Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Tri nghiệm Sấm Ký Trạng Trình- Lý học Càn Khôn- Chiêm thời...“知驗讖記狀程-理學乾坤-占時“...

***
HƯ THỰC MUÔN ĐỜI
(Hay chuyện kể về Sấm Trạng Trình)
*
Truyện 2.
----------------------------------------------------------------------------------------------KTS.PHẠM VŨ HỘI




“...Cơ tạo hóa phép màu khôn tỏ


Cuộc tàn rồi mới rõ thấp cao


Thấy Sấm từ nay chép vào


Một mảy tơ hào chẳng dám sai ngoa


Thần Kinh Thái Ấ suy ra


để dành con cháu gần xa nghiệm bàn!...”


(Sấm Trạng Trình)
---------------------------------------------------------------------------------(*PVH)



...Chúng ta đang ngồi trong vùng trời mọng đầy hơi nước... khi đó ánh mặt trời trở nên bàng bạc nhạt nhòa, không thể biết rằng ta đang ngồi trong quãng sáng của bảy sắc cầu vồng..!
-Hãy chạy tới chân trời tít tắp xa kia... ngoái đầu nhìn lại... thì trời ơi! bảy sắc màu sặc sỡ mới thực sự hiện ra... “Hư thực muôn đời- 2” muốn tiếp tục cái nhìn như vậy...



*


Thập kỷ 60...
Nắng hầm hập như đổ lửa... tiếng trống HTX từ Miếu Làng Tư đổ hồi... Mấy lão nông trên mình khoác chiếc áo nâu đụp đẫm mồ hôi, khuôn mặt sạm đen, mắt cứ nheo xoắn lại dưới nắng trưa hè, tất cả rời tay cuốc ải vội về làng, họ đổ vào nhà Cụ Lý ở ngay đầu làng nghỉ tạm... chia nhau từng điếu thuốc, bát nước, chuyện nở như pháo ran, thỉnh thoảng bắt gặp một cơn gió mát...
* Thằng Cóc đưa cái “đóm(1)” cho cụ Lý, rồi chui vào lòng cụ lúc nào không biết nữa... Lúc cụ hút thuốc cứ phải gập người xuống mà hút, nó còn cầm nối cái “đóm” để tay cụ châm mồi lửa tới đâu, tay nó cũng rê tới đấy tỏ vẻ thích chí. Bình thường thì cụ bảo nó “xê ra cho ông hút!” nhưng hôm nay có mấy lão làng ngồi quanh, nên cụ cũng thây kệ. Cụ Lý chụm môi chẹp chẹp năm bảy cái cho điếu thuốc cháy đượm xong rít một hơi rõ dài tụt cả điếu thuốc vào trong nõ, rồi nghểnh mặt nhả khói, đoạn lấy tay đẩy cái điếu bát cho ông Nguyên. Đến lượt ông Nguyên lấy cái soi điếu sọc sọc... Khói thuốc cuồn cuộn bay thong thả quấn quít cả mặt thằng Cóc. Nhả khói xong cụ ầm ừ ngâm nga trong cổ họng theo “điệu trống quân(2)”:



“Hoành sơn(ư...) là lối(chứ...) ra... (ưừ...) vào!


Cuốc kêu(mà...) vọng đế(ýchứ...) Cáo gào (mà...) Hà (hừư...) vương


Cung trăng(mà...) đã sẵn (ý chứ...) lời chương


Gió mưa(mà...) lại mở(chứ ý...) một trường(mà...) Xuân(ý...) Thu...


Tên treo(mà...) ba mũi(chứ...) phục(hư ừ...) thù...!


Khen thay(mà...) khắc dụng(chứ...) bày trò... (mà) chóó... con...


Ngọn cờ(mà...) nhấp nhô(chứ...) đầu(hừư...) non


Thạch thành mèo lại (chứứ...) bon bon (hưư...) chạy (ưhừ) về


đầy đường(mà...) lai láng(chứ) máu (ứ ừ...) dê


con quay(mà...) ngã trắng(chứ...) ba que (ư) cuộc (ưhừ...) tàn...!


Trời Nam(mà...) trở lại(mà... hục!... hục ục!)....!”



Mọi người nghe cụ Lý ư..ử như cụ hát, đến đấy thì cụ ho ùng ục... Thằng Cóc lấy tay vuốt lên ngực cụ Lý mà cười... “Ông tớ cứ hút là ho...” nó mách với bọn bạn. Nó và tôi chơi với nhau cùng mấy đứa nữa, rất hay hóng chuyện các cụ. Bấy giờ Cóc chỉ độ bảy tám tuổi được cụ Lý rất chiều, tôi nhỉnh hơn nó, đều rất thích nghe cụ Lý kể về Sấm Trạng. Tôi đế vào:
-Cụ ơi Sấm Trạng ấy hả cụ?
-Thì Sấm Trạng chứ còn gì! rồi cụ thở dài, chà chiến tranh, cứ là tranh cướp nhau cả đấy, ai mà biết là nó muốn cướp nước mình, nó siểm nịnh, mình bùi tai thì hóa ra mất nước, rồi nhớ nước mà hóa thành con chim Cuốc!... Xuân Thu cũng là một duộc, Sấm Ngài cũng cứ lấy tích xưa mà dạy, mà dẫn chuyện đời nay ấy... đúng chứ hử?. Cụ lại hát thay cho nói:



“mấy ai(mà...) bá đạo (ýchứ...) đồ (ư) vương


mà không(ừhừ...) mưu sự(ýchứ...) chiến trường(ừhừ..) can (ư) qua...”



Xuân với chả Thu, thật thâm hiểm bất nhẫn vô lương, hử? Sấm Trạng cả đấy! Chả thể vất đi đâu!?... Trước kia Sấm dạy “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong- 黎 存 鄭 在 黎 敗 鄭 亡”(3), thì là nghiệm rõ vào các năm (1784-1789) khi Tây Sơn nổi lên đem quân đánh ra Bắc, nhà Lê mất nhà Chúa cũng mất theo! Sử sách nước nhà ghi chép cả!... Lại có câu “kể từ tự xưng Lê nay, tam phân rồi chẳng được gì cả ba... (4),” thì đấy thực rành rẽ rõ ràng như ban ngày... từ lúc kéo cờ phù Lê, 1777 thụ phong Quảng Nam trấn thủ tuyên uý đại sứ quốc công(5), khuynh đảo, đuổi Chúa Nguyễn chạy dài... rồi bất ngờ đánh ra Bắc, khiến Trịnh không kịp trở tay... đến khi diệt Trịnh xong, thì ba anh em Tây Sơn chia nước làm ba mỗi người một khúc, mỗi kẻ một nhà, đều xưng đế xưng vương... cuối cùng cũng chẳng nên cơ ngũ gì, Ngài dạy quá đúng nhá!. Sau nhà Nguyễn lại lấy lại được, bấy giờ nhà nước ta mới thống nhất một mối, Gia Long lên ngôi 1802 mà đặt tên nước là Việt Nam(6)... Rồi tới khi Pháp đến có câu “để loài bạch quỷ lăng xâm, làm cho thiên hạ khổ trầm lưu ly...” thì lại có câu “Phụ nguyên trì thống, đế phế vi đinh -阝 元 馳 統- 帝廢 為 丁” ở đây chữ “phụ-阝” với chữ “nguyên- 元” ghép lại thành chữ “nguyễn- 阮”, tức là Nhà Nguyễn để mất nước vào tay Pháp, nhưng vẫn được duy trì quyền chính... gọi là “trì thống” mãi tới ông vua cuối cùng Bảo Đại tự mình phế bỏ mà thành bạch đinh tức “vi đinh”- ấy là “đế phế” chứ nào phải “phế đế”- là vậy..! hử? Trạng tiên tri thực tài tình, thời nào cũng có, ấy cho nên “cuốc kêu vọng đế cáo gào hà vương, cung trăng đã sẵn lời chương...” cứ nhớ lấy mà gẫm, hử?...
Ông Tịnh có người con lớn đi quân ngũ, nhìn cụ Lý bảo:
-Làng ta bao nhiêu người hay chữ chỉ còn Cụ... Cụ biết chữ Nho(7) chữ nhe chữ Tây chữ Tàu, cụ hiểu, thì cụ bảo thế chứ Hoành Sơn chỗ nào, Cuốc là gì? Cáo là gì, hay là sự dối trá? tôi chả được học hành, một chữ bẻ đôi cũng chả biết, xin chịu. Anh lớn nhà tôi cùng với bố cậu Cóc đi quân ngũ từ bấy dễ dăm năm rồi... bây giờ cứ bặt tăm tằm tằm...? “Hòa bình” rồi mà chả thấy về... Theo cụ thì cơ chừng thế nào nào... ruột tôi cứ như lửa... ơi dào..!
-Còn thế nào?.. cũng may cái ngày ấy tôi bảo tôi chả biết cái chữ mẹ nào, chứ anh phán Kỳ mà tôi hay học mót chữ của anh ấy thì đã bỏ xác đâu đó có trời mà biết! Thuở bé tôi toàn học lỏm, viết lên đất, ngồi nhìn trộm sách người mà học chứ trường lớp gì... đến khi thấy người ta mách hễ cứ biết chữ thì bị liệt vào “trí thức” là phải “đào tận gốc...” (8) tôi “sợ vãi...” cả ra.!.. Biết chữ biết nghĩa mà thành tội thì cứ bảo tôi chả biết gì sất hử!... Mà tôi là cái anh thợ, hết làm ruộng ở nhà... ngày ba tháng tám lại lên rừng làm thuê chặt củi, kéo cưa lừa xẻ... đen trùi trũi, quần áo chằng đụp lấy đâu ra “trí với chả thức”... Ngoảnh đi ngoảnh lại cái lứa tôi người giỏi, có học... chẳng còn thì cũng phiêu bạt... mới bảo loạn lạc sống chết chả biết đâu mà lần, hừm... Rồi cụ Lý lại hắng giọng ngâm nga:



“Bao giờ (mà...) đá nổi (chứ...) lông (ư hừ...) chìm


Đồng khô (mà...) hồ cạn (ý...) con tìm (mà...) thấy (ýứ) cha


Mười phần (mà...) mất bảy (chứ...) còn (hừ...) ba


Mất hai còn một (chứ...) mới ra (hư...) thái (ư hừ...) bình...”



-Thế bao giờ thì như thế để cháu được gặp bố cháu, thằng Cóc hỏi.
-Đến lượt lũ các anh đi lính thì có khi ở ngoài trận mạc bố con mới gặp nhau ấy chứ! Cụ Lý phỏng chừng... cũng khối người như thế! Tôi nhớ Sấm Ngài còn dạy “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh-田 無 人 耕, 路 無 人 行, 市 無 人 至, 天 下 共 為 兵” là đồng ruộng không có người canh tác, đường xá không ai đi lại, chợ búa không người đến, tất cả bàn dân đều làm lính cả... đấy để rồi các cụ gẫm... chắc chỉ mươi năm nữa là biết thôi hử?...
-Ui chết... chiến tranh dài đến thế cơ á..!? Cậu Cóc ngần này mà lớn vẫn phải đi trận đi mạc, thì hàng chục năm nữa vẫn chiến tranh ư? chậc!... Chết mất thôi, mấy người thốt lên cùng lúc!
-Suỵt..! khẽ cái mồm, là theo Sấm Trạng mà phỏng thế, để rồi xem...
Ông Nguyên từ nãy tới giờ vẫn ngồi nghe, gõ cạch cái xe điếu một cái, hai tay chụm lấy cái đóm định hút, nhưng rồi lại chống nó vào cằm, cái đóm vẫn cháy trong tay, nghiêng sang cụ Lý nói:
-Thế như nghe cụ đọc Sấm Ngài dạy đấy thì tôi cho là ngược đời cả, mà chết mẹ... nó cả bàn dân thiên hạ chứ còn đâu là dân tình nữa? Thì “đá nổi lông chìm” chả ngược đời là gì? có khác nào “Chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước”. Còn “đồng khô hồ cạn” thì họa có chăng... giờ đã nhỡn tiền... hử?
-Phải đấy các cụ nhỉ!?...ông Tịnh nói chen vào..
-Cụ ơi cánh đồng Chằm bên Tía sâu thế, mọi năm cháu chống thuyền lội đến tận cổ mà bây giờ cạn tiệt ấy thôi? “ếch kêu uôm uôm ao chuôm đầy nước!” mà cái chuôm làng mình cũng khô khốc... tôi hét lên cho cụ Lý nghe.
-Rõ thật...! Cụ Lý nheo nheo mắt nhìn mọi người, ánh mắt cụ sáng lên mà sâu thẳm, hiểu Sấm Ngài như nhà các ông, có mà lộ sạch cơ trời hử? Rồi cụ lại ngân nga theo điệu “sa mạc” (9) giọng cứ dính bết lại:



“Cơ tạo hóa..(óa...) phép màu...(hàu) khô...(ôn) tỏ...(ỏ)!..


Cuộc (hừ ừ...) tàn rồi...(ồi) mới rõ (ứứ...) thấp (hứ) cao...!”



Đã “tàn” đâu mà biết!? hử? Lại vừa dự bị vừa sắp tổng động viên rồi kia kìa... Nam Bắc, hai phe hai miền, mỗi anh theo một bên, một anh thì công hữu, xã hội chủ nghĩa, có Liên Xô Trung Quốc viện trợ, một anh thì tư hữu, tư bản chủ nghĩa, có Hoa Kỳ đỡ đầu, phe nào ủng hộ phe ấy, súng ống đạn dược cứ đầy ra, mình là tiền đồn (10)... chả anh nào chịu anh nào hử... Lại bảo sau hai năm thì hiệp thương mà có thấy đâu? đánh nhau là cái chắc hử... Lũ trẻ ranh này cũng đi quân ngũ hết cho mà xem... Còn “đá nổi lông chìm đồng khô hồ cạn” đâu phải như các ông các bà nghĩ ra thế...
-Ây thì hôm qua tôi được mời đi nghe cán bộ cấp trên phổ biến cho các gia đình thành phần “cốt cán”. Họ bảo là “quán triệt” đường lối chủ trương... “quán triệt” là gì tôi đâu có hiểu... nhưng thằng Thịnh nhà tôi chắc là nhập ngũ kỳ này rồi, trước là Nam tiến, giờ là đi B, C gì gì ấy, tôi cũng chả nhớ nữa. Tôi bảo nó lấy vợ rồi hãy đi! Thằng anh nó bặt tăm, thì nó phải lấy vợ mới cho đi... tôi cứ nói thế, ông Tịnh lên tiếng như mếu máo.
Bà cụ Lý dọn dẹp quanh quẩn nghe các cụ ông nói chuyện, chạy ra vuốt đầu lũ trẻ chúng tôi một lượt, nói cứ như muốn khóc:
-Chết mất! các cháu tôi phổng phao thế này nay mai chưa kịp lớn lại phải ra trận mà chết ư? “Mười phần mất bảy còn ba” chả hóa chết hết à? Tôi cứ lạy Trời khấn Phật, Sấm Ngài đúng tất tật ở đâu kệ!... riêng cái câu này đừng có đúng! ôi khốn khổ khốn nạn các cháu của bà! đời bà đã phải chạy loạn ngược xuôi khổ cũng cam... Cụ sụt sịt mắt ngân ngấn... “mất bảy còn ba” thì vợi cả làng cả nước còn gì?.. Ông Nguyên ngắt lời cụ bà:
-Cụ ơi! cánh thanh niên nó có sợ ối! cứ rời cái đồng đất này, thành người của dân của nước thì nó thích bỏ sừ!... Hừm... tôi cũng cứ xưa nay nghĩ ngợi... trước có nghe ông Đồ, còn "mồ ma(11)" ông ấy hay nói về Sấm, đúng đáo để... tôi bây giờ chả nhớ mấy, Sấm Trạng mà dạy đúng như Cụ nói, chả vất đi đâu được!... Hôm nay Cụ giải lại xem nào? “hoành sơn... xuân thu” là thế nào Cụ nhỉ?. Rồi ông Nguyên sơ hoa rằng trước kia cụ Đồ đã bảo “đá nổi” ấy là Tưởng Giới Thạch, Thạch là đá, Lông là Mao, là Mao Trạch Đông... Tưởng Giới Thạch bị đánh chạy ra Đài Loan, cái đảo to ngoài biển, thì ấy “đá nổi” rồi còn gì. Còn “lông chìm” hừ... thì chìm thế nào được... “Đông phương hồng ánh mặt trời lên, Trung hoa ta có Mao Trạch Đông...” cơ mà? ông Đồng, ông Hồ, đều là lãnh tụ đang gánh vác việc nước trọng đại... Không lẽ là các vị ấy viên tịch hết thì mới hết chiến tranh mọi người mới đoàn tụ?... “con tìm thấy cha” mà lỵ, hử?...
-Phả đấy! Cứ để gẫm xem... trước kia tôi với ông ấy cũng hay chuyện về Sấm Trạng cứ phải hàng buổi... Còn “hoành sơn” là gì? là cái ý chừng... như là rừng núi là dãy núi nằm ngang, ở đâu ấy à? Dãy núi phía tây kia... từ tấm bé tôi thấy các cụ gọi là Vu Sơn, nơi Tiên Phật ở, có người bảo ở Trung bộ tận Quảng Bình- Quảng Trị phía nam... hay Hoành Sơn là Hòa Bình- Sơn La ở phía Bắc... Hừm... có câu "nước Sơn La, ma Hòa Bình" rừng xanh nước độc... trước kia các cụ tôi có mách cả đấy! nhưng lâu ngày mải việc tôi cũng không nhớ hết... Cụ Lý bắt đầu giải thích... Thì tôi cũng đi Sơn La Hòa Bình cả rồi, bằng thằng cháu Cóc này tôi đã giúp tay cưa tay xẻ cho mấy Cụ Cả lên tận ấy mà làm ăn... núi non đi cả ngày, lên cao xuống thấp cây cối rừng sâu rậm rịt, chà... một bước đi một bước sợ... rắn rết, muỗi vắt, sợ cả ông “ba mươi”, tối phải đốt lửa. Ông “ba mươi” cứ vác một người, hai người như bỡn, có toán thợ sáng ra mới biết là mất người nhà mình, khiếp lắm... Cũng đi như thế có người về ngã nước mà chết đấy! ấy nhưng tôi thì chả khác gì cục đất thó vất đâu cũng được, hừ...
Nghe cụ Lý nói tôi chả hiểu mô tê mộc tệch gì “thế ông ba mươi là ai, sao lại bắt người ạ?”. Tôi hỏi.
-Chậc! ông “ba mươi hay ông cọp cũng thế cả” hiểu chưa hử? cụ Lý giải thích cho cánh trẻ.
-Ô lạ nhỉ? ông cọp lại là ông ba mươi, cứ như người ấy, thảo nào các cụ cứ hay bảo “khoẻ như ông ba mươi” thằng Cóc đập vào người tôi khoái chí.
-Còn Xuân Thu là thời các nhà nước phong kiến ở bên Tàu hình thành, cát cứ... Sử sách ai học thì mới biết, như nước Tần, nước Tấn, nước Sở, nước Ngô nước Tề... nhiều lắm!.. Tôi thì tôi cũng đọc sách của các cụ mà biết ấy thôi, xa lắc, xa lơ!... trước cả cái “năm Tây lịch, kỷ nguyên Cơ Đốc giáo” vài trăm năm kia, lâu lắm... Thời Xuân Thu là thời vua chúa lập quốc, rồi sau sinh ra chiến tranh mưu đồ bá bá vương vương, thì gọi là thời Chiến quốc(12). Kết thúc chiến quốc là cái anh Tần (221 tr.CN)... Các cụ ta dạy bấy giờ theo sử sách, anh Tàu có bảy nước Tần, Sở, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Yên, về sau các nước đều thua nước Tần cả, mà sinh ra cái anh Tần Thủy Hoàng, kiêm tính hết, người đời vẫn gọi là bạo chúa, chuyên đốt sách chôn sống học trò... Hừm... giờ thì tôi bảo các ông các bà ơi! vắt tay lên trán gẫm cho kỹ mới thấy Sấm Trạng cứ là đúng như bật mực: này nhé trước Thế Chiến thứ Nhất một loạt nước Tư bản được thành lập theo chế độ Cộng Hòa lập hiến: Anh, Ytalia, Pháp, Đức, Ao- Hung, Nhật bản, Hoa Kỳ... rồi chiến tranh tranh giành thuộc địa... Sau Thế Chiến Hai lại hình thành một lọat nước theo đường lối Cộng sản, những là mười hai mười ba nước xã hội chủ nghĩa như bây giờ gồm: Liên Xô, Nam Tư, Ba Lan, Lỗ mã ni, Bôn gia lợi... Ngay ở phương Đông A, thì có Trung Quốc, Triều Tiên, đến Phi luật tân, In-đô -nê-xia, Ân độ, Mã lai, cả Việt Nam ta nữa... Vậy cứ gẫm thật xa, đừng phụ thuộc vào bát cơm thường nhật... hừm chả phải “một trường Xuân Thu” (13) là gì hử?... Lại gẫm câu Sấm: “Chấn cung hiện nhật quang minh, sóng lay khôn chống trường thành bền cho, Đoài cung vẻ rạng trăng thu, ra tay mở lấy đế đô vạn toàn” thì cứ là càng rõ mồn một hử? Chấn cung là phương Đông sinh ra cái anh Nhật Bản có ông Minh Trị Thiên Hoàng biết canh tân đất nước chỉ trong ba chục năm kể từ 1868 trở đi tới đầu thế kỷ mười chín XIX, mà Nhật đã sánh ngang các cường quốc Thế Giới, rồi cũng ganh đua ra tranh cướp thiên hạ, thành Phát xít hóa... đến khi thất trận, phải bồi thường chiến phí nặng nề... Vì ở giữa biển, thiếu thốn đủ thứ ấy chứ, vậy mà cho đến giờ thập kỷ 60 này, lại vẫn vươn lên hùng mạnh, cho nên Trạng dạy “sóng lay không chống trường thành bền cho” là cái ý ấy! Còn phương Tây là Đoài cung, thì phát triển các thể chế dân chủ dân quyền cộng hòa lập hiến, tư bản hàng hóa, đua nhau tìm kiếm thuộc địa... các nước phương Tây đều xây dựng các đế đô tươi đẹp như: Lixbon (Bồ đào nha); London (Anh); Newook (Hoa Kỳ); Marđrit (Tâybannha); Pariss (Pháp); Viên (Ao); Rôma (Ytalia); Henxinhki (Phần lan); Oslo (Na uy), Stockhon (Thụyđiển)... nhà cửa lâu đài của họ to tát lắm! quả đúng y mực hệt..! họ đã “ra tay mở các đế đô vạn toàn” bền vững đến tận giờ... ấy là gẫm ra chả sai một ly một lai hử?... Còn bài Sấm nói về ta? Cuốc là gì à? tích các cụ xưa để lại là con chim Cuốc, mà lại chính là do An Dương Vương hóa kiếp ra đấy! Đó là truyền thuyết bảo rằng đương thời Vua An Dương Vương quá tin vào viên Tể Tướng Miết Linh... Hắn cứ xiểm nịnh Ngài rồi nhân một lần săn bắn trong rừng sâu, sau đêm hoan lạc, Vua say bí tỷ ngủ lăn ra, hắn bỏ Ngài lại nơi ấy... Sáng bảnh mắt nhà Vua gọi quân hầu chẳng còn ai, mới biết mình bị lừa... Bấy giờ người còn ít, rừng rậm mịt mù biết lối nào mà đi... Rồi Ngài cứ theo ánh mặt trời, định hướng tìm về kinh thành, đi về hướng Đông, đi mãi đi mãi, kiệt sức chết hóa thành con Cuốc, cứ kêu “cuốc! cuốc!- nước! nước!...” Tiếng chim Cuốc nghe thất thanh lạc lõng trong rừng, bên vách núi, nghe thiểu não quá mà sau người đời mới gọi An Dương Vương là Vọng Đế, nghĩa là nhớ nước! (13)... Thế là có thoại tích cả đấy, hừ...
-Thế còn “tên treo ba mũi phục thù” là thế nào? “khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? mà “cáo gào hà vương” thì thật kinh khủng, âm khí như quỷ ma ấy!... Trước nay các cụ cũng chả rõ làm sao sất!.. tôi cũng chưa được nghe cụ Đồ giải cụ ạ?.. Ông Nguyên có ý hỏi.
-Chà! Kể ra thì cũng khó thật, cụ Lý nói thong thả, mình là hậu sinh mà lại gẫm cái chuyện ông Bành Tổ(14), hử? Tôi thì tôi gẫm phép Độn Giáp thì có dạy đấy! Cứ lấy Tam kỳ, Lục Nghi mà tính... mà ra Trực trù, Trực sử lại lâm vào Bát môn, mà ra quẻ Bát Quái, rồi lấy phép Ngũ Hành mà tính thì mới rõ là “Sinh” hay là “Khắc”, “Thể” khắc “Dụng” hay là “Dụng” khắc “Thể”, hử? ấy nhưng tôi cũng chưa hiểu nổi!..Còn “cáo gào Hà vương” thì tôi dám chắc Sấm dạy cốt đem cái ý ẩn vào mấy chữ tượng hình mà mình biết cả đấy!.. Nhưng ai có “Nho học” mới hiểu được, mà vẫn phải tinh ý một tý là rõ cả thôi...
-Cụ dạy chúng tôi xem nào! ông Tịnh bảo, liệu có can hệ gì tới thời nay không ý?...
-Sao lại không? Sấm Trạng là để gẫm thời gẫm thế chứ đâu phải chuyện đùa... Thì đây, xem tôi vẽ ra đây... Trong chữ Nho ta học có nhiều chữ đa nghĩa, mặt chữ khác nhau mà đồng âm, ví như hai chữ hồ, ở đây nói ẩn con cáo cũng nên... đều đọc là hồ cả mà ý nghĩa thì khác nhau, một chữ là “hồ- 弧 - là chỉ cái cung” còn một chữ “hồ - 胡 - là chỉ kẻ lừa đảo, càn, bậy, mọi rợ, cũng là chỉ tên “dòng họ”, mà phép ngữ vựng thì đều là loại danh từ cả... Tôi cứ vẽ ra là các ông, các bà biết ngay thôi... Thế là cụ Lý lấy ngón tay trỏ chấm vào bát nước chè đang uống viết hai chữ lên cái quạt mo, cụ cứ phết đi phết lại cho thật đậm sũng cả nước... mọi người châu lại mà nhìn. Tôi cũng ngắm cái chữ viết như vẽ ấy, chỉ thấy ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo... bụng nghĩ đúng là chữ tượng hình...
-Hay nhỉ, thằng Cóc hích vào tôi, sao bây giờ chúng cháu không học chữ ấy ông nhỉ?
-Học làm gì! nhà nước đã liệt chữ Nho vào loại chữ nghĩa phong kiến, chẳng đã lệnh khắp nơi bắt phải đem nộp mà đốt đi ấy thôi? Nhìn này! trong chữ hồ là nghĩa cái cung thì có bộ “弓”- gọi là bộ cung, hử? còn chữ hồ nghĩa là kẻ càn bậy, mọi rợ lại có bộ “月”- gọi là bộ nguyệt, mà nguyệt là ông trăng... thấy chưa, chắp lại là thấy ngay? cho nên Sấm mới dạy là “cung trăng đã sẵn lời chương” thế là ẩn ý hết cả vào đấy rồi còn gì?.. là cái cơ trời sắp sẵn cả!... sẽ như thế chả thể tránh được... hử? Cho nên thời ta giờ mọi người cứ bảo không có số, không có mệnh hay vận, hạn gì là cứ nói lấy được thôi! tôi cho là phải gẫm... mới vỡ lẽ!... vận trời sinh ra mưa gió cả, thì cũng sinh ra loạn lạc, lành dữ, hử?...


-Cụ dạy thế cánh tôi mới mở mắt ra được chứ!.. Ông Nguyên đỡ lời Cụ Lý. Chà đúng lắm, Sấm Trạng rất nhiều chỗ lẫy tượng chữ! Tôi nho nhe thì bập bẹ, may có tý quốc ngữ... Các cụ thân sinh tôi gia cảnh cũng khá, cho tôi đi học, nhưng tôi rát đòn(15), cụ Đồ giắt cái roi mây to trên vách, tôi sợ... toàn bỏ trốn... Trước tôi có nghe cụ Đồ có đọc câu Sấm “hà thời biện lại vi vương, thử thời bắc tận nam trường xuất bôn- 何時 辯 吏 為 王,此 時 北 濜 南 長 出 奔... đầu cha lộn xuống chân con, mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” Cụ Đồ nói quan biện lại Nguyễn Nhạc thu thuế một vùng đem chơi cờ chơi bạc hết sạch, bị triều đình hạch tội mới phất cờ chống lại... ai dè lại thắng cả trong nam ngoài bắc, làm chúa Nguyễn mất nước, bôn ba tới 30 năm trời mới lấy lại được, thì rõ là “biện lại lên ngôi vua- vi vương!...” và thế sự cũng xảy ra đúng như vậy! cứ là tăm tắp?. Còn câu sau phép giải cũng là phép lẫy tượng chữ! thì ra là chữ quang “光” có bộ tiểu “小” trên đầu mới lộn xuống chân chữ cảnh “景”... ông Nguyên cũng chấm tay vào bát nước mà vạch ra đất... đúng chưa? mà rõ ra là Quang Trung “光 中” soán vua năm năm (1789-1793), còn Cảnh Thịnh “景盛” thì soán chín năm (1793-1802) cộng là mười bốn năm... Quả là “mười bốn năm tròn hết số thì thôi...” đúng nhá? chà tài thật! Sấm Trạng cứ y như đặt... Sách quốc ngữ lâu nay tôi đã xem không sai... hỏi rằng Thánh nhân xưa có sách độn toán mà tiên tri được sao lại không khoa học cơ chứ?... Giờ gẫm ra thì mấy ngàn năm ông cha mình dạy có trời có đất có thần có thánh, có số mệnh vận hạn!... đến thời ta chỉ là một mẩu sáu bảy chục năm bác hết cả vận nhà trời, thì hẳn không phải rồi!.. có điều mình dốt mình phải chịu. Ông Nguyên cười ềnh ệch... Đúng thế không ạ? Sấm còn dạy “Tây sơn sừng sực kéo ra, nghiệm trong thế tục còn là hiệu chi...” thì là ý làm sao tôi cũng chưa biết? xin Cụ gỉải nghĩa xem nào?...
-Cái ý rõ mồn một ấy thôi!... là “sừng sực” thể hiện mạnh mà nóng như trưa nắng hè ấy... ngột ngạt... mà có thực không hẵng? Như tôi gẫm bảo là chỉ một trận hàng vạn quân Thanh thây chết chất lên nhau mà thành gò Đống Đa(16), thì tôi chưa thấy sử chép về cái sự hôi thối ngoài vạn dặm, hử? Nếu thế còn bệnh dịch nữa ấy chứ?... mà bao năm nay chà!... có khai quật gò Đống Đa thì thử tính được bao bộ hài cốt của giặc? Vậy cho nên Sấm dạy “còn là hiệu chi” là cái ý chỗ ấy, tức là hiệu chỉnh... hiệu chi lại... thắng thì thắng mà liệu có lộng ngôn không? Tôi gẫm là hậu sinh còn phải xem xét lại kia đấy? Thì là “hiệu chi” hay hiệu chỉnh cũng thế cả, cho đúng đắn lại, hử?... cho nên các chuyện lịch sử nhốn nháo sai lệch thì hậu sinh phải sáng suốt mà hiệu chỉnh lại hử? là cái ý Ngài dạy lịch sử phải chân thực mới có ích...
-Cụ nói chí phải! trước còn ma Cụ Đồ cũng chỉ bảo là phải hiểu lại cho rõ còn rõ thế nào thì chịu không thấy nói, hừ sao hay thế chứ... Cụ nói tiếp đi xem nào... còn mấy câu “ngọn cờ nhấp nhô đầu non, thạch thành mèo lại bon non chạy về, đầy đường lai láng máu dê...” là ra làm sao nữa, nghe mà chết khiếp đi được?... Mà cụ chưa hát hết bài Sấm ấy thì phải!?... Tôi nhớ mang máng còn một đoạn nữa cơ!...
-Phải rồi! Bài Sấm ấy lắm sự tích lạ, tôi nghe các cụ dặn sau này cứ thế mà gẫm để biết cơ trời... mà còn dặn kỹ phải truyền cho con cháu, tôi thuộc cứ như in!... Đến đấy thì cụ Lý hắng giọng vẫn theo “điệu trống quân”:



“Trời nam (mà...) trở lại (chứ...) đế(hứư).. vương


thân nhân(mà...) không phải(chứ...) là phường(mà...) thầy (hừư) tăng


đồng dao(mà...) đã có(chứ...) câu ư... rằng


non xanh mà(mà...) mọc(chứ...) trắng căng(chứ...) mới (ưhừ...) kỳ?


bấy giờ(mà...) quét sạch(chứ...) thú (ý) ly!...


ai i(mà...) nhớ lấy(chứ...) Sấm ghi (ư) kẻo (ưhừ...) lầm!


trong khi(mà...) Sấm chớp(chứ...) ầm (ưhừ...) ầm!


chẳng qua(mà...) có số(chứ...) để găm(ư) trị(ưhừ...) bình


thất phu(mà...) dám chống(chứ...) thư (hừ) sinh


sông Ô(mà...) chấp cả(chứ...) mấy anh(ưhư...) Thủy (yhì...) Hoàng...


nực cười(mà...) những kẻ(chứ...) bàng(ưhư) quang


cờ tàn lại tính(chứ...) toan đường(mà...) đấm(ứhư...) xe?


thôi thôi(mà...) mặc lũ(chứ..ư) thằng(ưhừ...) hề


gió mây(mà...) ta lại (chứ...) theo về(mà...) gió (hư..) mây!...”



Câu cuối cùng thì thằng Cóc và tôi được nghe cụ Lý hát nhiều lần nên đắc chí hát theo “thôi thôi mặc lũ thằng hề, gió mây ta lại theo về gió mây...” rồi mấy đứa nhìn nhau phá lên cười... Thằng Cóc nói:
-cứ như chúng mình cùng với ông mình bay theo mây mây gió gió ấy nhỉ...!.
-Gió mây ta lại theo về gió mây- nghĩa là chết đấy “ông” ạ, tôi bảo Cóc. -Thì chết sợ gì!... thằng Cóc càng khoái!... Tôi cứ thấy nôn nao, cũng hét lên với các cụ:
-Tiếc thế! giá chúng cháu được học chữ Nho như các Cụ nhỉ, cháu muốn đọc quyển sách mà Cụ cất trong cái tráp ấy?
-Thì rồi cũng cũng có lúc quay lại học chữ Nho, Sấm dạy “bao giờ bạc giấy ra tro, cua còng đổi gọng nhà Nho lại dùng” (17)... thì phải đợi... Cụ Lý nói riêng với tôi và thằng Cóc... Ui a!... tôi ớ cả người, sao lại phải đợi đến lúc đốt hết tiền bạc đi, lấy gì mà mua các thứ? Eo ôi ... lạ thế?.
-Yên mà nghe!... ông Nguyên hẩy bọn trẻ... Sao lại “trời nam trở lại đế vương?” Theo tôi gẫm ra... thì ở khổ Sấm này Ngài dạy nước ta sẽ chỉ luẩn quẩn đế đế vương vương mà thôi phải không ạ?... Chính người nhà mình làm khổ dân mình chứ chẳng phải “thầy tăng” hừ... nghĩa là chẳng phải thằng tây... tức là thằng Pháp thằng phiếc gì... phải không cụ Lý nhỉ? Lại còn “trắng căng mới kỳ”... tôi còn nghe là “trắng căng mấy kỳ” chứ chả phải là “mới kỳ” tức là cơ vận nước ta chẳng tới nơi tới chốn gì... ôi dào thì mấy kỳ hay mới kỳ cũng thế! buồn nẫu cả ruột!... Ông Nguyên nhanh nhẹn chất vấn...
-Hừm...! cái ý xem ra cũng là thế rồi... gẫm cho kỹ thì từ ngày có thằng Tây, thì dân mình “khôn” được ối ra ấy chứ!?... Từ cái đèn dầu lạc, đến cái đèn Hoa kỳ, đến cái bóng điện thì ai bảo là không phải vậy? rồi từ cái quạt mo, quạt nan... đến cái quạt điện, cái nhà lầu thành phố, cái cầu sắt Long Biên... Lại cái máy hát, cái ra-đi-ô, cái xe máy... lại cái “phép” làm sách báo Tân Văn xuất bản, chữ Quốc ngữ ấy... ôi chà! đến cả thằng Tàu... chả học thằng Tây thì học ở đâu? Trường Tây học cũng rèn cho ta ối người tài... ối “cụ lớn” sang tây học hiểu nhiều biết rộng, chẳng thua kém gì tây tàu... y phục bảnh choẹ lắm! dân ta khôn lên nhiều chứ!!... Sấm dạy “đoài phương phúc địa giáng linh, cửu trùng thụy ứng long thành ngũ vân” (18) là đấy chứ đâu xa!?... Đoài phương là phương Tây, là cái đất học, công nghiệp kỹ nghệ, cách vật phát triển, ấy là nơi “phúc địa”... mình học họ không hết ấy chứ? Mình bắt chước theo họ từ cách ăn mặc, đi đứng bắt tay giao tiếp... ấy là sự “giáng linh” đấy? đúng chưa? hừm... Có điều người mình cứ phải đi phu đi phen phục dịch bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc... mình thành nước thuộc địa, nghĩ cũng tức, nên chẳng nghĩ sâu nghĩ xa gì, hử? Bây giờ nhà nước ta đang nêu đánh đổ đế quốc phong kiến mà ở đây Sấm lại dạy “trở lại đế vương...” thì cũng lạ thật? hay là nói cái thói “quyền huynh thế phụ”, cứ hễ “vận động” lại thành “nghị quyết” mà ra trói nhau, hằm nhau, mà gằm ghè ghép vào tội này tội nọ... Cứ phải gẫm... chờ thời thế thay đổi xem sao... không thể đi trái cơ vận “dân sinh dân chủ dân quyền” được đâu!... Cụ Lý chỉ vào tôi và mấy đứa nói, mấy câu Sấm ấy phải đợi đến lũ trẻ này may ra mới vỡ nhẽ... tôi và các ông ra đống “Mả Nác(19)” là vừa, hử? “Đầy đường lai láng máu dê” hừm... thì nhân gian này hẳn chiến tranh còn dài lắm thôi... “cuộc chưa tàn” chưa thể biết hết. Bỗng cụ quay sang hỏi ông Tịnh:
-Thế thằng cháu Thịnh bao giờ lên đường nhập ngũ đấy! Bảo nó sang tôi ăn bữa cơm hẵng đi nhá!... kẻo nó đi ông cháu chẳng có được câu chuyện... cơm dưa mắm thôi...
Ông Tịnh mặt buồn rười rượi:
-Sóng to gió lớn chả biết đâu mà lần, nhưng nó chưa lấy vợ tôi chưa đồng ý để nó đi, tôi nói giữa cuộc họp rồi Cụ ạ!...
Đúng lúc ấy hồi trống HTX từ Miếu Làng Tư lại dóng dả vọng đến, các lão nông lại đứng dậy ra đồng...
Trời cứ nắng trang trang, đồng đất cuốc ải từ cánh Mẵn trước cửa xóm Bến xuống cây Cầu Đá làng Vũ Đại cứ trắng xóa đến nhức mắt...
*


Thập kỷ 70...
Tôi và Thằng Cóc tình cờ gặp nhau tại Thành phố Vinh. Đó là vào một buổi tối... cách nhà Máy Nước Vinh không xa... Trên đường về cơ quan, một anh bộ đội đi ngược chiều hỏi tôi đường đến cửa Nam... Bụi và cái nóng gió Lào, làm cát bay mù mịt lại gặp một đoàn xe tải đầy ắp đạn dược lao về phía Bến Thuỷ... Chúng tôi đứng lại tránh cái đoàn xe dài dằng dặc gầm gừ không dứt với những ánh đèn gầm(20)... và từng tốp bộ đội mang theo súng đạn, ba lô con cóc gập người nối đuôi nhau... ồn quá chẳng nghe được gì... đành nhìn nhau dưới ánh sáng lu lu mịt mịt... Không thể biết có biết bao sự tình cờ... Nghe giọng anh ta nói tôi đã ngợ... “Có phải Cóc đấy không?” Cu cậu giật mình “ừ! Cậu là...” “Là Tía đây!”. Hai năm rõ mười... khoảnh khắc nhận ra... chúng tôi ôm chầm lấy nhau... -Cậu đi đâu thế này? Tôi hỏi.
-Nghỉ phép xong bây giờ đi vào, đang hỏi thăm theo đường Bò Lăn(21)... lẽ ra cùng đi với mấy tay nữa nhưng tao bị lạc, một thằng ở Hà Bắc cùng đi, bị sốt rét ác tính, tịch ở đoạn Nga Sơn, trên đường đi, giờ tao đành cứ đi bừa... hành quân một mình cũng quen cả rồi!.. Còn cậu, sao lớ ngớ mà gặp nhau ở đây...
-Tao gần đây thôi, cơ quan ở toà nhà bị sập dở dang kia kìa... Tao vừa công tác ở Đô Lương về... Vào tao nghỉ mai hẵng đi...
Thế là chúng tôi hai thằng trẻ ranh thuở nào bây giờ đã là những chàng trai vạm vỡ quân phục từ đầu tới chân... lại được xưng mày tao chi tớ như hồi ở nhà, ngay nơi tiền tuyến bom rơi đạn nổ... Ngày chúng tôi xa nhau đến thời điểm ấy đã có gần chục năm... Chúng tôi có nhiều chuyện kể cho nhau nghe... cuối cùng chúng tôi nhớ về Cụ Lý và những lời Sấm chưa có sự tri nghiệm... Thằng Cóc nói ông nó đi xa như cái đèn cạn dầu... chỉ buổi tối tắm rửa xong đi nằm, Cụ nói với cụ bà và mẹ con thằng Cóc là cụ sẽ đi... và sáng ra cụ đi thật. Đám ma Cụ được tổ chức bình dị như bao đám khác. Cuối năm ấy Cóc nhập ngũ... Tôi nhắc lại chuyện có lần Cóc đem một nắm lông gà lông vịt quăng xuống ao, rồi lại nhặt những hòn đá lần lượt ném... mong có sự ngược đời xảy ra để có thể gặp bố mình... Trẻ con thật ngốc nghếch... chúng tôi cười ra nước mắt... Tôi kể cho Cóc nghe đã có lần tôi đi ngang Bara Nam Đàn có tạt vào Rú Đụn tức Núi Đụn để thăm khe Bò Đái(22), bởi có câu Sấm truyền “bao giờ bò đái thất thanh, ấy điềm sinh thành rành mạch chẳng nghi...”; Theo Hán Nôm thì là “Đụn sơn phân dải, bò đái thất thanh, thủy đáo lam thành, Nam đàn sinh thánh,庉 山 分 獬, 爬 戴 匹 聲, 水 到 嵐 成, 南 檀 生 聖” lại cũng có câu "bao giờ Bò Đái thất thanh, hòn Đụn nứt ót thì thành đế vương" vậy kỳ hạn sinh vương là Bò Đái phải mất tiếng... Có người nói khe ấy ở Bắc Giang, nhưng ở Nam Đàn cũng có... thì ai mà biết được..! Rú Đụn thuộc xã Nam Lĩnh cũng có cái khe, cũng tên là Bò Đái... Tôi kể cho Cóc nghe tôi đã gặp cụ Quế người Nam Lĩnh, bấy giờ ngoài 70, (chính xác năm ấy1968- tuổi cụ là 77) sống ở quê từ tấm bé... Cụ cho biết trước kia khe Bò Đái chỉ là cái khe nhỏ, có tiếng nước chảy sè! sè!.. đi ngoài đường 15 có thể nghe được... còn giờ thì rộng toác! mà nước thì không thấy? Tôi đã gập người, ba lô trên lưng, leo vòng sau "ót" núi Đụn, cái khe quả là rộng và khô khốc, về nhà tôi hỏi cụ Quế, Cụ nói Cụ chẳng để ý chuyện “thất thanh“ tức là “mất tiếng” lúc nào... Tôi và Cóc nhắc lại câu Sấm “điền vô nhân canh, lộ vô nhân hành, thị vô nhân chí, thiên hạ cộng vi binh” mà Cụ Lý đã gỉảng... thì rõ là chính thời chúng tôi đang sống- “điền vô nhân canh” tức ruộng không người làm, là vi ở nhà chỉ còn các cụ già và một số nữ dân quân, lao động nam giới “lực điền” ra chiến trường hầu như tất tật...? còn “lộ vô nhân hành” thì đương nhiên thập niên 70 dọc đường quốc lộ 1A chỉ có lính hành quân, hừ? mà chúng tôi cùng tham gia và chứng kiến... người dân có đi đâu xa, toàn tìm lối đi tắt nẻo, ít khi theo ra những con đường cái lớn vốn hay bị bắn phá, vài đoạn bom nổ chậm nằm chềnh ềnh chặn lối...?... “thị vô nhân chí”- là chợ không người đến? thì rõ: chợ thì làm gì có để mà có người đến, cấm chợ! cấm tiểu thương tiểu chủ, cấm buôn bán tất tật ấy thôi? cửa hàng mậu dịch phân phối tiêu chuẩn lương thực thực phẩm, mua một lần hết luôn, hử? Công nhân nông dân đều có súng khoác vai, đều là quân dự bị? Rõ là “thiên hạ cộng vi binh” tất cả còn gì? (23), Thằng Cóc xuýt xoa... Tuyệt thật! Sấm Ngài... Còn câu “Thập niên dư chiến, thiên hạ cửu bình, 十 年 餘 戰, 天 下 九 平.” gẫm ra... như cuộc kháng chiến của ta gọi là 9 năm chống Pháp nhưng sự bắt nguồn từ những năm 1944- 1945 đến ngày 15-3-1955 tên lính Pháp cuối cùng rời Bến Nghiêng, Đồ sơn- Hải phòng... thì theo thời gian là hơn 10 năm binh lửa, chả phải “thập niên dư chiến” là gì? còn thời gian hòa bình thì lúc ngưng chiến tới mốc quy ước hiệp thương giữa năm 1956 đến ngày 5-8-1964 xảy ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, bắt đầu nổ ra chiến sự... tính là 9 năm thì rõ là “thiên hạ cửu bình” đúng tắp lự nhé, hừm?
-Đúng thật đấy! tao đồng ý với mày! tuyệt.. Thằng Cóc huých mạnh vào tôi, thì các cụ vẫn bảo Sấm Trạng chỉ có đúng mà lỵ!.. chẳng dè chúng mình là những can dự... mà “cuộc đã tàn” chưa ấy nhỉ? mong sao chiến tranh kết thúc, chúng mình về quê, mà gẫm, mà bàn chuyện Sấm Trạng như các cụ đã từng bàn...
Đêm ấy chúng tôi nằm cạnh nhau, thật khó ngủ, câu chuyện vài lần bị gián đoạn bởi pháo sáng và máy bay Mỹ gầm rú... Có tiếng gà gáy. Cóc huých vào tôi “Vẫn thức đấy chứ?... ừ hừ!...
-Mày có nhớ 4 câu Sấm “Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh, can qua xứ xứ khổ đao binh, mã đề dương cước anh hùng tận, thân dậu niên lai kiến thái bình-龍 尾 蛇 頭 起 戰 爭, 干 戈 處 處 苦 刀兵, 馬 蹄 羊 腳 英 雄 盡, 申 酉 年 來 見 太 平” không? Nó hỏi.
-Đó là ứng vào Đại Chiến Thê Giới II, Cụ Lý đã giải thích... thật chính xác đấy... tôi trả lời...
-Mày không thấy ngờ ngợ sao?... Và thế là Cóc nói rằng nó cũng cứ gẫm mãi về mấy câu Sấm ấy... liệu lịch sử có thể lập lại một điều gì đó không? Nó giải thích rằng Ngày 5-8-64 sự kiện Việt Nam bắn chìm một tàu khu trục Mỹ, rồi Mỹ cho ném bom miền Bắc... và từ 1965 cuộc chiến chống Mỹ cứu nước... mỗi ngày một mở rộng... chả phải ấy là từ Giáp Thìn sang Ât Tỵ, cũng là “long vĩ xà đầu khởi chiến tranh...”đấy chứ? Ngoài chiến trường trận Âp Bắc, trận Bình Giã, Núi Thành, chiến dịch Khe Xanh Đường 9 Nam Lào, cả Đông Dương như bốc lửa... chả phải “can qua xứ xứ khổ đao binh...” là gì? Cuối năm 1967- Đinh Mùi(24), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tử trận, phía Mỹ và bọn đánh thuê Pắc Chung Hy, bị bổ chửng phải tính đến kế hoạch “Việt nam hóa” (25)... Tao ngờ ngợ cũng là “mã đề dương cước... móng ngựa chân dê... anh hùng tận...” ấy nhé!... Chúng tao nghe đồn sắp có bài chúc tết Mậu Thân-1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đại loại “Năm qua thắng lợi vẻ vang, năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to, vì độc lập vì tự do, đánh cho Mỹ cút đánh cho Nguỵ nhào, tiến lên chiến sỹ đồng bào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!” hoặc là “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, thắng trận tin vui khắp nước nhà, Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, tiến lên toàn thắng ắt về ta”... thế là cái gì? Thì tao nghĩ “Thân dậu niên lai kiến thái bình...” cũng có vẻ như là cầm chắc?. Bây giờ thì đến lượt tôi huých vào người nó và hét lên:
-Eo ơi! chú mày suy gẫm ghớm thế! Là mày mong chiến tranh sớm kết thúc, hay là diễn biến cái lý của thiên cơ có vẻ như mày muốn vãng lai một sự trùng lặp...(?) Nên phải hiểu “thiên cơ xuất kỳ bất ý...” chứ?. Thực ra tao nghĩ khổ Sấm ấy các cụ trải nghiệm về Thế Chiến II là chính xác rồi, vì chữ “xứ xứ khổ đao binh!” là ý rằng chỗ này chỗ khác... còn “ta” chỉ tóm lại là một “xứ An Nam” hay gọi chung là “xứ Đông Dương” thôi.! lấy đâu ra “xứ xứ”...? Cụ Lý đã có lần gỉai thích ấy thôi?.
-Hừm!... Tao chịu mày! lẽ ra có thêm xứ Tàu xứ Tây... gì gì nữa nhỉ... cứ cho là như thế, là tao cũng gẫm liên chi hồ điệp đấy! đợi “cuộc tàn” xem sao. Và cả hai chúng tôi ôm nhau cười. Ừ..! “hãy cứ gẫm liên chi hồ điệp(26)!...” tôi nhắc lại...
*


Thập kỷ 80...
Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kết thúc vào 30-4-1975, theo các nhà nghiên cứu có vẻ thật sự bất ngờ... nhưng khi trải nghiệm Sấm Trạng... thì nhịp bước của thiên cơ không thể không bảo là không định sẵn!.. Thú vị của suy gẫm chính là như thế! và Sấm Trạng là đề tài lôi cuốn tôi và “ông” Cóc từ thuở ấu thơ, vốn được các lão làng truyền khẩu... Bấy giờ tôi đã chuyển công tác về Hải phòng và đang học một khóa nâng cao tay nghề, tôi tranh thủ tạt vê quê. Cũng đã gần chục năm, tôi lại có dịp được đi bộ trên đồng đất cũ, cánh đồng lúa xanh đang trổ đòng, mùi lúa thơm lan nhè nhẹ. Những cánh ruộng trũng xưa nay đã thay đổi, có thể trồng màu. Cánh Mẵn, chân ruộng cao trước kia nay đã trồng được hai vụ ngô, khoai... Con mương chìm sâu thẳm, dạo nào tôi từng ra đánh dậm bắt cua, nay chuyển thành mương nổi... Được biết người nông dân quê tôi thời nay không thiết tha với đồng áng cho lắm, vào thời vụ này họ hay kéo nhau đi làm gạch tận Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình... để kiếm thêm đồng tiền bát gạo...
Bạn bè trang lứa với tôi ở quê, đều có gia đình, một hai con cả rồi, có người đã có cháu, nếp nhà phần nhiều do các cụ để lại, vài nóc nhà lấn ra chân dược mạ. Ông Cóc biết tôi về đã bỏ cuộc họp ở xã chờ... vừa về tới ngõ Ông Cóc đã ra đón. Thấy đầu tôi đã hoa râm Cóc xuýt xoa “Chà Bác Tía, vất vả lắm hay sao mà đầu trắng phếch cả thế! chết thật...” Tôi ôm lấy Cóc, ngắm thằng Cóc năm nào.
-Thật khó truyện trò xưng hô mày tao nữa rồi! Lên ông lên bà thôi! Chúng ta đầu đều bạc cả... trên dưới ngũ tuần rồi còn gì? nhanh quá! Qua thời binh lửa, sống sót được thế này là may lắm hừm? Sau cái ngày gặp nhau tình cờ ấy, ông Cóc tìm được đơn vị rồi tham gia cuộc tổng tấn công vào Quảng Trị- Đông Hà, bảo rằng bị vùi dưới đất, hai ba ngày, chuẩn bị rút lui... đồng đội đi rà soát, tình cờ phát hiện Cóc còn thở thoi thóp, đem cấp cứu kịp về tuyến sau, chỉ phải cưa mất bàn tay...
-Âu là cái số tôi thế! Cóc nói đầu gật gật...
Những người xung quanh kéo đến hỏi thăm uống nước... các Cụ xưa đều đã đi xa... Tầm tôi và ông Cóc đã là bậc vai vế trong thôn rồi... Cũng như ngày xưa lũ trẻ vây lấy người lớn mà hóng chuyện. Câu chuyện xoay quanh những khó khăn, năng suất nông nghiệp thấp, nạn đói... Sau ngày thống nhất kinh tế cứ tụt dần... những chuyện phiếm như “mỗi người làm việc bằng hai... bằng ba, để cho lãnh đạo xây nhà xây sân... mua đài mua xe... hoặc: bầm ơi có rét không bầm? von ga con dận gà hầm con xơi...” đem ra làm trò cười mà sảng khoái!... Rồi chuyện cấm chợ ngăn sông, cấm tiểu thương buôn bán... Ông Cóc nói:
-Tôi cứ cho là con người có số mệnh, đất nước có vận trời cả, Bác Tía nghĩ sao? các cụ dạy Sấm Trạng cứ nghiệm dần dần, cuộc tàn mới rõ! như cánh mình đã nghe, đã biết đều là đúng... Cụ tôi trước có chấm cho tôi lá số, bảo tôi phải có lúc chết hụt, mà còn phải mang tật suốt đời, thì sự thật hiển nhiên chưa? ... Vậy giải thích đi... Tôi còn nhớ trước khi Cụ tôi đi xa bảo tôi chép mấy câu để mà gẫm, ấy là “Phá điền than đến đàn dê, hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng, dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì...”. Bác có khi cũng biết mấy câu ấy... liệu có gẫm ra không hử?...
-Sao lại không... giờ thì Tôi và Ông lại giống các cụ xưa, tôi nói với ông Cóc, tôi vẫn nhớ những câu Sấm Trạng... có thể người đời chả mấy để ý đến... nhưng tôi lúc nào cũng gẫm... như trước kia ông từng bảo “cứ gẫm liên chi hồ điệp...” hử? Thì mấy câu Sấm ấy “phá điền than đến đàn dê...” hừ? Muốn hiểu ta phải xác định “dê là ai?” mà “phá điền” mới “than đến”... Trước kia các cụ nhầm ở chỗ không xác định đưc “dê là ai?” cứ suy diễn “dê là dương” là người Tây dương!... Nhớ rằng hai câu sau mới rõ nghĩa “dê đi dê lại tuồn luồn, đàn đi nó cũng một muôn phù trì!” vốn khẳng định cái tính chất quần sinh dân tộc... dân tộc nào cũng cứ “phù trì” cho dân tộc ấy! chữ “tuồn luồn” là chỉ cái tính cố hữu khó thay đổi của bất kỳ tộc người nào... ấy cho nên đàn dê cứ theo con đầu đàn, cũng giống như bên Tây người ta gọi lê dân, con chiên ngoan đạo là “bầy cừu của chúa” bầy cừu cũng như bầy dê vậy... Chính là ám chỉ những người dân lành... cứ “phù trì” cho quốc gia dân tộc mình một cách cố hữu... Thì đấy kẻ cầm đầu đàn dê “hô” đi xâm lược... là “đàn dê” cũng đi, ra “lệnh” tấn công là “đàn dê” cứ xông lên! Than ôi tính chất “một muôn phù trì của đàn dê”... phi lý tính, vô thiện cảm thật đáng thương!.. Lịch sử thế giới từ cổ chí kim, ít nhất là đến thời nay ta từng chứng kiến “kẻ cầm đầu- con đầu dàn” dẫn đàn, xua đàn dê này lấn át, xâm lược đàn dê khác mà cái sự “tuồn luồn... một muôn phù trì” vẫn diễn ra hết chỗ nọ, đến chỗ kia thật cứ nhỡn tiền!... Thì đấy! Chữ “điền- 田” bỏ ô vuông tức “phá điền” chỉ còn chữ thập “十” là “tung và hoành- là chữ thâp-十” ám thị rằng thời loạn, can qua chỉ khổ cho đàn dê... tức cho dân mà thôi!? tiếp đến câu “hễ mà chuột rúc” tức như ta nôm na là “chuột thổi còi!”... Sao lại bảo thổi còi? Thì ta biết ngày 26-01-1973 Hiệp nghị Paris được ký kết, nhưng Âm lịch đó là ngày 23 tháng Chạp Nhâm Tí, vẫn thuộc về năm con chuột, và con “chuột rúc” là “đàn dê về chuồng” tức là theo Hiệp nghị, phía Mỹ phải rút hết quân ở Việt Nam về nước trước ngày 29-03-1973. Quả đúng, theo lệnh người cầm đầu- con đầu đàn, quân Mỹ rút hết!.. ấy "...thì dê về chuồng” hử?... dù bảo không phải là khoa học thì sự chính xác lịch pháp không ai có thể bác điều đó được! ông Cóc thấy chưa!
-Bác giải thích em nghe thật thủng? Có thế chứ! ông Cụ tôi vẫn bảo chỉ thằng Tía là suy đoán khá hơn, sau này hỏi nó!... Thế bác còn nhớ bài Sấm dài Cụ tôi đọc anh em mình đã nghe... “hoành sơn là lối ra vào...” chứ?
-Có nhưng sau hẵng luận về mấy câu ấy!... Bây giờ “dê về chuồng...” thì cơ trời thế nào? Nhớ rằng có mấy câu Sấm “kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc, ngưu xuất lam điền nhật chính đông, nhược đãi ưng lai “sư tử” thượng, bốn phưng thiên hạ thái bình phong, 雞 盟 玉 受 天 傾 北, 牛 出 嵐 田 日 正 東, 弱 殆 應 來 溮 死 尚, 四 方 天 下 太 平 風”... Vậy là rõ “ngọc thụ” tức là ấn quốc bảo nghiêng về phương Bắc... là cái Cơ Trời nó thế, "quyền nhiếp chính" nghiêng về chính quyền phương Bắc... mới dạy rằng “thiên khuynh Bắc”... Còn “ngưu xuất lam điền” là gì? thì là năm 1973- Quý Sửu, Con Trâu xuất hiện, nhưng sao lại bảo là lam điền? Muốn hiểu thì phải biết Quý Sửu là năm- theo gốc địa chi... Thìn Tuất Sửu Mùi, vốn thuộc Thổ là con của Hoàng Đế, nhưng phép Ngũ Hành năm Nhâm Tý và năm Quý Sửu đều thuộc Tang Đồ Mộc tức gỗ cây dâu, ta bắt gặp mấy câu của Đoàn Thi Điểm “...càng trông lại, lại càng chẳng thấy, thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu... ngàn dâu xanh ngắt một màu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?” Đó là nỗi buồn của người chinh phụ... hoặc theo cách nhìn nhân thế “cuộc đời bể dâu” Ta hình dung năm Quý Sửu là cánh đồng đất bát ngát, tang đồ mộc, ngàn dâu biêng biếc... và “ngưu xuất lam điền” tức năm trâu 1973 làm nên một ngữ cảnh... ngữ cảnh ấy sẽ mở ra... Tiếp theo “nhật chính đông”. Sao lại bảo là nhật chính đông? Chỗ này trước hết phải hiểu thường nhật- thường ngày thì “nhật là ngày!” thế là: ngày chính đông!.. Vậy chính đông là gì? xin thưa ai đã quen dùng địa chi ở phép tính độn Thái Ât, hay phép Tử Vi, Hà Lạc thì hay dùng “Tí- Ngọ- Mão- Dậu”- để chỉ “Bắc- Nam- Đông- Tây”- các phương vị Bát Quái, ấy thì “nhật chính đông” tức là “ngày chính Mão”. Đến đây tức khắc cần phải nhớ và cần phải biết “một ngày của Trời là một năm của đât!”... Vậy là “nhật chính đông” là ngày Mão, tất cũng là chính Thái ất.. ? hiểu ra: chính là Năm Ất Mão mà năm Mão có điểm xuất phát là “ngưu xuất lam điền”... Tóm lại ngộ ra- Đó là năm 1975- Ât Mão xuất phát từ “...lam điền” năm 1973- Quý Sửu, sau khi Chuột rúc “...dê về chuồng” vào năm 1972- Nhâm Tí (23 tháng chạp)... Đúng là một ngữ cảnh mở ra cái cơ trời trước mắt... “ngàn dâu xanh ngắt một màu!” biêng biếc mênh mang...
-Eo ơi sao ông giải thích kéo cái nọ sang cái kia lê thê lề thề như gỡ bối chỉ ấy? Chúng cháu chả hiểu được... Mấy đứa bé tròn xoe mắt, thằng cháu đích của cụ Lý kêu lên! Ông Tía vội hét:
-Để Bác nói cho mà nghe!.. các con muốn hiểu phải bảy bồ cám tám bồ bèo, hừm... mà phải nghe cái đã! hử?... Chà! Bác “lý” ra cái cơ vận... tuyệt thật! rõ là Sấm Ngài cứ tăm tắp ấy nhỉ... Không đọc sách làm sao mà biết... Bác giải tiếp đi...
-Thì tôi cứ bắt chước các Cụ, cứ gẫm liên chi hồ điệp mà lại... Thế rồi “Nhược đãi ưng lai sư tử thượng” (27) có vẻ khó hử? ấy nhưng câu này ta đọc lên phải lấy “sư tử” làm chủ ngữ, thì “sư tử thượng” là gì? nôm na là con sư tử nhảy thượng lên một cái, nhưng cái trạng thái bùng lên, thượng lên ấy ngầm hiểu là trạng thái khiếp nhược đã bày sẵn, đã “đến lúc” trong bộ máy chóp bu... hao tổn nhuệ khí... mới dạy là “nhược đãi ưng lai” như thể... tự nguyện!, như thể... bằng lòng!... như thôi kệ!... muốn ra sao thì ra, hử?.. Đây là nói về cái cơ vận diễn biến mặc lòng... cho nên mới tiếp “bốn phương thiên hạ thái bình phong” ấy là vào năm “1975- Ât Mão”, thời điểm Chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị nguy ngập đến thế, Bắc Việt tấn công từ mọi phía ào ạt đến thế, thế giới bấy giờ gần như bằng an... như “bất động”, như phó mặc ông trời..! kể cả Mỹ cũng chẳng dòm ngó gì nữa, cũng thây kệ! Chà...chà! “Thiên hạ, đứng chào cờ im ắng, nào ai động đậy cứu vớt, quả đúng “bốn phương...thái bình phong” tức bốn phương đứng im mà nhìn, hử?... Thế là rõ cả chưa nào?
-Đúng thế! Mỹ là nước trong cuộc cũng cứ tháo thân, mặc cho Việt Nam Cộng Hòa ra sao thì ra, chán lặc rồi hử? chính chúng ta cũng thấy lạ... hử? Sấm Trạng thực như mực hệt cả về sự mô tả ý nghĩa trạng thái, vận khí... ngữ cảnh! Ôi ai bảo là không có thiên cơ?...
-Rồi sao nữa... Ông Cóc hỏi.
-Thì đấy! Rồi ta biết cuộc tổng tấn công mùa xuân vào chính đông- tức 1975- Ât Mão, sau hồi “chuột rúc, ngưu xuất lam điền” ngữ cảnh diễn ra là “ngọn cờ nhấp nhô đầu non...” ấy là “Quân Bắc Việt cs” từ trên thẳm rừng ngàn sâu đổ xuống như thác lũ, triều dâng... thần tốc, táo bạo... (theo Anmanach những nền Văn minh Thế Gíơi- NXB VH TT)... Bắt đầu chiến dịch Quảng Đà (29-03-1975), tiếp chiến dịch Tây Nguyên (từ 04-03 tới 03-04-1975) và đến chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26-04 tới 30-04-1975)... Số liệu theo đó gồm 15 sư đoàn + 4 trung, lữ đoàn tăng thiết giáp + 6 trung đoàn đặc công + kỹ thuật + hỏa lực... Tổng cộng 280.000 quân, 400 tăng thiết giáp, 420 pháo... Các mũi tiến công từ Xuân Lộc, từ Buôn Mê Thuột, từ Tây Ninh An Giang... hành tiến nhằm thẳng hướng Sài Gòn, ấy là “Thạch thành mèo lại bon bon chạy về”... Đến đây thì... cần biết thế nào là “thạch thành?” xin thưa: Ai từng học về Kiến trúc, Xây dựng chắc không thể không biết rằng nước ta có một cái thành cổ: Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc Thanh Hóa, thành này được xây bằng đá, cổng thành cao rộng tới 8 mét, với những tảng đá nặng từ 2 tới 8 tấn chồng lên! được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XV (khoảng 1404-1405), là di tích đã được xếp hạng, xưa các cụ ta cũng quen gọi là Thạch Thành, trước kia địa phương ấy tên hành chính cũng gọi là huyện Thạch Thành. Và ta thấy hiện ra trước mắt: chiến dịch Hồ Chí Minh, đúng vào năm ất Mão, năm con mèo!.. một sự trùng hợp kỳ lạ- nhà Hồ? ấy là “...mèo lại bon bon chạy về!”... Câu tiếp theo “đầy đường lai láng máu dê!” thì... sự đương nhiên, không khó hiểu lắm! máu dê hay máu dân? ấy là biết bao dân lành, chiến sĩ anh hùng đã hy sinh cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này để giành sự toàn thắng? quân lệnh phát ra: giờ phút quyết định, tiến! Và điều làm ta càng ngạc nhiên không thể tưởng tượng là câu tiếp “con quay ngả trắng ba que cuộc tàn!”... Một lời than, hay một sự kết cục của thiên cơ... Chẳng phải thế cờ đã kết thúc đấy ư? Sự thật đến lạnh lùng, thì đấy “con quay ngã trắng!” -trắng phớ giữa thanh thiên bạch nhật! Và kia lá cờ “vàng ba sọc đỏ” lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, biểu tượng của quẻ Càn, máu đỏ da vàng, với khí dương cương kiện, một thời kiêu hùng tung bay dưới trời Đông Nam Á, vốn luôn bị các lực lượng đối lập mỉa mai là “lá cờ ba que”... xót xa thay... thực sự hết vận! Quả đúng như lời Sấm năm trăm năm trước “ba que cuộc tàn”... và “trời nam trở lại đế vương!...” (28), thì tôi và ông đã được nghe Cụ Lý cùng các cụ ta suy gẫm “lắc đầu” cả rồi, sao lại thế nhỉ, lạ quá?... đúng chưa nào?
-Đúng! Thật đúng đến cuộc tàn mới biết! Ông Cóc nói, chính chúng ta chứng kiến... Ai bảo là thêm thêm bớt bớt gì đâu? Sấm Trạng không thể sai được, toàn những câu Bác và tôi đều đã nghe từ tấm bé, từ lúc còn điếu đóm... suy gẫm thế thì em chịu Bác rồi!... Tôi nhớ là các cụ còn nhiều chỗ chưa giải thích được, như “tên treo ba mũi phục thù, khen thay khắc dụng bày trò chó con” là thế nào? sao lại “sông ô chấp cả mấy anh thủy hoàng”...
-Câu Sấm ấy tôi vẫn nhớ như in... Các cụ ta vốn nhầm ở chỗ cứ vận vào phép Bói Dịch, Độn Giáp... cho nên gẫm mãi không ra “khắc dụng” là thế nào, cứ luận hết thể- dụng lại sinh- khắc rồi hào trên hào dưới... Không ngờ Sấm Trạng đã mượn một câu chuyện có thật trong Lịch sử.... Đó là câu chuyện về một nhân vật cụ thể với cái tên cụ thể là Lý Khắc Dụng(29) thời Đường bên Tàu...
Xin ngược dòng lịch sử nước Tàu, khoảng năm 874- 884 sau CN, nhà Đường đại loạn, có cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, Vua Đường sai Lý Khắc Dụng, Tiết độ sứ Hà Đông và Chu Ôn, tiết độ sứ Tuyên Vũ đi đánh dẹp. Không ngờ Hoàng Sào đánh bại Chu Ôn và vây hãm trị sở Tuyên Vũ của Chu Ôn khiến Ôn phải cầu Lý Khắc Dụng đến giải cứu... Lý Khắc Dụng đã đánh bại Hoàng Sào, cứu được Chu Ôn... đến khi vào thành, Chu Ôn nảy ra mưu độc vờ bày tiệc đãi ân nhân, rồi chuốc rượu cho Lý say sỉn định giết đi. Lý Khắc Dụng nhờ đám tuỳ tướng tả xung hữu đột mà chạy thoát... Từ đó Lý vô cùng căm ghét Chu... Bấy giờ Quân Chu Ôn ngày càng lớn mạnh, Lý Khắc Dụng muốn cùng với Lưu Nhân Cung, vốn trước là một nha tướng của Lý, nhờ Lý tiến cử, nay cũng trở thành Tiết độ sứ Ung Châu, để đánh Chu Ôn, không dè Nhân Cung lại theo đuôi Chu Ôn mà chống lại Lý... Lý Khắc Dụng vô cùng bực tức bèn sang gặp Vua Kim kết nghĩa uống máu ăn thề tiêu diệt Ôn... khi Lý về bản doanh Vua Kim là Da Luật A Báo lại nuốt ngay lời hứa, thấy thanh thế quân Chu Ôn quá mạnh, quay sang liên kết cùng Chu tiêu diệt Lý... Tất cả những sự việc tráo trở ấy quả thật đã làm Lý Khắc Dụng phải điên đầu. Khắc Dụng phải lượng sức phòng thủ chống lại Chu Ôn, rồi bực tức mà sinh bệnh... nảy ra một cái nhọt lớn trên người. Biết không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, trước khi chết, Lý Khắc Dụng gọi con là Lý Tồn Húc, đang làm bộ tướng, giao lại ấn tín và dặn dò: “Chu Ôn là kẻ bất nhân, cuồng bạo Cha cứu hắn, hắn lại lấy oán trả ân; Lưu Nhân Cung là kẻ bất nghĩa, ăn lộc chủ mà theo giặc làm phản, Da Luật A Báo là kẻ bội tín, đã cắt máu ăn thề, nay lại nuốt lời theo giặc chống lại cha, con gắng luyện tập quân mã, tích trữ lương thảo trả thù cho cha, tiêu diệt bằng được chúng, ba mối thù ấy không trả được thì dưới hoàng tuyền cha không thể nào nhắm mắt!...” Nói đoạn sai người lấy 3 mũi tên giao cho Lý Tồn Húc “ba mũi tên này con phải tiêu diệt ba tên giặc ấy và thế lực của chúng!”... Sau đó Lý Khắc Dụng ho dốc... thổ ra huyết rồi chết.
Lý Tồn Húc lo tang Cha chu đáo, đem ba mũi tên cho vào một túi gấm đẹp đặt lên bàn thờ nguyện thực hiện y lời! Khi đi đánh trận mang theo ba mũi tên bên mình, khi về lại đặt lên bàn thờ mà cầu nguyện... Sau 10 năm Lý Tồn Húc đã rửa hận cho cha, tiêu diệt cả ba thế lực kể trên, thu hồi toàn bộ đất đai của Chu Ôn, Lưu Nhân Cung, cả một phần đất do A Báo chiếm... Năm 923 Lý Tồn Húc lên ngôi Hoàng đế lập ra nhà Hậu Đường chính là Đường Trang Tông...
Vậy là câu chuyện có thật trong sử sách của bên Tàu, mà cái tên riêng rất dễ lẫn lộn vào hình thái của phép bói dịch, được Đức Trạng Trình lấy làm dẫn đề cho một khổ Sấm... thì ra những ai ít hiểu biết về thông sử làm sao có thể hiểu nổi?... ngay lịch sử nước nhà các bậc túc nho xưa cũng còn chưa hiểu hết nữa là? Ông Cóc bàn thêm với tôi... Nhưng bác có thấy lạ là Đức Trạng nêu lên như một sự so sánh của cái cách trả thù và xem ấy chỉ là “bày trò chó con!..” theo tôi chắc có uẩn khúc gì đây? Còn như ta hiểu đến tận cùng thì ấy là mạch lý của thiên cơ, thiên vận vậy! Bời thế Sấm có nhắc “thần cơ quy nỗ ở trời, làm thành thần khí thửa nơi trị trường!” phải vậy chăng? thì ở đây Ngài cũng dạy “...bấy giờ quét sạch thú ly, ai ơi nhớ lấy sấm ghi kẻo lầm, trong khi sấm chớp ầm ầm, chẳng qua có số để găm trị bình!” Ây là điều chúng ta cần chiêm nghiệm? Mấy câu sau nữa thì bác gẫm ra sao?
-Nói đúng lắm!... bởi thế mà Sấm Trạng còn có câu “xem ra cũng bởi số trời, suy thông mới thấy sự đời nhường bao!” tức là hiểu ra, sự đời chỉ nhường ấy! Mấy câu sau thì như một điều răn vậy.. Sông Ô xưa cũng như bao dòng sông khác, chuyên chở nước nguồn để nuôi dưỡng trăm họ chứ đâu để nhấn chìm Hạng Vũ, một người vốn có sức mạnh phi thường nhấc được cái Vạc lớn ngàn cân chạy ba vòng... không biết mệt! ấy vậy mà hết số thì cũng tự mình đến với cái chết! Huống chi Tần Thủy Hoàng, bạo chúa dẫu lúc nào cũng lấy sự giết làm lẽ sống, kiêm tính thiên hạ! lại sợ chết, sai người đi tìm thuốc trường sinh tận chân trời góc biển? Mà nào có thoát. Cho nên mới bảo “thất phu dám chống thư sinh, Sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng, nực cười những kẻ bàng quang, cờ tàn lại tính toan đường đấm xe?” (30). Cái xe cái pháo đắc lực một thời, với con người thì nghĩa cử làm trọng, có đâu khi tàn cuộc lại bắt chước cách chơi cờ mà dùng mẹo đấm thí..! là tâm địa xằng bậy ma quỷ bá vương mà gây ra... ấy là cái ẩn ý trong lời Sấm vậy! cho nên Ngài mới nói như buông thõng:
“thôi thôi mặc lũ thằng hề,
gió mây ta lại theo về gió mây!”
-Cho đến nay tôi và Bác vẫn gẫm mà chưa thể hết! Sấm Trạng thực tài... Chả trách Cụ tôi xưa suốt ngày trăn trở ngâm vịnh... Quyển Sấm lúc nào cũng gối ở đầu giường...
*



---------------------------------------------------------------------------------(PVH)


Ghi chú: (1)- cái đóm- mồi lửa châm bằng nan tre dung để hút thuốc lào; (2)- “trống quân” là điệu hát dân gian, xưa kia người ăn xin hát gọi là hát xẩm, nhạc cụ kèm theo đơn giản là cái trống cơm; cái mõ và cái nhị, cảm xúc hiệu quả, rất ấn tượng; (3)-Lời Sấm ý nói nhà Lê còn thì nhà Trịnh còn, nhà Lê mất thì nhà Trịnh cũng sẽ mất; (4)- Ba anh em Nguyên Nhạc- Nguyễn Huệ- Nguyễn Lữ, sau khi tiêu hết thóc thuế dân trong vùng vào cờ bạc, gặp lúc mùa màng thất bát, sợ bị triều đình hỏi tội nên dựng cờ khởi nghĩa (1771), xin làm tiên phong được vua Lê ban ân sủng, nhà Trịnh ủng hộ; (5)-Thông sử chép: Chúa Trịnh lập biểu tâu Vua Lê phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng Nam tuyên úy trấn thủ, theo theo đó Huệ- Lữ đều có chức tước- vậy là 3 anh em tự xưng thần của nhà Lê; (5)- Sử nguồn: Nguyễn Nhạc lên ngôi xưng là Trung ương Hoàng Đế- đất Gia Định cho Bình Định vương Nguyễn Lữ; Bắc Bình vương từ đèo Hải Vân trở ra; vậy là khi Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế trước khi ra Bắc diệt Tôn Sỹ Nghị, thì đất Thuận Hóa Quy Nhơn vẫn là của Nguyễn Nhạc... các nhà sử học ngày nay coi Quang Trung như là vị Hoàng Đế thống nhất VN là hoàn toàn không có cơ sở! thậm chí sau khi Quang Trung chết 1792, con là Quang Toản đã bức Nhạc để lấy thành Quy Nhơn (lời Sấm “tam phân rồi chẳng được gì cả ba” là mạch vận thiên cơ chứ không hàm hồ như các sử gia đương đại); (6)- Sử nguồn: Nguyễn Ánh lên ngôi Vua năm 1802 lấy Quốc danh là Nam Việt tuyên cáo bốn phương; Càn Long đề nghị đổi là Việt Nam vì sợ lẫn vào Nam Việt xưa kia Nguyễn Ánh chấp thuận- “thật thần kỳ!” lại trùng cơ lời Sấm “Việt Nam khởi tổ xây nền, Lạc Long ra trị đương quyền một phương”; (7)-Chữ Nho là chữ tượng hình- chỉ chữ Nôm- và Hán Nôm- vốn là quốc ngữ Viêt Nam từ 1920 trở về trước; Từ 1920 nước ta bắt đầu dung chữ hệ Latinh do các giáo sĩ phương Tây phát minh chính là Quốc Ngữ bây giờ- rất tiện dụng; (8)-“trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” là chủ trương của đảng csvn- quan điểm này coi trí thức là tầng lớp lừng khừng cải lương hay dao động vì họ lấy tư duy cấp tiến để soi xét công việc, không đồng nhất với “chuyên chính cực trị và thống nhất tư tưởng”- họ bị ghép xem như kẻ thù cần bị tiêu diệt như phú địa hào bóc lột người lao động; nên ta không lạ gì ở chế độ cực quyền cs các đại trí thức có uy tín thường bị cs tiêu diệt và họ luôn là đối tượng dễ bị tiêu diệt vì bản chất ngay thẳng minh bạch; (9)- “sa mạc”- là một làn điệu dân ca hát xẩm; biểu hiện sự day dứt ai oán đau khổ, làn điệu này âm nhạc da diết như tấu vuốt của tiếng nhị tiếng hồ; (10)- những năm 1955- 1990 VN luôn xưng danh là nước VN xhcn- là tiền đồn của phe xhcn ở Đông Nam Á, chống đế quôc- phong kiến, giương cao ngọn cờ qtvs, góp phần giải phóng các dân tộc và gìn giữ hoà bình thế giới!; (11)- “còn mồ ma ông (x)... hoặc còn mồ ma cụ (y)”- cách gọi tên khi nói chuyện mà phải nhắc đến các việc liên quan với người đã chết một cách kính trọng; (12)-Thời Xuân Thu là thời lập quốc ở Đông Phương khoảng từ 650 tr.CN có Tấn, Tề, Sở, Tần, Tống là giai đoạn Đông Chu suy yếu; sau đó là thời Chiến Quốc, các nước thay nhau ngôi Bá Chủ; khoảng 470 tr.CN tới 255 tr.CN nhà Tần diệt Đông Chu; 221 tr.CN Tần thống nhất Trung Quốc; (13)- Sự hình thành các nước Tư Bản theo thể chế Tam quyền- Lập Hiến sau CM Dân quyền Thế giới 1789 (thực chất bùng nổ CM Pháp- công xã Paris), sau là sự hình thành các nước cs- xhcn sau hai kỳ đại chiến thế giới khoảng 1800-1947 theo đó Sấm gọi là "Gío mưa lại mở một trường Xuân Thu"; (14)- Thủy tổ sinh ra loài người gọi là Ông Bành Tổ- truyền thuyết Ô. Bành Tổ sống thọ 600 năm; (15)- Rát đòn- từ chỉ người sợ bị đòn roi;(16)- Gò Đóng Đa thuộc Hà Nội, sử cho rằng đấy chôn xác hàng vạn quân xâm lược Thanh mà tạo thành gò, thực tế chưa ai khai quật gò này để biết sự thực dưới có phải toàn là hài cốt giặc;(17)- Sẽ đến giai đoạn người dân dùng thẻ tín dụng như một cái Card, thì tiền giấy ít lưu thông, và chủ yếu lưu thông tiền xu kim loại để tiện trong trao đổi điện tử; là thời kỳ dân quyền được đề cao tức thân phận- dân- con cua cái cáy cò quyền thật sự! tức "cua còng đổi gọng" và truyền thống văn hóa cần phải được phục vị, chữ nho trở lại được tôn trọng;(18)- Sấm Trạng "đoài phương phúc địa giáng linh, cửu trùng thụy ứng long thành ngũ vân"- tức khi ta tiếp thu được văn hóa phương Tây bởi sự xâm lăng của Pháp đến từ "đoài phương" thì (9x9) =81 năm- là thời điểm ứng vận "long thành ngũ vân" tức là "thụy trình ngũ sắc quang" tức là "rồng bay năm vẻ sáng ngời" và sự thực lịch sử VN 1874- 1955- 1975- y mực hệt!; (19)- Mả Nác- tên một cái đống nghĩa địa ở Bình Lục- Hà Nam; (20)- Thời kỳ 1966-1975 Xe vào tuyến lửa ban đêm, treo một cái đèn bão dưới gầm xe, là loại đèn dầu hỏa chịu gió, ánh sáng chỉ một quầng, lái xe sau nhìn gầm xe trước nối đuôi mà chạy- máy bay Mỹ rất khó phát hiện; (21)- Trong chiến tranh từ 1966 tới 1972- đường 15B được gọi là đường bò lăn- chính là đường Số 7 rẽ từ Quán Hành- Diễn Châu lên Đô Lương (Nghệ An); là con đường đất đỏ nắng thi bụi mù, mưa thì trơn trượt, hố bom chi chít các đầu cầu, thường xuyên có TNXP làm nhiệm vụ thông đường, lính và xe tải đạn đi theo đường này gian nan vất vả như bò lăn; (22)- Khe Bò Đái là một khe nước thuộc Rú Đụn (tức Núi Đụn, người Nghệ- An- Hà Tĩnh gọi núi là rú) cạnh Bara Nam Đàn, nước chảy sè sè nghe như bò đái mới có tên ấy- kể rằng Bara Nam Đàn do Xuphanuvong thiết kế, ông vốn là ks thủy lợi. Câu Sấm "Đụn sơn phân dải, bò đái thất thanh, thủy đáo lam thành, Nam đàn sinh thánh,庉 山 分 獬, 爬 戴 匹 聲, 水 到 嵐 成, 南 檀 生 聖" được giải liên quan cả đến việc đưa nước về tưới ruộng- bằng cái đập nước này; lại nữa, khe Bò Đái, hết nước chảy, rộng toác nằm phía sau núi Đụn, nên nói "hòn Đụn nứt ót"- ót là phía sau, là cái gáy trên đầu, tiếng địa phương; (23)- Việt Nam miền Băc cs chủ trương xây dựng xh- xhcn, cấm chợ ngăn sông, bế quan tỏa cảng- một thời gọi là bao cấp- mọi của cải nhà nước quản lý, phân phối qua cửa hàng mậu dịch theo tem phiếu... áp dụng chính sách thời chiến tổng động viên từ năm 1964- chiến tranh kéo dài tới 1975, các đường vào Nam, đặc biệt QL số 1- bị Mỹ ném bom phong tỏa- lời Sấm đã rất đúng; (24)- Tháng 12-1967 người viết bài này đang dự chỉnh huấn chính trị với những bài viết của Lê Duẩn; Trường Sơn (NCT); Võ Nguyên Giáp; Cửu Long (PH)... tại Hợp Thành- Yên Thành Nghệ An thì được tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tử trận và lập tức đơn vị tổ chức truy điệu... Xét các sự kiện "1964-long vĩ- xà đầu-1965" đến "1968- thân- dậu- 1969 niên lai" có vẻ như ông Cóc bình luận sát sát?; (25)- Từ sau Tổng Tấn công 1968 của Bắc Việt cs- Mỹ tính đến kế hoạch "VN hóa chiến tranh" tức tăng cường viện trợ trang bị khí tài huấn luyện để quân lực VN cộng hòa tự chủ cuộc chiến, rút dần quân Mỹ về nước; (26)- "gẫm liên chi hồ điệp" cách nói của tiền nhân tức là suy ngẫm liên tục để khám phá bí mật của Sấm truyền; (27)-"nhược đãi ưng lai sư tử thượng" câu này có hai từ "sư tử" là bí mật của Sấm, tôi đem vào mục ghi chú này cốt tạo sự hấp dẫn! ai chưa xem ghi chú này sẽ còn thắc mắc! vâng thì xin thưa, có câu Sấm "giữa năm hai bảy mười ba, lửa đâu bỗng cháy tám gà trên mây"; câu này ứng việc toàn quyền Đông Dương Pats-kê (Pasquier) trên chuyến bay về Pháp năm Quý Dậu- 1933, máy bay của Ô. bị nổ tung bốc cháy trước khi hạ cánh; khôi hài và chính xác Trạng dùng âm hán tự Bát= 8, kê= gà, vậy là "theo quái dịch hai bảy là mười ba... cháy tám gà trên mây!"; Trường hợp ở đây Trạng biết cả Anh ngữ, biết rằng South là Nam, chỉ phương Nam- người Việt ta đọc South là "Sưu..st" và đọc cắt âm rõ ràng sẽ thành "sư tử!"- thật tài tình thú vị! vâng, 2từ bí mật này làm cánh cửa mở tung và cả khổ Sấm đã được khám phá!; (28)- Thực sự giới cầm quyền 1975-2010 chế độ cs ngày càng cực quyền tham nhũng, xa rời dân chúng, thích dùng nghi thức quân vương vua chúa xưa, hay dùng sắc lệnh trói buộc là chính, cho nên Sấm nói "Trời Nam trở lại đế vương" là đúng với hoàn cảnh hiện nay; (29)-Lý Khắc Dụng- còn gọi là Tấn vương, chết khoảng năm 912, giữ đất Hà Đông (Hậu đường) theo lịch sử Trung Quốc 5000 năm- nhà XB-VHTT-2000; (30)- Nguyên sử liệu Hạng Vũ bị Lưu Bang đánh đuổi chạy đến bên Ô Giang thì không còn đường, tự biết hết số, dùng kiếm cắt đầu mình nói cho viến tùy tướng đem mà lĩnh thưởng; còn Tần Thủy Hoàng cuối đời cho người đi khắp góc bể chân trời tìm thuốc trường sinh, năm 210 tr.CN khi đi kinh lý tới Sa Khâu ốm nặng chết- "Hư thực muôn đời hay là Tri Nghiệm Sấm Trạng" cốt cho mọi người biết xưa nay số trời cả!./
---------------------------------------------------(đã tải trên dienbatn blog từ 6-2008- lần đăng tải này mới viết thêm chú thích- có sửa chữa hiệu đính- 01/08 /2011- KTS Phạm Vũ Hội)
***



TB:chép lại từ bản chép tay của cụ Đồ ở Nam Sang
Nguyên văn bài Sấm tôi được nghe từ những năm 1955-1960:
(Cụ Lý hay hát ư ử... “điệu trống quân”- hát xẩm- bí mật lời Sấm đã được khám phá!)
***
Hoành sơn là lối ra vào!


Cuốc kêu vọng đế Cáo gào Hà vương


cung trăng đã sẵn lời chương


gió mưa lại mở một trường Xuân Thu...


tên treo ba mũi phục thù


Khen thay khắc dụng bày trò chó con...


ngọn cờ nhấp nhô đầu non


thạch thành mèo lại bon bon chạy về


đầy đường lai láng máu dê


con quay ngã trắng ba que cuộc tàn...!


Trời Nam trở lại đế vương


thân nhân không phải là phường thầy tăng


đồng dao đã có câu rằng


non xanh mà mọc trắng căng mấy kỳ


bấy giờ quét sạch thú ly!...


ai ơi nhớ lấy Sấm ghi kẻo lầm!


trong khi Sấm chớp ầm ầm


chẳng qua có số để găm trị bình


thất phu dám chống thư sinh


sông Ô chấp cả mấy anh Thủy Hoàng...


nực cười những kẻ bàng quang


cờ tàn lại tính toan đường đấm xe


thôi thôI mặc lũ thằng hề


gió mây ta lại theo về gió mây!...”
***
--------------------------------------
Nhân việc thực địa lập quy hoạch khu di tích Trạng Trình 2000- 2001


(Chép lại tại Hải Phòng năm 2000- KTS Phạm Vũ Hội)


----------------------------------------------


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét