Trời- Vận nước, cũng chỉ tấm tắc phục tài Trạng chứ phỏng có ích gì, cho nên Ngài mới viết "dành hậu Thế để xem chơi.." là vậy. Còn ví rằng có ai đó hiểu được sự mách bảo Thiên cơ như lời Sấm, liệu có thể lo trước được việc gì chăng? Bởi Thiên cơ hành động ngoài ý muốn của con người, theo như thời nay. ai biết trước, thì chẳng khác gì cầm đèn chạy trước ô tô, như mọi người vẫn cảnh cáo. Và Trạng đã viết:

"Khéo chẳng sai tơ hào cũng vậy,
Truyền Hậu thế ai nấy xem cho.
Những người nghiệm được khôn lo"

(Đúng là khôn lo thật..!). "Lại nữa, những người giữ Đạo trung, quan niệm Đời như dòng chảy, có biểu lý Âm - Dương, tuần hoàn Bát quái, Nhân- Quả, Hoạ- Phúc, khắc- sinh, thọ- yểu là lẽ thường, mệnh người như cát bụi, giầu sang phú quý tựa chiêm bao..." Thiên sinh, Thiên sát, Đạo chi lý dã- 天生天殺道之理也"- Trời sinh, Trời diệt, Đạo lý muôn đời vậy..." hiểu lẽ ấy mà chẳng giúp đời được gì, nhìn con người, xã hội cứ đi theo cái lý riêng của nó, vì vậy Ngài mới viết: "dành Hậu Thế để xem chơi ", phải vậy chăng?.
-Đúng quá đi chứ, càng nghe cháu càng thích ông ạ, cứ như cổ tích ấy. Cháu chỉ nghĩ, người nghiệm biết nói ra, người khác chưa chắc đã tin, chẳng có cơ sở nào để tin...
"Vậy đấy, ngày trước, các cụ rất hay đàm đạo về Sấm ký, vừa thấy hay, vừa thấy lo, những câu:

"Quân hùng binh nhuệ đầy khe,
kẻ khoe cứu nước , người khoe trị đời ..."
hoặc:
"Cây bay lá lửa dội ngàn,
một làng còn thấy chim đàn bay ra ..."

...không biết có còn yên ổn mà làm ăn, hay chỉ lo chạy loạn, chao ôi, có người còn bảo rồi sẽ có 10 cô gái vuốt râu ông già kia đấy!. Sấm có câu này:

"ba làng mới có một trâu
mười cô con gái vuốt râu ông lão già.."

-Sao lạ thế ạ? Là ông Tiên hả ông?
"Ôi cháu, các cụ ngỡ chiến tranh thì đàn ông đi đánh nhau hết, quê nhà chỉ còn ông già, bà lão... các cô phải lấy ông già cháu hiểu chưa? mà 10 cô lấy một ông.
-Úi! Í.. ông nói hay thế.
"Ừ... đấy!, sự thực thì hồi cải cách ruộng đất 1955- 1957, quả đúng ba bốn làng mới có 1- 2 con trâu... từ việc đấu tố địa chủ rồi tịch thu tài sản... phân chia quả thực cho làng này làng khác... sự thể có thế! Rồi tới thập niên 70, chiến tranh ác liệt, trai tráng đều nhập ngũ, chỉ còn ông già, bà cả ở nhà canh nông... các cụ ông phải dạy các cô gái đi cày, đi bừa ruộng... theo phong trào "ba đảm đang", các cô phải theo ông già chỉ bảo! mấy ai để ý tới lời Sấm trên... giờ thì vỡ nhẽ... Thấm thoắt dân số nước Nam đã có gần trăm triệu, thế giới đã có gần chục tỷ người, có phải ngược lại là "Thiên sát, Thiên sinh, lý chi vãng phục!-天殺天生理之往復" ấy chứ. Đạo trời cũng luôn có "phục", phải hiểu thêm điều đó... Bây giờ ông cháu mình là hậu sinh, đọc Sấm, suy ngẫm nhiều đoạn chẳng thấy trật đi đấu cả. Ví như:

"cửu củu Càn Khôn dĩ định- 九九乾坤以定,
thanh minh thời tiết hoa tàn- 清明時節花殘,
trực đáo Dương đầu Mã vĩ- 直到羊投馬尾,
Hồ binh bát vạn nhập Tràng an- 胡兵八萬入長安"

"Là số Âm Dương đã định (cửu cửu- 9x9) là 81, tiết Thanh minh, cuối năm ngựa- Giáp Ngọ 1954, đầu năm dê- Ất Mùi 1955, tám vạn Hồ binh vào Tràng An tức Hà nội...(Trước kia người người sợ chết khiếp nghĩ rằng đất Tràng an sẽ có giặc xâm nhập! vì “hồ binh” còn có nghĩa khác nữa là “giặc cỏ!”... “bát vạn” thì như là hình thức lộng ngữ “ba vạn chín nghìn!”)
"Theo dòng thời sự, giai đoạn 1954- 1955; tám Sư đoàn bộ đội Việt minh, theo Chủ tịch Hồ về giải phóng Thủ đô ngày 10-10/1954, đối chiếu với Âm lịch là ngày 14-09 Giáp Ngọ, chỉ 3 ngày nữa là ngày 17-09, Hàn Lộ- chớm Đông; lại biết đến ngày 01-01/1955 mít tinh lớn ở Quảng Trường Ba Đình, chào mừng chính phủ Việt Nam mới... Đối chiếu với lịch Âm là mồng 08-12 Giáp Ngọ, xem lịch bấy giờ thuộc tiết Đông Chí bước sang Tiểu Hàn- đúng là "thời tiết hoa tàn"; rồi tiết Thanh Minh là 13-03- Âm lịch tức mồng 05-04/ 1955 Dương lịch... từ đó suốt suốt ... lúc nào cũng nhộn nhịp công việc... giải giáp- tiếp quản chính quyền từ tay Pháp... tới ngày 13-05/ 1955 tên lính Pháp cuối cùng rời Bến Nghiêng- Đồ Sơn Hải Phòng... Vậy là Pháp chính thức rút hết quân khỏi miền Bắc Việt nam, trên tinh thần Hiệp định Jerneiver...
"Nhẩm tính Pháp nổ súng xâm chiếm nước ta từ 1874- mốc thời gian Pháp đánh Hà Nội- Bắc Kỳ lần thứ nhất... thì đến 13-5/ năm1955 rút khỏi Hải Phòng- tính đúng (9x9) là 81 năm....
"Cái hay ở đây là hai chữ "Trực đáo", đối lại bằng hai sự kiện, kết nối theo thời gain cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi tức "Mã vĩ , Dương đầu", cũng là Vận khí đáo vận, mà khoảng thời gian, không gian khá rộng và dài, nghĩa là từ việc khởi đầu Pháp xâm lược, tới lúc rút đi do bại trận... không thoát khỏi con số "Càn Khôn dĩ định.. (trời đất định sẵn)-. chín chín- tám mốt"... lại suốt Tiết Đông Tàn Hoa tới Thanh Minh... chẳng sai cháu nhé!...
-Thế nào là Vận khí hả ông..?
"Hừ, xem nào, là sự chuyển vận của Trời Đất mà ta gọi là Thiên cơ, máy Trời ấy mà... Các cụ ngày xưa quan niệm máy Trời đóng mở qua cửu cung, quấy đảo động tĩnh qua cửu khiếu (chín lỗ- mắt, tai, mũi, miệng, hậu môn, sinh vật khí), thì Phục...
"Cũng theo "nghiệm số Càn Khôn" ta thấy Gia Long lên ngôi năm 1802 thì đấn năm 1883 hoàn toàn mất quyền về tay giặc Pháp. Liên xô thành lập năm 1917-1922 đến năm 1989 xảy ra biến động sụp đổ, 1998- 2002... trở lại 15 nước truyền thống và SNG thay cho CCCP- tất cả đều đúng số 81- Số Trời định...
-Nhưng có nhiều trường hợp không phải là số 81 thì ông bảo sao nào..?
"Hừ... các cụ ngày xưa giảng thì đó là phép thông biến cháu ạ. "Khảm lưu, Cấn chỉ- 坎流艮止"- trong Chu dịch đấy- mà chí thiện mới giác ngộ thông biến các cháu hiểu không?. Đến đây ta suy nghĩ phục tài Trạng , cũng là để xem chơi (?). Lại có câu:

"Phân phân tòng Bắc khởi-紛紛從北起,
nhiễu nhiễu xuất Đông chinh-擾擾出東,征
Phá Điền Thiên tử xuất-破田天子出,
bất chiến tự nhiên thành-不戰自然成 ".

"Mô tả mảng Vận khí đầy kịch tính suốt từ (1914 - 1918) đến (1940 - 1947). Đó là những biến động của Đại chiến Thế giới lần thứ nhất- "the first World war", dẫn tới việc tranh chấp thuộc địa tại Hội nghị Vesailles tháng 6/1919...

"Một góc thành làm 8 chúng Quỷ ,
đưa một vòng ích kỷ hại nhân ..."

"Tại hội nghị này- 8 cường quốc (1/Áo- Hung, 2/Đức, 3/Nga, 4/Pháp, 5/Anh, 6/Thổ, 7/Nhật, 8/Hoa kỳ) đúng là số "8"... đã không thể thỏa hiệp dẫn tới... hình thành Trục Phát xít .
-Sao Trạng biết là 8 chúng Quỷ ông nhỉ, ôi tài thật!.
"Đó là:

"Đoài phương ong khởi lần lần,
muông sinh 3 góc cầm quân dấy loàn..."

"Đúng là mâu thuẫn giữa tám nước Đế Quốc về phân chia thuộc địa và quyền lợi sau Đại Chiến thứ nhất, “đưa một lònh ích kỷ” dẫn tới 3 nước võ trang Phát xít (1/Đức- 2/Ý- 3/Nhật)- liên kết 3góc chân kiềng- "dấy loàn" muốn chia lại thế giới, gây nên Đại chiến Thế giới thứ hai- "the second World War". Kết quả sử liệu- làm 40 triệu người chết hoặc mất tích, 29 triệu người bị thương, gấp rưỡi Đại chiến trước. Ấy là chưa kể biết bao đô thị, nhà máy, cầu cống, đường xá, làng mạc bị tàn phá. Cháu thấy chưa, lời tiên tri linh diệu về con số lại trùng khít phạm vi không gian, thời gian. Mở màn Đức tấn công phía tây Ba Lan 1939, Liên Xô tấn công phía đông Ba Lan, cùng thôn tính Ba Lan... những nguyên nhân rải rác "phân phân tòng Bắc khởi" ấy là từ phương bắc cứ thế tiếp diễn... Sấm viết rõ:

"Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh- 龍尾蛇頭起戰爭
Can qua xứ xứ khổ đao binh- 干戈處處苦刀兵
Mã đề dương cước anh hùng tận- 馬蹄羊腳英雄盡
Thân dậu niên lai kiến thái bình- 申酉年來見太平"...

"Ấy là bắt đầu từ chiến trường Châu Âu... 1940- 1941- Đức tấn công Liên Xô tức là cuối Canh Thìn- đầu Tân Tỵ- cuối năm con rồng, đầu năm con rắn- Đại Chiến- II- bùng nổ... cả châu Âu bị Đức tấn công, thế giới phải lập mặt trận đồng minh chống Phát Xít... Sau 3 năm Đức bắt đầu thua và tháng 8-1945 phải đầu hàng Đồng minh, cùng thời gian 1940- 1944 Châu Á- Thái Bình Dương phải lâm trận với Phát Xít Nhật... Năm 1945 Đồng Minh tuyên chiến với Nhật và chuyển sang chiến trường châu Á... tức là sau khi Hít le thất thủ, Đồng minh mới tập trung tấn công sang phía Đông, các nước Châu Á- Đông Nam Á thừa cơ chống Phát xít, giành độc lập- như Việt Nam thì làm Cách Mạng Tháng 8-1945, chẳng phải "nhiễu nhiễu xuất Đông chinh" là gì.
"Đúng như Sấm dạy năm 1944 Thân- 1945 Dậu cả Đức Nhật đều đầu hàng vô điều kiên, hòa bình được kiến lập... Đúng quá đi chứ lỵ..!.
-Úi sao tài thế hả ông?
"Ừ... nhiều nước, Chính phủ mới, lâm thời chia ruộng cho dân, thay đổi bờ vùng bờ thửa, thừa cơ loạn lạc... ấy gọi là "phá điền", ta thấy chữ điền "田" bỏ hình vuông còn "nét tung, nét hoành- chữ thập -十", là ám chỉ chiến tranh... tức thị thời thế thay đổi, ấy gọi là "Thiên tử xuất", việc giành Chính quyền bấy giờ như trở bàn tay, ít nổ súng đánh nhau, ấy mới gọi là "bất chiến tự nhiên thành"...
"Vậy là lời Sấm có quy mô cả Thế giới, gắn liền các sự kiện trong nước, hậu sinh người người "xem chơi" một cách thú vị .
-Ông ơi, cháu còn nghe nói Trạng biết cả tiếng bom Nguyên tử nữa đấy, sợ thật đấy!.
"Trạng biết hết cháu ạ!, Ngài viết:

"Thần Kinh Thái Ất suy ra,
để dành con cháu gần xa nghiệm bàn .."

"Giờ thì tha hồ mà bàn cháu nhé!... Biết rằng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Mỹ đã ném 2 quả bom Nguyên tử xuống đất Nhật, một quả xuống Hi-Ro- Si-Ma ngày 6/8/1945, một quả xuống Na-Ka- Za-Ki ngày 9/8/1945, thì Ngài viết:

"...Quốc trung kinh dụng cao không,
giữa năm vả lại hiểm hung mùa màng.
Gà đâu gáy sơm bên tường,
chẳng yêu thì cũng bất tường chẳng không!"

"Ấy là giữa khoảng Trời bao la của một đất nước, một tiếng nổ như sấm sét "Quốc trung kinh dụng cao không!" đấy. Ngay lập tức Nhật xin đầu hàng! Địa cầu giữa năm ấy, mùa màng" hiểm hung..." Nước Nam ta thì 2 triệu người chết đói, "gà đâu gáy sớm ..", tức là năm Ất Dậu- 1945- con gà, sớm báo hiệu chiến tranh kết thúc, niềm vui thật to lớn đấy, nhưng trước hoàn cảnh hoang tàn bởi cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, hay là sự khủng khiếp không thể ngờ của hai Thành phố bị hủy diệt, ngay cả người ném bom cũng không lường trước cho được. Cho nên "chẳng yêu", chẳng tán thành ném bom Nguyên tử, mà “cũng bất tường”, tức không tỏ rõ ý phản đối... Kỳ lạ thay , chính xác thay, Trạng tiên tri sự việc, sự kiện, không gian, thời gian... quả nhiên "giữa năm" theo Dương lịch ngày 06/08/1945 chính là Âm lịch ngày 29/6/ Ất Dậu, còn 09/08/1945 thì Âm lịch là 02/07 Ất Dậu- rõ là chính giữa năm... mà Đức Trạng còn biết trước cả hoàn cảnh dư luận, tâm lý, trạng thái của con người... Thật chỉ có nhà Trời mới biết vanh vách như thế chứ? Bây giờ ông cháu mình hiểu ra ai dám bảo là thêm thêm bớt bớt cho Ngài đây, Sấm Trạng quả có thật còn gì?.
-Ôi , lạy Trời , Sấm ký kinh hoàng khủng khiếp quá ông nhỉ!.
"Thế mới gọi là Trạng chứ cháu !.. Nghe đây "Mở màn Đại chiến Thế giới lần thứ 2, chẳng những Ngài tiên tri một cách chính xác "Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh - Can qua xứ xứ khổ đao binh .." , mà chính xác cả thời gian kết thúc "..Thân , Dâu niên lai kiến Thái bình .." Thú vị hơn nữa là Trạng thái kết thúc, cháu nghe đây, ngày 8/5/1945 Đức Quốc xã ký đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh, kết thúc Mặt trận Châu Âu, Liên xô chuyển hướng tấn công về phía Đông, cùng khi Mỹ ném 2 quả bom Nguyên tử có sức công phá ghê gớm, thì ngày 2/9/1945 Nhật phải ký đầu hàng lập tức trên chiến hạm Hoa kỳ Missouri, ấy là:

" ..Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn ..."

"Đoài cung là phương Tây, nước Đức. Chấn cung là phương Đông, nước Nhật, thế thì Đức bị gục thì Nhật cũng "..sa ngay!", thua ngay, đúng và hay ngoài sức tưởng tượng của con người.
Lại đọc:

".. Đầu Can Võ tướng ra binh
Chắc là Thiên hạ Thái bình âu ca ..."

"Liên hệ tới việc năm Giáp Thân thành lập Quân đội. Chữ Giáp đứng đầu Thập Thiên Can, chữ Võ ám chỉ về võ bị cũng là VÕ đại tướng. Ở đây có một "ẩn ý" mà sau này các cháu sẽ hiểu nhằm vào hai chữ "chắc là...". Tại sao lại viết "chắc là?"... sâu sắc lắm đấy...!? liên quan đến thời cuộc, mươi năm nữa thì mới rõ... các cháu nhé!
"Lại đọc:

"Xem tượng Trời biết đường đời trị
ngẫm về sau họ Lý xua nên,
dòng nhà dễ thấy dấu truyền,
ngẫm xem bốn biển còn in đời đời.."

"Ấy là thời kỳ Đất nước ta thi hành chính sách bao cấp, kéo dài suốt cả chặng đường quen gọi là "Thời kỳ quá độ". Đói kém, cấm chợ, ngăn sông, trong một nước mà Thái bình, Hải hưng có gạo ăn, còn dân Thành phố Hải phòng lại chịu đói không mua được, nạn tem phiếu, chui lủi, hàng hóa bị cấm lưu thông. Năm 1983 -1989 nhiều nơi nông dân đã bỏ cả mùa màng chẳng gặt hái, nhiều gia đình di tản ra nước ngoài. Thế giới thì Liên xô đang biến động, cải tổ, cải cách dân chủ, đa nguyên...
"Năm 1990 -1991 cơ chế khoán nông nghiệp ra đời, bấy giờ Tổng bí thư NGUYỄN VĂN LINH chủ trương chuyển hướng sang kinh tế thị trường "nói và làm", " đổi mới tư duy(!)", mở ra con đường thoát cho xã hội, bây giờ ai cũng nhớ ơn. Duy có một lần, ông của cháu giúp một bà lão ở Hàng kênh sửa lại ngôi Từ đường dòng họ Nguyễn Xuân ở Bần (Hưng Yên), mới biết ông Linh cũng là người họ này, mà gốc lại là Lý Công (bà lão cho ông biết phả tịch còn nguyên phả bằng da dê viết cháu nhé!). Thật là kỳ ngộ, ông nghĩ ngay đến mấy câu Sấm trên...
"Thế là ông Linh đã “xua” cả mọi người sang một hướng mới, nền Kinh tế Thị trường thông thoáng, phát triển mãi đến ngày nay, mà hai chữ "xua nên..", tưởng câm và vô nghĩa, thì bây giờ sáng rõ biết nhường nào, liên tưởng càng hiểu thêm những câu Sấm khác:

"Dê đi Dê lại tuồn luồn,
đàn đi nó cũng một muôn phù trì..."

"Con người như "dê đàn"... bị quyền lực xua đuổi là thế! Tính "dê đàn" còn biểu hiện ở "tính dân tộc" ghê gớm lắm! Con đầu đàn bảo húc là húc! nhiều lúc phi cảm tính, phi nhân tính là đằng khác... Thậm chí kẻ có quyền "xua cả đàn dê"- một dân tộc đi xâm lăng một đất nước, mà "dê đàn" cứ "tuồn luồn" phù trì cho nhau... mù mịt cả đạo lý, chân lý... các thức giả xưa nhầm lẫn cho rằng "dê là dương" chỉ người tây dương... nên sự hiểu lẫn lộn, nhiều chỗ không lý giải nổi lời Sấm... (ví như câu Sấm: "phụ nguyên chính thống hẳn hoi, tin dê lại mắc phải mồi đàn dê" thì các cụ chịu không sao lý được)
-Ui! cha cha... đọc Sấm Trạng biết bao kỳ lạ, bí hiểm ông nhỉ, bàn mãi không hết ấy chứ. Thì Trạng đã viết "..Giành cho con cháu nghiệm bàn!.", mình là hậu sinh, nghiệm được thì bàn, bàn được để mà nghiệm...
-Ôi, nghe ông giảng... sướng thật cái gì cháu cũng thấy nghiệm hết!...
"Thì Ngài viết "..Thấy Sấm từ nay chép vào, một may tơ hào chẳng dám sai ngoa.." đấy thôi! chẳng có điều gì ngoa ngoắt cả, cháu thấy chưa...
-Hệt như Thần thoại, thích thật, ông kể tiếp đi....
*
"Ừ!.. Bây giờ ông kể một đoạn ứng với thời nay để xem chơi nhé. Đó là năm Tân Tỵ 2001, một sự kiện kinh hoàng xảy ra tại nước Mỹ. Ngày 11/09, lúc 9h 39 phút giờ Việt Nam- hai tòa tháp Trụ sở Thương mại Thế giới ở New York bị đánh sập, nhớ lại Sấm có đoạn:

"Bò men lên núi Vu sơn,
thừa cơ mới nổi một phen phục thù.
Ấy là những binh phù thui thủi,
lòng Trời xui ai dễ biết đâu.."

"Theo dòng Thời sự, năm 1989 sau khi Liên xô rút hết quân đội ra khỏi Afganistan, chính thể Cộng hòa Dân chủ do Brak Cacmal đứng đầu, vốn là chính quyền cộng sản được thành lập 1978-1979 (mệnh danh là CM tháng Tư) bằng sự hậu thuẫn của Liên Xô khi ấy- giờ thì sụp đổ. Phe Taliban thắng thế, họ là những người Hồi giáo cực đoan, dựa vào vũ khí viện trợ của Mỹ... giải phóng Afganistan... Sau khi thành lập chính quyền, Taliban tập hợp phe cánh và kêu gọi:
"..Hỡi Thần dân đạo Hồi , hãy trở về quê nhà cùng nhau xây dựng một đạo Hồi chính thống !..".
"Thế là rất nhiều tín đồ Hồi người Afganistan trên khắp Thế giới lần lượt quay về, họ phải chạy ly hương vì nạn cộng sản thời Brak Carkman... Những kẻ Hồi giáo cực đoan lúc này thẳng tay tiêu diệt các Tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên chúa giáo... Tại sao vậy? tại vì trong giáo lý đạo Hồi cực đoan, họ coi các tôn giáo khác là tà đạo, lại cực đoan hơn nữa là coi những người theo các tôn giáo khác hay bất kể... cả những người không theo tôn giáo nào, cũng đều bị coi là kẻ thù... và họ cho rằng họ cần phải tiêu diệt hết kẻ thù... Họ lại chủ trương thống nhất thế giới bằng đạo Hồi! Rõ là một giáo lý thực sự nguy hiểm... không khác mấy chủ trương thống nhất tư tưởng "kim chỉ nam" của cộng sản?... Và mặc cho Liên hiệp Quốc phản đối, năm 2001 Taliban đã bắn đại bác phá hủy Thánh đường Đạo Phật ở Baiyanmi, có bức tượng Phật lớn nhất, ngàn năm tuổi, được xem là Di sản Văn hóa thế giới, một bảo vật lừng danh. Taliban cũng tiêu diệt không thương tiếc những người Thiên chúa, phái này coi Mỹ là kẻ thù chính trong việc chia rẽ đạo Hồi thành nhiều Quốc gia, dân tộc; bởi độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, đa nguyên, dân quyền là cốt lõi nền Chính trị nước Mỹ, cũng là con đường văn minh của loài người. Trước kia họ đã lợi dụng Mỹ để nắm quyền, còn bây giờ họ quay sang khủng bố nước Mỹ, coi Mỹ là vật cản trong việc thống nhất đạo Hồi toàn thế giới. Đạo quân "cảm tử", mà Sấm gọi là "binh phù thui thủi" đã làm cái việc ghê gớm ấy. Vu Sơn ở lưng chừng dãy Hymalaya, bốn mùa mây phủ, nằm về hướng tây nước ta, các cụ tổ tiên ta xưa nay vẫn coi nơi ấy là nơi Tiên, Thánh ở- hay chính là Baiyanmi, nơi bức tượng Phật ngàn năm tọa lạc mà Taliban phá hủy vào tháng 3/2001?.
-Ôi đúng qua ông nhỉ, nhưng tại sao gọi là "Binh phù thui thủi.." hả ông?
"Thì cháu xem, quân khủng bố là những kẻ: "Tử vì Đạo", được huấn luyện tự chế được mìn... họ trà trộn đi khắp nơi, rất khó bị phát hiện, bất ngờ" nổ cái đùng ", và cùng chết luôn, không để lại dấu vết gì, thật là nguy hiểm, thật là thui thủi chưa. Nhưng Sấm Trạng bảo "lòng Trời xui" nên, thì Huyền bí, kỳ lạ biết chừng nào.?.
"Có điều tài giỏi và thú vị bất ngờ là hai chữ "Bò men". Rất ít người biết nền sản xuất Nông nghiệp của những người Hồi giáo Afganistan là dựa vào chăn nuôi, mà nuôi bò là chủ yếu. Họ di tản khắp Thế giới, thì nay họ về cũng từ khắp Thế giới, đất nước của họ ở lưng chừng trời, trở về quê hương họ phải vượt núi băng rừng, men theo các dãy núi cao ngất... Không thể hiểu nổi Trạng đã mô tả thật tài tình hình ảnh ấy. "Bò men lên núi...". Vậy là hình ảnh của những kẻ khủng bố đã được Trạng Trình nhìn thấy được cách ngày nay hàng mấy trăm năm. Địa điểm, sự kiện, hình ảnh, trạng thái, nguồn gốc một thời kỳ mà quân khủng bố xuất phát, từ 2001 cho đến nay vẫn còn đang khủng bố đấy..!
-Ông kể nghe không khác gì chuyện cổ tích, đúng là gành Hậu thế để xem chơi ...nếu không nghe ông thì cháu đọc chẳng hiểu gì cả ông ạ ...hay thật ....
*
"Đêm đã về khuya, mà đứa cháu nhỏ vẫn không thèm buồn ngủ, nó vẫn mở mắt thao láo nhìn tôi đòi kể nữa. Thời gian là cái gì xa lắc hay gần gũi, với tôi và đứa cháu nhỏ... thì chỉ như mới hôm qua, hôm nay, và Trạng Trình như đang khuyến khích, xem chơi đi, một mảy may tơ hào chẳng dám sai ngoa... cánh cửa Tạo Hóa đóng rồi lại mở đấy... cuộc tàn rồi khắc biết... dở hay bởi tự lòng người cả! , kia này cháu chắt, đám hậu sinh của ta...!
"Nghĩ đi là thế, nghĩ lại thì tất cả những người dân Việt đều đã là hậu sinh của Trạng Trình rồi, phục tài Ngài, tôn vinh Ngài, mà chưa chắc đã tin tưởng ở điều Ngài nói ra hay Ngài viết ra, nhớ lời Ngài cũng cứ xem chơi... Nhưng càng xem chơi, càng cảm thấy hình như mình bỏ sót mất quá nhiều trí thức tuệ giác của Ông Cha để lại, hoặc điều gì đó ta chưa hiểu ra... và cũng chưa hiểu hết tài của Trạng!.
"Trạng Trình là bậc kỳ tài, có thể ví như Trương Tử Phòng ở thời Tây Hán; Khổng Minh ở thời Tam Quốc: Thiệu Nghiêu Phu thời Tống, Lưu Bá Ôn thời Minh bên Tàu, đó là những bậc anh kiệt, rực rỡ vào thời Khí Dương sinh chất ngất. Trạng Trình gồm đủ, mặt khác Ngài còn cả Tuệ giác thông Thiên, hiểu theo các cụ ngày xưa là giao tiếp được với cả Thánh, Thần. Những bậc thức giả các thời cũng không rõ nhờ đâu mà Ngài có tài lạ vậy. Theo cách hiểu thông thường thì Trạng Trình từ nhỏ đã là tuyệt giác thông minh. Rằng làng Trung Am - Cổ Am có Thần đồng Nguyễn Tất Đạt, một tuổi đã biết nói, ba, bốn tuổi đã đọc làu làu Kinh Thư, Kinh Thi, lớn lên theo học thày Bảng Nhã Lương Đắc Bằng, một Trung Thần phụ Quốc cương trực triều Lê, đã có lần đi Sứ sang Trung Quốc, về tới địa đầu Nam Ải, được biếu sách lạ của Tiên ông, rồi truyền lại cho Trạng.
"Trong dân gian vẫn lưu truyền như Thần thoại về trí tuệ tài năng của Ngài. các cụ xưa kể lại, sách lạ mà Thày Lương cho, sau khi đọc xong, có thể hiểu biết hết mọi lẽ Huyền thông của Trời Đất, song còn không ít băn khoăn, nên hàng ngày, Ngài lặng lẽ buông câu tại Điếu Ngư lầu, bên dòng Tuyết giang, còn có tên gọi là Bến Hàn, bến đò Tăng Thịnh. Cũng có khi Trạng ngồi trên chiếc thuyền câu ngao du trên dòng sông lạnh, xa dần ra cửa Nam Hải thuộc Đông Dương Đại Hải dăm ba bữa, nửa tháng mới thấy Ngài trở về... có người nói Ngài được các bậc Đại Tiên mời đi uống rượu ở vườn đào ngoài bể khơi Long phủ để đàm luận việc đời trên bốn cõi Thế gian...
"Ngày qua tháng lại, vào một đêm trăng sáng, tiết Đông chí, Trạng ngồi buông câu như thường lệ, mặt sông lấp lánh ánh bạc. Từ ngoài khơi bể Nam Hải, có một chiếc thuyền câu giăng buồm nhẹ lướt, nhằm Điếu Ngư lầu hướng tới. Bấy giờ, khắp cả vùng Trấn Dương đều mênh mông là biển cả. Khi thuyền ghé mạn, nhìn thấy dưới thuyền có hai Tiểu đồng, tóc để trái đào, đồng phục áo cổ bồng, cầm chèo. Một ông già râu tóc bạc phơ, áo cánh Hạc thụng màu xám, đai chàm thô, tay cầm gậy trúc Trường Thiên đầu Rồng, nạm bạc, khoan thai bước lên. Trông nhận ra ông già trong giấc mộng, Trạng Trình vội đứng lên ra khỏi lầu tiếp đón. Hai ông già thi lễ mỗi người xá nhau một lần, rồi tươi cười, hình như đã quen biết nhau từ lâu, dắt nhau vào Điếu Ngư lầu. Trạng mời ông già cùng ngồi xuống chiếc chiếu cói mộc trải sẵn trên nền đất, vuông vức, xung quanh còn vương mấy đám cỏ gà thâm thẫm nhưng sạch sẽ. Giữa chiếc chiếu đã có sẵn một tích nước trà xanh hãm theo lối cổ truyền, ủ trong cái giành tre nhỏ được đan rất khéo. Trạng rất vui, rót trà mời khách bằng những chiếc bát sành màu nâu thô. Hai ông già râu tóc đều bạc phơ, ngồi nói chuyện trong Điếu Ngư lầu, dưới ánh trăng chênh chếch như hai vị Thần Tiên. Bốn mặt trông ra là sóng nước và ánh trăng huyền ảo với hương trà hương biển, thoảng chút thơm ngầm. Chiếc đèn lồng nhỏ chịu gió, đốt bằng dầu lạc, treo một góc lầu cũng đủ sáng mọi vật, sách, bút và cái tráp đựng. Trò chuyện hàn huyên một hồi, sau vài tuần trà, thấy Trạng cầm bút viết cái gì đó rồi đặt bút xuống, hai tay chắp lại Ngài nói:
-Thưa Lão Đại Tiên, hôm nay tại hạ có may mắn được chỉ giáo vài điều gì chăng?". Lão Đại Tiên đáp:
-Kẻ ẩn này được biết đại nhân có đôi điều băn khoăn... lại tiện đường ghé thăm, nên có mang theo cuốn "Quái Luận Kỳ Ngôn" từ thời Hiên Viên Hoàng Đế, đại nhân đọc xong khắc rõ, chính là "Thiên Luân Pháp Đồ quyết đoán", người xem phải luôn luôn thu mình về Thái cực để nhận rõ trục Thiên trụ, lại phải tung mình ra như mù, như mây, như không còn Tuệ thức giác tha... mà chỉ có hóa suy... khắc nghe rõ những âm thanh của chín tầng Trời, khắc nhìn rõ bóng đen của mười tầng Địa ngục... chớ nệ vào thuyết ngôn, mong giải tỏa những điều băn khoăn ấy. Trạng Trình vội chắp tay phục bái nói:
-Thật cảm phiền Lão Đại Tiên!. Lão Đại Tiên vội xua tay:
-Không cần đa lễ "Dương Minh Vận Thuyết" trong Đạo gia cả mà. Ôi một cõi Nam phương đầy lửa khói..!.
Thấy Đại Tiên ghé tai Trạng nói điều gì đó rồi vẫy gọi Tiểu đồng bưng lên một cái tráp gỗ mộc cũ kỹ đặt trước mặt hai người, đoạn đứng dậy từ biệt. Trạng Trình tươi cười đứng lên theo, tiễn bạn xuống tận mạn thuyền. Khi chiếc thuyền quay quay mấy vòng, làm ánh trăng tung tóe, hai người còn nghiêng mình xá nhau hai lần nữa. mãi tới lúc cánh buồm giương lên, thuận gió, chiếc thuyền câu nhỏ xíu, như con cá bạc vút đi, lẫn dần vào đêm trăng lạnh, Trạng mới quay lại Điếu Ngư lầu. Ngài mở tráp lấy sách ra đọc cho đến tận sáng .
....Đêm ấy, dân làng Trung Am - Cổ Am ngạc nhiên khi nhìn ra bến đò Tăng Thịnh, thấy một dải Tuyết giang đầy hào quang chụm lại như cái tháp lớn tại Điếu Ngư Lầu, sừng sững vươn tận không trung. Từ dạo ấy, ánh đèn dầu lạc ở Bạch Vân Am đêm đêm thắp sáng, và Trạng Trình cặm cụi ngồi viết quyển Sấm ký nổi tiếng truyền mãi... cho đến tận ngày nay./.


-------------------------------------------------------------------------------(*PVH)
***


(Hải phòng 11/2003- Bí mật tri nghiệm Sấm Trạng Trình- KTS Phạm Vũ Hội- viết, khảo cứu- Đã tải trên Dienbatn blog và đăng ở TC Cửa Biển HP tháng 5-2002- bản này có sửa chữa bổ xung)


Tài liệu tham khảo: Kinh Dịch (Ngô Tất Tố- Nhà XB Văn Nghệ Sài Gòn XB1992); Thái Ất Thần Kinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiên (nhà XB- VHDT Hà Nội 1996); Giai thoại Sấm Ký Trạng Trình (Phạm Đan Quế biên soạn- Nhà XB Văn Nghệ Sài Gòn1994); Sấm Ký Trạng Trình- (nhà XB Đại La 1945); Khổng Minh (Mã Nguyên Lương- Lê Xuân Mai); Hán Học Danh Ngôn (Triệu Anh Dung- biên soạn- Nhà XB Đồng-Nai-1999); Trang Tử; Lão Tử- Đạo Đức Kinh (Thu Giang Nguyễn Duy Cần- Nhà XB Văn học 1991);Tài liệu tham khảo đặc biệt- VN-TTX (1978-2011); Sưu Tập Sấm Ký (Tự Sưu tầm).. Truyền ngôn- Thoại tích và nhiều tài liệu khác!./
-----------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét